Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Một số giải pháp thúc đẩy thực hiện chương trình Quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015

16/12/2011

Ngày 22 tháng 2 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 267/2011/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là chương trình 267), với mục tiêu tổng quát là tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực; trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển.

Đối tượng chính của chương trình là trẻ em, trong đó ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Chương trình được thực hiện trong phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên những địa phương có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời chương trình cũng xác định 4 nhóm mục tiêu cụ thể bao gồm (i) Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em; (ii) 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; (iii) 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; (iv) 50% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Chương trình có 5 nhóm dự án cụ thể bao gồm:

(i) Truyền thông vận động chính sách, vận động xã hội nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và hành động của cả cộng đồng xã hội về phương pháp tiếp cận bảo vệ trẻ em, trong đó vận dụng phương pháp tiếp cận hệ thống, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em làm trụ cột của chương trình.

(ii) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ với mục tiêu từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, cộng tác viên thôn bản và tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã.

(iii) Xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE với mục tiêu 50% tỉnh, thành phố xây dựng được hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở ít nhất 2 huyện, trong đó có ban chỉ đạo và nhóm công tác liên ngành từ tỉnh đến xã, trung tâm công tác xã hội với trẻ emcấp tỉnh; điểm tham vấn ở cộng đồng, trường học; mạng lưới cộng tác viên thôn bản về bảo vệ trẻ em và nhóm trẻ nòng cốt. Vận hành cung cấp dịch vụ, chuyển tuyến và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em có hiệu quả.

(iv) Xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng với mục tiêu 80% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục và các dịch vụ công cộng; 100% số trẻ em bị bỏ rơi, bị mồ côi do cha mẹ chết vì AIDS được chăm sóc bởi gia đình thay thế hoặc cộng đồng; Giảm 10% trẻ em lang thang so với đầu kỳ; Giảm 30% trẻ em lao động trong điều kiện tồi tệ; Hàng năm giảm 10 % trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; Giảm tỷ lệ trẻ em vi phạm pháp luật xuống dưới 7/10.000.

(v) Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mục tiêu hướng tới là một số quy định, điều luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi theo hướng thân thiện với trẻ em và tăng cường tính phòng ngừa, bảo vệ trẻ em; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi lần 2 theo hướng cụ thể hơn sẽ được Quốc hội thông qua trước năm 2013; Chuẩn hóa hệ thống chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, làm cơ sở để giám sát và đánh giá kết quả thực hiện hàng năm và 5 năm; đồng thời xây dựng được cơ sở dữ liệu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phục vụ cho công tác quản lý các cấp.

Theo kế hoạch, ngân sách bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu cơ bản của chương trình khoảng 1755,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 913,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 742 tỷ đồng, huy động quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác 100 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên chúng ta có được một chương trình ở tầm cỡ quốc gia về bảo vệ trẻ em và được bố trí ngân sách khá lớn để thực hiện. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quyền được bảo vệ của trẻ em theo hướng hội nhập với khu vực và thế giới. Kể từ khi chương trình được ban hành đến nay, đã có 50 tỉnh thành phố phê duyệt chương trình, hoặc kế hoạch bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 và bố trí ngân sách địa phương để thực hiện. Về cơ bản, các tỉnh, thành phố đều bám sát vào mục tiêu, hoạt động của chương trình 267 và gắn với tình hình thực tế trên địa bàn. Tuy vậy, qua nghiên cứu chương trình, kế hoạch của các địa phương cũng thấy bộc lộ một số hạn chế nhất định đó là tính sáng tạo chưa cao, chưa hướng vào giải quyết các nhu cầu bức xúc cần được bảo vệ của trẻ em; chưa thể hiện được tính đặc thù của từng địa phương và từng vùng miền; dự kiến kinh phí chưa phù hợp với mục tiêu đặt ra, đa phần đều dự kiến bố trí nguồn lực thấp và chưa chủ động bố trí ngân sách địa phương phần lớn vẫn dựa vào ngân sách trung ương. Đây có thể coi là một bất cập lớn nhất trong việc thiết kế chương trình, kế hoạch bảo vệ trẻ em ở các địa phương. Nếu không có sự điều chỉnh kế hoạch hàng năm kịp thời thì khó có thể huy động được nguồn lực tại chỗ để thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình.

Trước tình hình thực tế nêu trên, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao nhận thức và hành động của chính đội ngũ cán bộ nghiên cứu thiết kế chương trình, kế hoạch và các nhà quản lý lãnh đạo ở các địa phương để họ điều chỉnh kế hoạch hàng năm và vận động bố trí ngân sách tăng thêm cho phù hợp với cơ chế của chương trình 267 và tình hình thực tiễn của từng địa phương, nhất là ở các tỉnh thu ngân sách đảm bảo nhu cầu chi; đồng thời chủ động huy động nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác; mặt khác cũng cần chủ động lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác ở địa phương để tăng thêm nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu của chương trình 267. Về mặt nhân lực, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc củng cố lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp, bảo đảm cho Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp tỉnh có được từ 5-7 cán bộ (tùy theo dân số của từng tỉnh) riêng hai thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần có khoảng 10 cán bộ. Đối với cấp huyện cần ít nhất có 1-2 cán bộ chuyên trách bảo vệ chăm sóc trẻ em (tùy theo dân số từng huyện/quận) nằm trong phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Cấp xã cần có một cán bộ văn hóa xã hội chuyên trách công tác Lao động – Thương binh và Xã hội kiêm nhiệm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em theo Nghị định 92/2010/NĐ- CP của Chính phủ; ngoài ra, cần củng cố đội ngũ cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em, bảo đảm cho mỗi xã có từ 5-7 cộng tác viên (tùy theo dân số từng xã/phường). Bên cạnh đó cần củng cố, kiện toàn ban bảo vệ trẻ em cấp xã/phường để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã/phường đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Về cơ bản, các mục tiêu, phương pháp tiếp cận và các hoạt động bảo vệ trẻ em đã rõ ràng, chúng ta cần có điều kiện bảo đảm để thực hiện. Điều này không chỉ là cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương các cấp mà nó còn cần có các điều kiện về nguồn lực và nhân lực để thực hiện. Nếu các địa phương thực sự quan tâm thực hiện các giải pháp nêu trên, chắc chắn chương trình 267 sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2011-2015.

TS. Nguyễn Hải Hữu

Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc Trẻ em

Xem