Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Cần thúc đẩy phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam

16/12/2011

Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới và ở nước ta đã chứng minh tính cần thiết của công tác xã hội (CTXH) trong việc góp phần giải quyết các vấn đề về con người và quyền con người. Mặt khác, nguyên lý giá trị, các nguyên tắc và phương pháp CTXH đang ngày càng được chấp nhận trong nhiều khía cạnh của sự phát triển đất nước, phát triển xã hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu cơ bản của con người hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn

Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới và ở nước ta đã chứng minh tính cần thiết của công tác xã hội (CTXH) trong việc góp phần giải quyết các vấn đề về con người và quyền con người. Mặt khác, nguyên lý giá trị, các nguyên tắc và phương pháp CTXH đang ngày càng được chấp nhận trong nhiều khía cạnh của sự phát triển đất nước, phát triển xã hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu cơ bản của con người hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nền kinh tế đang phát triển theo hướng CNH, HĐH, mức sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi đôi với quan tâm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, ưu tiên cho mục tiêu giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Tính đến nay, đã có hàng chục luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng liên quan đến chính sách ASXH nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho các đối tượng chính sách xã hội góp phần ổn định chính trị, an toàn xã hội của đất nước, được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá cao.

Các chính sách ASXH ngày càng toàn diện hơn, đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng được nâng cao hơn, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, các chính sách mới ban hành trong những năm gần đây ngày càng mang tính hội nhập, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và từng bước xã hội hóa.

Với một quốc gia hơn 87 triệu dân, hậu quả các cuộc chiến tranh còn rất nặng nề: Hàng triệu gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với đất nước, người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin; vấn đề đói nghèo, hậu quả nặng nề của thiên tai; cùng nhiều vấn đề xã hội khác như người tàn tật, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được Nhà nước và cộng đồng, xã hội giúp đỡ... Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể quan tâm (cả nước đã có hơn 300 cơ sở BTXH, trung tâm 05,06, hệ thống trường giáo dưỡng, trung tâm phục hồi chức năng người tâm thần...) nhưng đến nay, tỷ lệ đối tượng được hưởng chính sách của Nhà nước còn thấp; đội ngũ cán bộ, nhân viên làm CTXH còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản mang tính chuyên nghiệp. Hệ thống tổ chức bộ máy cung cấp dịch vụ CTXH chuyên nghiệp ở cộng đồng rất hạn hẹp; hệ thống trường, cơ sở đào tạo nghề CTXH đã hình thành và phát triển nhưng còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, cơ sở cho thực hành, thực tập.

Trong khi đó, trên thế giới, nghề CTXH mang tính chuyên nghiệp đã hình thành và phát triển cách đây hàng thế kỷ; hiệp hội các trường đại học đào tạo nghề CTXH thế giới với sự tham gia của 80 quốc gia với hàng trăm ngàn hội viên là một minh chứng cho lịch sử phát triển của một loại hình nghề nghiệp này. Tại nhiều nước, các dịch vụ công tác xã hội đã trở nên chuyên nghiệp hóa nhờ có sự tham gia của đông đảo đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội được đào tạo bài bản. Chất lượng đào tạo, hệ thống chính sách, dịch vụ ASXH ở các nước không ngừng phát triển; tính chuyên nghiệp của CTXH được thể hiện rõ nét trong việc huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và cả quốc gia. Do vậy, hoạt động này không chỉ tạo ra sự phát triển bền vững mà còn góp phần đáng kể cho việc giảm tải ngân sách Nhà nước.

Theo Hiệp Hội nghề CTXH thế giới thì nghề CTXH chuyên nghiệp là những hoạt động nhằm tạo ra sự phát triển của xã hội thông qua việc tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, tăng cường năng lực và giải phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng; CTXH có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, công bằng và bình đẳng xã hội; CTXH không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề xã hội mà còn có chức năng phòng ngừa các vấn đề xã hội, thúc đẩy xây dựng một xã hội phát triển hài hòa vì hạnh phúc của tất cả mọi người.

Một xã hội văn minh và tiến bộ đều cần có và không ngừng hoàn thiện, phát triển hệ thống chính sách ASXH. Trước những biến đổi hết sức to lớn của quá trình toàn cầu hóa, công nghệ mới, nền kinh tế tri thức đang diễn ra như vũ bão, cũng như phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên, của sự biến đổi khí hậu đặc biệt diễn ra trong những năm gần đây như dịch bệnh, động đất, sóng thần, lốc xoáy, nước biển dâng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản cho các quốc gia. Những biến đổi nhanh chóng về xã hội và những thách thức đối với xã hội do quá trình đô thị hóa nhanh, sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn đã làm tăng nguy cơ gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đối với các nhóm yếu thế. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho CTXH và những người làm công tác này càng nặng nề hơn.

Đối với nước ta, CTXH đang đứng trước những khó khăn thách thức, nước ta được thế giới xếp vào giai đoạn đầu của sự phát triển và so với nhiều quốc gia khác đang còn khoảng cách khá xa. Nhận thức được sự cần thiết phải xây dựng và phát triển nghề CTXH ở Việt Nam, qua nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm ở các nước phát triển, qua nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, được sự đồng thuận của các Bộ, ngành chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 32/2010/QĐ- TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020, với các mục tiêu cơ bản: Phát triển nghề CTXH trở thành một nghề mang tính chuyên nghiệp; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội tại các cấp, các ngành, góp phần xây dựng hệ thống ASXH tiên tiến ở nước ta. Đề án cũng đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể:

- Giai đoạn 2010-2015 có 7 mục tiêu, trong đó có những mục tiêu rất quan trọng như: Xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội, tiêu chuẩn qui trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội; áp dụng ngạch, bậc lương đối với các ngạch viên chức công tác xã hội; Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10% . Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ qui định; Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn,các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội các cấp.

- Giai đoạn 2016-2020 có 5 mục tiêu, đặc biệt có hai mục tiêu cần được các cấp, các ngành quan tâm là: Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 50%; hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50 % số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cơ quan Lao động –Thương binh và Xã hội các cấp.

Đặc biệt, Đề án cũng đặt ra 4 hoạt động và 5 giải pháp rất quan trọng nhằm nhanh chóng xây dựng và phát triển nghề CTXH ở nước ta. Trong đó có hoạt động củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội là yếu tố quyết định. Giai đoạn 2010-2015, phải hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ nhân rộng mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố; trường đại học, trường nghề để cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng xã hội. Từ năm 2010 đến 2020, phải tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội, gồm: Đào tạo, đào tạo lại cho 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học, bình quân mỗi năm là 3.500 người; Tập huấn kỹ năng cho 25.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội, bình quân mỗi năm là 2.500 người. Phải xây dựng, hoàn thiện chương trình khung, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và dạy nghề công tác xã hội.

Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội nước ta. Để đạt được các mục tiêu nói trên cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành chức năng, hệ thống các trường đào tạo, dạy nghề, các hội, tổ chức đoàn thể.Việc ra đời Hội nghề CTXH Việt Nam vào thời điểm này là rất phù hợp và đã chín muồi, vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan, vừa là nguyện vọng thiết tha của những người tâm huyết với nghề CTXH ở nước ta và mong mỏi của các tổ chức quốc tế. Đồng thời đã có tiền đề và những thuận lợi rất cơ bản, đó là Quyết định 32; trên thế giới đã có nhiều nước phát triển nghề CTXH hàng trăm năm nay, có nhiều kinh nghiệm cho ta học tập, rút kinh nghiệm để phát triển nhanh hơn. Số hội viên CTXH đông đảo có nhiều tâm huyết với nghề là những giáo sư, tiến sĩ có thâm niên về CTXH; những chuyên gia, cán bộ quản lý có kinh nghiệm ở các cấp, các ngành, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở địa phương, cơ sở là những nhân tố thúc đẩy phát triển nghề CTXH ở Việt Nam đi nhanh hơn. Hội nghề CTXH có khả năng thực hiện được một số nội dung, hoạt động trong Quyết định 32, chẳng hạn như :


Tổ chức thí điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH; tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn về CTXH cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm CTXH ở địa phương, cơ sở; Tham gia thẩm định nội dung, chương trình khung về đào tạo, dạy nghề CTXH trước khi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phê duyệt ban hành để áp chung trong cả nước, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; Tham gia công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về nghề CTXH; Hội có thể tham gia điều tra, khảo sát ở một số địa phương, vùng giúp cho cơ quan chức năng có cơ sở thực tiễn phục vụ cho công tác hoạch định chính sách về ASXH ở nước ta; Tham gia giám sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH; Chủ trì nghiên cứu một số đề tài khoa học liên quan đến nghề CTXH...

TS. Đàm Hữu Đắc

PCT Hội Dạy nghề Việt Nam

Xem