Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Một số giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật lao động

16/12/2011

Thể chế hóa đường lối của Đảng, Điều 2 Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010 đã quy định “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Tuy nhiên, mục đích này chưa đạt kết quả là bao trong công tác thanh tra lao động hiện nay, bởi những lý do khác quan và chủ quan dưới đây:

Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp đang tăng nhanh

Theo số liệu thống kê của Thanh tra Bộ (do Thanh tra các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo), đến ngày 31 tháng 3 hàng năm, số lượng doanh nghiệp và người lao động như sau: Năm 2009, cả nước có 346.783 doanh nghiệp, sử dụng 10.727.564 lao động; năm 2010 do ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu, toàn quốc chỉ có 313.052 doanh nghiệp, nhưng vẫn sử dụng 12.288.472 lao động; đến 31 tháng 3 năm 2011, số doanh nghiệp đã tăng lên 348.042 doanh nghiệp, sử dụng 15.450.073 lao động. Số lượng doanh nghiệp và người lao động tăng nhanh, cùng với đó là quan hệ lao động diễn biến ngày càng phức tạp, tạo sức ép lớn đối với lực lượng thanh tra lao động trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật tại doanh nghiệp.

Thứ hai, số lượng cán bộ thanh tra không những không tăng tương ứng với số lượng doanh nghiệp tăng mà còn giảm đi.

Do sức ép của việc tinh giản biên chế nên mặc dù có nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường lực lượng thanh tra lao động nhưng lực lượng này không những không tăng mà còn có xu hướng giảm đi. Nếu năm 2009, toàn ngành có 471 thanh tra viên, cán bộ thanh tra thì đến năm 2010, con số này giảm xuống còn 448 và đến 31 tháng 3 năm 2011 chỉ còn 445. Cần lưu ý rằng số cán bộ, thanh tra viên này ngoài việc thanh tra thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác như thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, việc thực hiện chính sách đối với trẻ em, bình đẳng giới, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.... Vì vậy, thực tế số lượng thanh tra viên, cán bộ thanh tra làm công tác thanh tra lao động, bảo hiểm xã hội chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng thanh tra viên, cán bộ thanh tra toàn ngành, và phải thực hiện các nhiệm vụ thanh tra chính sách lao động (trong đó có dạy nghề, đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, lao động chưa thành niên, lao động nữ, lao động cao tuổi, lao động là người tàn tật), thanh tra an toàn lao động, thanh tra vệ sinh lao động và thanh tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội. Theo số lượng cán bộ thanh tra, số doanh nghiệp và bình quân số doanh nghiệp được thanh tra hàng năm (khoảng 5000 doanh nghiệp) thì phải khoảng 70 năm mới có thể thanh tra tại doanh nghiệp lần thứ hai. Số lượng doanh nghiệp và người lao động tăng nhanh, trong khi số lượng cán bộ thanh tra lại giảm đi và thêm nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước như trẻ em, bình đẳng giới (đồng nghĩa với việc thêm lĩnh vực thanh tra), tiếp tục làm gia tăng tình trạng không thể kịp thời thanh tra, chấn chỉnh các sai phạm của doanh nghiệp.

Thứ ba, chính quyền nhiều địa phương cấp tỉnh muốn tạo lợi thế cạnh tranh bằng mọi cách, trong đó có biện pháp hạn chế thanh tra để thu hút vốn đầu tư.

Đã có nhiều địa phương đưa ra quy định tất cả các đoàn thanh tra không được làm việc quá nửa ngày tại một doanh nghiệp và chỉ được tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp khi được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Mặt khác, thành phần Đoàn thanh tra (hoặc kiểm tra) cũng gồm nhiều cơ quan chức năng thuộc tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động tỉnh...). Những cuộc thanh tra (hoặc kiểm tra) như vậy thường không đạt hiệu quả cao vì rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” và chỉ nêu được một vài thiếu sót, khuyết điểm nên ở các địa phương này, vi phạm pháp luật lao động tại các doanh nghiệp diễn ra phổ biến. Bù lại, địa phương đó lại được coi là thuận lợi cho môi trường đầu tư!

Thứ tư, việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa nghiêm

Theo thống kê của Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì cho đến nay, chưa một doanh nghiệp nào không có sai phạm nếu tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp đó. Trung bình, doanh nghiệp Nhà nước có khoảng 7 sai phạm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có khoảng 15 sai phạm, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có khoảng 20 sai phạm và hầu hết các sai phạm đó bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, nhưng thực tế trung bình mỗi năm chỉ khoảng 70 - 100 doanh nghiệp bị xử phạt với tổng số tiền khoảng 4 tỷ đồng.

Thứ năm, mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi vi phạm.

Theo các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về lao động và bảo hiểm xã hội, Chánh thanh tra Bộ hoặc Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ có thẩm quyền xử phạt đến 30 triệu đồng, trong khi có những hành vi của người sử dụng lao động (nếu vi phạm) thì số tiền cao hơn rất nhiều lần. Ví dụ như trốn đóng hoặc chậm đóng BHXH cho vài trăm, thậm chí vài nghìn người; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ; không huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động...). Do mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi vi phạm, lại chưa nhận thức được hậu quả của việc vi phạm, người sử dụng lao động có thể sẽ lựa chọn chấp nhận nộp phạt (mà chắc gì đã bị phát hiện vì số lượng cán bộ thanh tra lao động quá ít), nhằm mục tiêu đạt được lợi nhuận cao hơn.

Để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội, đưa việc thi hành pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội vào nề nếp, theo chúng tôi, trước mắt cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ thanh tra lao động. Thông báo số 134/TB-VPCP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp bàn biện pháp xử lý vấn đề đình công trong giai đoạn tới đã nêu rõ:

“ Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát việc chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật lao động để giảm thiểu tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động;

- Phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ thanh tra Nhà nước về lao động;

...

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét tăng biên chế thanh tra lao động cho phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp, trước hết là cấp quận huyện nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế”.

Chúng tôi cho rằng, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, phải có lực lượng thanh tra đủ cả về số lượng lẫn chất lượng mới có thể đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước về lao động hiện nay, và cũng là thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, thực hiện nghiêm ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Để làm được điều đó, cần xây dựng một đề án cấp Nhà nước về tăng cường năng lực thanh tra lao động, trong đó có nêu cụ thể số lượng thanh tra viên đối với từng địa phương hoặc nhóm địa phương, trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ) thực hiện việc tăng biên chế cho thanh tra lao động.

Hai là, đổi mới hệ thống tổ chức và phương pháp thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định, thanh tra chuyên ngành chỉ có Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Vì vậy, vừa để thực hiện tốt Thông báo số 134/TB-VPCP nêu trên của Văn phòng Chính phủ, vừa để chấp hành nghiêm chỉnh Luật Thanh tra, cần tăng cường số lượng cán bộ thanh tra lao động ở địa phương, thuộc sự quản lý của Giám đốc Sở và Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhưng hoạt động tại quận, huyện nơi tập trung nhiều doanh nghiệp theo phương thức hoạt động thanh tra viên phụ trách vùng.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt việc phát, thu hồi, phân tích và xử lý Phiếu tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, đảm bảo đúng mục đích của quy chế là: chưa cần đến thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp, chỉ cần phân tích Phiếu tự kiểm tra do doanh nghiệp báo cáo, đã có thể ban hành các kiến nghị để doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động.

Ngoài ra, đã đến lúc tăng cường thanh tra chuyên sâu (thanh tra chuyên đề) thay cho thanh tra diện rộng (thanh tra toàn bộ các quy định của pháp luật lao động). Bộ luật lao động đã có hiệu lực thi hành được hơn 15 năm, không còn là lúc để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nữa. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương tự xác định những nội dung nào của pháp luật các doanh nghiệp thường vi phạm để tiến hành thanh tra chuyên đề (chẳng hạn như về huấn luyện định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động, về chế độ tiền lương và trả công lao động v.v). Thực hiện tốt điều này, vừa khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ thanh tra (do mỗi cuộc thanh tra chuyên đề tại một doanh nghiệp ngắn hơn nhiều so với thanh tra diện rộng) nhưng vẫn đảm bảo thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Ba là, không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đã nêu rõ: “Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”3. Thực tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài những năm qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít vấn đề cần xử lý như: tình trạng đình công diễn ra chủ yếu đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều chủ đầu tư nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội bỏ trốn .v.v. Các hậu quả này đều có nguyên nhân chủ yếu là không xác minh, kiểm tra kỹ hồ sơ, lý lịch nhà đầu tư, không tiến hành thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn các sai phạm. Vì vậy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết nhưng không nên thực hiện bằng mọi giá. Đối với vấn đề thanh tra nói chung và thanh ra lao động nói riêng, ủy ban nhân dân các cấp không nên có những quy định “khác thường” bởi đã có các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, về lao động điều chỉnh.

Bốn là, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, mức xử phạt vi phạm phải tương ứng với hành vi vi phạm, đủ sức răn đe.

Một thời gian dài, chúng ta chưa coi trọng việc xử phạt vi phạm pháp luật lao động mà chủ yếu là dùng biện pháp kiến nghị, nhắc nhở, thậm chí thuyết phục các doanh nghiệp thực hiện nhưng nay đã đến lúc cần phải xử phạt thật nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Mọi hành vi vi phạm đã được quy định trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lao động đều phải được thanh tra viên lao động lập biên bản. Và mọi hành vi đã được lập biên bản đều phải được người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt. Đồng thời, người có địa vị hành chính cần chấm dứt ngay tình trạng “can thiệp hành chính”, người có địa vị tình cảm cần chấm dứt việc “can thiệp tình cảm” đối với việc lập biên bản và lập quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lao động như đang diễn ra hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính về pháp luật lao động theo hướng mức xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm, nhằm chấm dứt tình trạng doanh nghiệp “đánh đổi” bằng cách sẵn sàng nộp phạt (nếu bị phát hiện), bởi làm như vậy vẫn còn có lợi hơn nhiều so với thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động./.

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Tùng

Phó chánh Thanh tra Bộ

Xem