Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thông đến năm 2020"

13/12/2011

Thực hiện Nghị Quyết Đại Hội lần thứ XI của Đảng về “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... và lao động lành nghề. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo.

Thực hiện Nghị Quyết Đại Hội lần thứ XI của Đảng về Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... và lao động lành nghề. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt đối với người bị thu hồi đất; mở rộng quy mô đào tạo để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55 % vào năm 2020, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn lực nước ta trong bối cảnh Hội nhập kinh tế quốc tế…”. Chúng ta đã và đang quyết liệt đổi mới và phát triển dạy nghề, thực hiện có hiệu quả các đề án về dạy nghề đã được Chính phủ phê duyệt như dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho thanh niên, phụ nữ, bộ đội xuất ngũ, dạy nghề cho nông dân đến năm 2020… Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới một số kết quả đã đạt được và định hướng lớn tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Ngay từ những ngày đầu chúng ta đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án nên trong gần 2 năm qua mặc dù là những năm đầu tiên triển khai thực hiện với những lúng túng ban đầu và không ít tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đôn đốc, hướng dẫn của các Bộ, cơ quan trung ương, sự quyết tâm triển khai của cấp Ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và cơ sở dạy nghề … các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án đã từng bước được triển khai đồng bộ, đúng hướng và đạt được những kết quả bước đầu. Xác định được quy trình tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả theo mục tiêu của Đề án, trong đó làm rõ trách nhiệm và mối quan hệ của các cơ quan có liên quan từ việc điều tra, khảo sát nhu cầu, xác định nghề được đào tạo, đến tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng lao động hoặc “bao tiêu” sản phẩm và việc làm cho người sau đào tạo nghề. Trong năm 2010, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho 345.140 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm đạt 70%; 6 tháng đầu năm 2011, dạy nghề cho 267.032 người (đạt 53% kế hoạch) trong đó có 48,4% các nghề nông nghiệp; 51,6% các nghề phi nông nghiệp; 86% các tỉnh, thành phố cho biết tỷ lệ có việc làm đạt trên 70%. Ngoài việc dạy các kỹ năng nghề, một số lớp các học viên còn được trang bị kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, các kỹ năng “Mềm” khác như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; tạo dựng các mối quan hệ cộng đồng, hàng xóm… Một số lao động nông thôn sau học nghề đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, dịch vụ đơn cử như xã Hải Đường, Hải Hậu, Nam Định trong số 310 người được dạy nghề đã có 5 người trở thành chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đúng nghề và thu hút được số học viên cùng học vào làm việc ở các nghề: Mộc, thêu tranh, đan vê đay… Từ thử nghiệm có hiệu quả trên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và Hội Dạy nghề Việt Nam xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp để trang bị cho lao động nông thôn học nghề. Tiếp tục tăng cường các điều kiện để nâng cao năng lực đào tạo nghề cho các cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn về: Phát triển chương trình, giáo trình; phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề… Việc đào tạo bồi dưỡng công chức cấp xã đã được Bộ Nội vụ và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Đề án vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như: Một số tỉnh, thành phố tỷ lệ lao động nông thôn học nghề gắn với việc làm và có việc làm mới phù hợp với nghề đào tạo chưa đạt mục tiêu; có mô hình thí điểm cấp huyện đến nay vẫn chưa rõ nét; công tác tư vấn học nghề, chọn nghề và tổ chức dạy nghề không xuất phát từ nhu cầu học nghề, việc làm và điều kiện của người học; không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, mà chỉ tập trung lo chỉ tiêu về số lượng, cá biệt có trường hợp sử dụng kinh phí dạy nghề chưa hiệu quả… Sở dĩ còn có những tồn tại trên theo chúng tôi có nhiều nguyên nhân nhưng có thể đó là những nguyên nhân cơ bản sau đây: Cấp ủy, chính quyền chưa tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt dạy nghề cho lao động nông thôn, không huy động được các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia; cơ quan chuyên môn các cấp ở địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện; một số lao động nông thôn chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của học nghề; các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề chưa đạt yêu cầu…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, nhiệm vụ của Đề án để đến năm 2020 đào tạo nghề cho 11.200.000 lao động nông thôn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 1.000.000 lượt cán bộ, công chức xã, chúng ta cần quyết liệt thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp trong đó tập trung một số giải pháp lớn sau đây:

Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Huy động tối đa sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Phân công rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, tăng cường phối hợp chặt chẽ trong thực hiện để tiếp tục triển khai nhanh, có hiệu quả, bền vững Đề án.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, các cơ quan có liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí, các địa phương cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được bước đầu, giữ vững mục tiêu, yêu cầu cụ thể hóa sâu sắc hơn về nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tuyên truyền; chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ hoạt động tuyên truyền, ưu tiên đội ngũ cán bộ địa phương, cộng tác viên: Về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ lao động nông thôn học nghề gắn với giải quyết việc làm.

Ba là, thường xuyên rà soát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để đào tạo gắn với việc làm, sử dụng phù hợp với trình độ và điều kiện của người học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bốn là, các cơ sở dạy nghề cần chú trọng xây dựng, phát triển chương trình theo hướng thiết kế gọn nhẹ, tăng thời lượng thực hành, với từng mô đun để người học dễ dàng tiếp cận; lồng ghép vào chương trình đào tạo nội dung kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp để người lao động sau học nghề biết huy động vốn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Dạy nghề cho lao động nông thôn cần tổ chức linh hoạt, đa dạng, phù hợp với nghề, vùng, miền. Huy động sự tham gia của tất cả các cơ sở dạy nghề trong cả nước; các cơ sở giáo dục khác có đủ điều kiện; các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp…

Phải nhận thức rõ dạy nghề chỉ là “mặt cung”, đáp ứng “cầu” của thị trường lao động, nên khi xây dựng kế hoạch dạy nghề cần căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (từ cấp xã), của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Để hoạt động dạy nghề có hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, doanh nghiệp trên địa bàn. Điều này đã được khẳng định qua thực tế triển khai thí điểm ở các xã nông thôn mới, các huyện điểm, tỉnh điểm. Ở những nơi này đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học ngay từ khâu xác định nhu cầu đào tạo (đầu vào), tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm (đầu ra) cho lao động nông thôn, đều đạt được hiệu quả rõ rệt.

Năm là, tiếp tục nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề các cấp đủ năng lực và điều kiện để chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Đề án. Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề tại địa phương từ cơ sở đến huyện, tỉnh, thành phố.

Sáu là, việc triển khai Đề án 1956 cần lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình khác có liên quan.

Bảy là, tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo cán bộ công chức xã theo chương trình, tài liệu mới được biên soạn, trên cơ sở rút kinh nghiệm đã sửa chữa bổ sung hoàn thiện.

Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình.

Phạm Thị Hải Chuyền

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBamp;XH
Nguồn: Tạp chí Lao độn
g


Xem