Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Thực trạng Cung - Cầu lao động và những giải pháp

13/12/2011

Năm 2008, lực lượng lao động cả nước có 48,34 triệu người (chiếm 56,6% dân số), trong đó lao động trong độ tuổi là 44,17 triệu (chiếm 91,4%); lao động Việt Nam trẻ, nhóm tuổi 15-34 là 20,97 triệu người (chiếm 43,4%). Tốc độ tăng lực lượng lao động có xu hướng giảm, mỗi năm, lực lượng lao động được bổ sung khoảng 1 triệu người. Cả nước hiện có 47,25 triệu lao động có việc làm; tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ lần lượt là 47,7%; 21,5% và 30,8%. Xét theo vị thế công việc, lao động chủ yếu làm việc trong kinh tế gia đình không hưởng lương (chiếm 42%), lao động làm công ăn lương chiếm gần 23% tổng số người có việc làm.

Nguyễn Đại Đồng
Cục trưởng Cục việc làm

THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Về Cung lao động
Năm 2008, lực lượng lao động cả nước có 48,34 triệu người (chiếm 56,6% dân số), trong đó lao động trong độ tuổi là 44,17 triệu (chiếm 91,4%); lao động Việt Nam trẻ, nhóm tuổi 15-34 là 20,97 triệu người (chiếm 43,4%). Tốc độ tăng lực lượng lao động có xu hướng giảm, mỗi năm, lực lượng lao động được bổ sung khoảng 1 triệu người. Cả nước hiện có 47,25 triệu lao động có việc làm; tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ lần lượt là 47,7%; 21,5% và 30,8%. Xét theo vị thế công việc, lao động chủ yếu làm việc trong kinh tế gia đình không hưởng lương (chiếm 42%), lao động làm công ăn lương chiếm gần 23% tổng số người có việc làm.
Chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện tiếp thu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và môi trường lao động công nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động. Đến năm 2008, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 37% và qua đào tạo nghề khoảng 26%; năng suất lao động có xu hướng tăng (năm 2000: 11,7 triệu đồng/người/năm; năm 2008: 32,9 triệu đồng/người/năm).

Về cầu lao động

Hiện nay, cả nước có trên 4,145 triệu cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, thu hút gần 17 triệu lao động vào làm việc, trong đó có gần 3,935 triệu cơ sở thuộc khu vực sản xuất kinh doanh (chiếm 94,9%). Tổng số doanh nghiệp hiện đăng ký kinh doanh có 300 nghìn (trong đó có trên 200 nghìn doanh nghiệp hiện đang hoạt động), góp phần thu hút thêm từ 1,2 đến 1,5 triệu lao động vào làm việc/năm. Nhìn chung, so với năm 2002, số lượng cơ sở tăng nhanh ở tất cả các loại hình, ngành kinh tế. Cả nước có 219 khu công nghiệp được thành lập, phân bố trên 54 tỉnh/thành phố, trong đó có 118 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (thu hút trên 1 triệu lao động làm việc).
Từ năm 2001 đến nay, bình quân hàng năm nước ta đã đưa được khoảng trên 70.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần nâng tổng số lao động Việt Nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài lên gần 500 nghìn lao động ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, đem lại một nguồn thu ngoại tệ từ 1,7-2 tỉ đôla Mỹ/năm. Tiền lương và thu nhập của người lao động có xu hướng tăng (10% - 20%/năm).

Những tồn tại, bất cập
Về cung lao động: Lực lượng lao động phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở nông thôn. Phần đông việc làm của người lao động không ổn định, dễ bị tổn thương và rơi vào nghèo đói (tỷ lệ lao động tự làm, làm việc trong gia đình không hưởng lương chiếm trên 70%, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 84%). Lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất (47,7%).
Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước thu hút gần 40 triệu lao động làm việc (chiếm 87,2%) nhưng chỉ đóng góp 47% trong GDP và 35% giá trị sản lượng công nghiệp trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng lao động ít (khoảng 3,7%) nhưng lại đóng góp gần 19% cho GDP và gần 45% giá trị sản lượng công nghiệp.
Chất lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, trình độ học vấn của lực lượng lao động chênh lệch lớn giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị, có tới 78% thanh niên trong độ tuổi 20-24 khi tham gia thị trường lao động chưa được đào tạo nghề hoặc có được đào tạo thì vẫn bị hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp; thể lực, sức bền, sự dẻo dai chỉ ở mức trung bình.
Về cầu lao động: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bố không đều giữa các vùng, chủ yếu tập trung ở Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp chủ yếu có qui mô nhỏ, phân tán và trình độ kỹ thuật công nghệ thấp: bình quân số lao động của một doanh nghiệp năm 2006 là 51 người, số doanh nghiệp dưới 10 lao động chiếm 51,3%; doanh nghiệp có từ 10 đến 200 lao động chiếm 44%, chỉ có 1,43% doanh nghiệp có từ 200 đến 300 lao động. Về năng lực vốn, 42% doanh nghiệp có vốn dưới 1 tỷ đồng, và chỉ có 8,18% doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đến 10 tỷ đồng.
Nhiều ngành có khả năng tạo ra giá trị sản xuất cao nhưng tỉ lệ lao động làm việc lại thấp: ngành công nghiệp chế biến (chiếm khoảng 12%); ngành thương nghiệp, bao gồm cả sửa chữa xe có động cơ (chiếm gần 11%); ngành xây dựng (chiếm khoảng 6%). Ngành nông, lâm nghiệp có năng suất lao động thấp, giá trị sản xuất hàng năm chỉ chiếm khoảng 22,1% GDP nhưng tỉ lệ lao động làm việc chiếm tới 47,7%.
Hiệu quả sử dụng vốn còn thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp có tiến bộ, nhưng chưa vững chắc và chưa cao.

Về cân đối cung - cầu lao động: Nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều, quan hệ cung – cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế đang mất cân đối nghiêm trọng. Bên cạnh tình trạng phổ biến hiện nay là dư thừa lao động không có kỹ năng và thiếu nhiều lao động kỹ thuật thì nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn không chỉ trong việc tuyển dụng lao động qua đào tạo mà còn cả trong tuyển dụng lao động phổ thông, chủ yếu xảy ra đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở phía Nam.
Theo kết quả tổng hợp từ các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch của cả nước, năm 2009 có tới trên 100 ngàn chỗ việc làm còn trống cần tuyển lao động, trong đó, 80% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông, chủ yếu là của các doanh nghiệp ngành may mặc, giày da, chế biến nông, lâm sản. Tuy nhiên, số người đến đăng ký tuyển dụng chỉ bằng 17% so với nhu cầu của các nhà tuyển dụng; số lao động đáp ứng được yêu cầu và được tuyển dụng vào làm việc chỉ chiếm khoảng 6% nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nhìn chung, Trung tâm giới thiệu việc làm các tỉnh mỗi năm chỉ có thể cung ứng 20% nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn.

CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG MẤT CÂN ĐỐI CUNG – CẦU LAO ĐỘNG


Giải pháp về cung lao động

Trong kinh tế thị trường, phát triển cung lao động phải hướng vào đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của xã hội và nhu cầu việc làm, tăng thu nhập của người lao động, cụ thể:
- Nâng cao thể lực, cải cách nòi giống đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất công nghiệp hiện đại .
- Thực hiện các chính sách phát triển nhân lực vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
- Phát triển mạnh nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cấp trình độ và có chất lượng để cung cấp cho các ngành, vùng kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, phục vụ có hiệu quả cho công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập.
- Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với thị trường, nhất là phổ cập nghề cho lao động nông thôn nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá và công nghiệp hóa nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.
- Tiếp tục giải phóng triệt để sức lao động nhằm phát huy cao nhất tiềm năng và nguồn vốn nhân lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế; tạo việc làm theo hướng bền vững và có thu nhập cao; phát triển thị trường lao động đồng đều trên phạm vi cả nước để gắn kết cung – cầu lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; thực hiện công bằng trong quan hệ phân phối tiền lương và thu nhập, phụ thuộc vào kết quả lao động, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
- Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với vai trò là người sử dụng cuối cùng.

Giải pháp về cầu lao động
- Phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh, đẩy mạnh cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, đa dạng hóa các loại hình sản xuất kinh doanh trong các thành phần kinh tế...
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; thúc đẩy quá trình đô thị hoá, tích tụ ruộng đất gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đặc biệt là trong nông nghiệp, nông thôn, giảm dần tỷ trọng giá trị nông nghiệp trong GDP và lao động nông nghiệp.
- Trong lập quy hoạch phát triển các vùng lãnh thổ phải quan tâm đến phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung, các khu công nghiệp, khu chế xuất..., đồng thời quan tâm đúng mức đến phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển các ngành nghề truyền thống, nghề phụ ... để sử dụng hợp lý lao động tại chỗ, lao động nông nhàn, lao động phổ thông.
- Tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo định hướng thị trường; thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động; thống nhất, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp; thực hiện cơ chế thương lượng, thỏa thuận về tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp theo đúng nguyên tắc của thị trường ... Đồng thời cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền lương cho đối tượng yếu thế với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nhất là khi chỉ số giá sinh hoạt tăng cao.

Giải pháp kết nối cung – cầu lao động
- Củng cố, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của các tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật .
- Rà soát, quy hoạch hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu của xã hội, tạo niềm tin cho người lao động, người sử dụng lao động khi sử dụng các mạng lưới giao dịch việc làm.
- Phát triển mạng lưới giao dịch việc làm, có thể áp dụng theo 4 cấp hành chính (trung ương, tỉnh/ thành phố, quận/huyện, xã /phường) cung cấp dịch vụ việc làm tới tận hộ gia đình thông qua các cán bộ ở phường, xã,..
- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo xu hướng việc làm, nhu cầu của người sử dụng lao động, chi phí đào tạo, tỷ lệ hoàn trả của đào tạo,… Đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin về dự báo kinh tế, triển vọng đầu tư, các dự án phát triển, trên cơ sở đó các doanh nghiệp sẽ dự kiến nhu cầu nguồn nhân lực và chủ động xây dựng các kế hoạch nhân lực của mình. Đặc biệt, cần đầu tư cho công tác thống kê, phân tích dữ liệu thông tin thị trường lao động ở cấp tỉnh và kết nối thông tin giữa các tỉnh nhằm cung cấp, điều phối lao động.
- Đưa các chương trình, như “Chương trình thị trường lao động” tới gần với người lao động với những thông tin, kỹ năng cần thiết về nghề nghiệp và những hiểu biết cần thiết khi tìm việc làm. Kết hợp với doanh nghiệp tổ chức tuyển và đào tạo cấp tốc những kiến thức cơ bản cho lao động nông thôn để cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp cần tuyển lao động.

Giải pháp về hệ thống chính sách, pháp luật
- Sửa đổi, bổ sung pháp luật lao động theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quan hệ lao động, đào tạo và đào tạo lại, di chuyển lao động...để đảm bảo cho lao động được di chuyển một cách linh hoạt, giảm bớt sự phân mảng của thị trường lao động theo ngành nghề, lãnh thổ, trình độ.
- Xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống quản lý, thông tin về lao động - việc làm khoa học; xây dựng đề án cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội./.


Nguồn: Tạp chí Lao động xã hội
Xem