Vừa qua, tại Trụ sở Bộ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chủ trì buổi làm việc về việc họp bàn các biện pháp phối hợp chỉ đạo, chấn chỉnh công tác an toàn lao động (ATLĐ) tại công trình xây dựng. Tham dự buổi làm việc có đại diện Lãnh đạo các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng; Lãnh đạo UBND, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Xây dựng các tỉnh: Hà Tĩnh, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội cùng các đơn vị liên quan và cơ quan thông tấn báo chí.
Theo báo cáo chính thức của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 2005 đến năm 2014, trên địa bàn cả nước xảy ra 58.399 vụ tai nạn lao động, 61.315 người bị thương, trong đó có 5.232 vụ chết người, làm chết 5.791 người và 14.298 người bị thương nặng.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lắng nghe những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan
Theo thống kê, ngành xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng là ngành xây dựng, xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp; ngành có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất là xây dựng, khai khoáng và hoá chất. Theo kêt quả tổng hợp năm 2014, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng chiếm 33,1% tổng số vụ và 33,9% tổng số người chết.
Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động trình bày Dự thảo Báo cáo về tình hình TNLĐ tại công trình
Việt Nam hiện có 30 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được thanh toán BHYT, trong đó khoảng 29.000 người lao động được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thanh toán vì mắc bệnh nghề nghiệp, chiếm 75% trường hợp mắc các bệnh phổi, 10% do tiếng ồn nghề nghiệp, còn lại liên quan tới bệnh do nhiễm hoá chất. Nguyên nhân chính là sự tuân thủ quy đinh của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng; chất lượng khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình; vi phạm các quy đinh về an toàn lao động.
Tại buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp ghi nhận, lắng nghe những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong việc xây dựng những biện pháp chấn chỉnh đối với chủ đầu tư và nhà thầu, đưa ra những biện pháp quản lý của cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn đối với các công trình. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần có cơ chế phối hợp phù hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định, giám sát, kiểm định đối với các nhà thầu về an toàn thi công, an toàn lao động tại các công trình.