Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Báo cáo kết quả thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2010 – 2015

19/08/2015

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”. Trong 5 năm qua, Bộ LĐTBXH đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn với các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

I. CÔNG TÁC QUÁN TRIỆT VÀ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC THI ĐUA
1. Quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về thi đua, khen thưởng
Thực hiện lời dạy của Bác "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua...", "Càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh thi đua", trong 05 năm qua với chủ đề xuyên suốt là "đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015", các phong trào thi đua yêu nước của Ngành LĐTBXH đã phát triển sâu rộng, trên mọi lĩnh vực của Ngành, nội dung và hình thức thi đua ngày càng được đổi mới bám sát vào các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành hăng hái thi đua phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhằm tiếp tục tạo sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác thi đua trong tình hình mới, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo và tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 và các ngày lễ lớn trong năm 2015.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, căn cứ vào chương trình mục tiêu, nhiệm vụ công tác hàng năm, Bộ LĐTBXH đã ban hành các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng của Ngành; đã phát động nhiều đợt thi đua thiết thực. Các văn bản đã tạo hành lang pháp lý, là cơ sở giúp các địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, qua đó nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng và thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kế hoạch hàng năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015.
2. Các phong trào thi đua yêu nước được gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Quán triệt Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban cán sự Đảng Bộ LĐTBXH đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động của Bộ và toàn Ngành triển khai kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng việc làm cụ thể như: tổ chức Hội thảo "Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp" và Hội thi thuyết trình "Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ"... xây dựng kế hoạch học tập theo các chuyên đề hàng năm đảm bảo nội dung học tập sát với thực tế, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, từng cán bộ. Thông qua học tập đã tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, từ đó đã và đang chuyển từ “Học tập” sang “Làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có đạo đức, có lối sống lành mạnh, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
3. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng
Công tác thi đua, khen thưởng Ngành LĐTBXH đã được chuẩn hóa trong thông tư hướng dẫn, trong đó quy định rõ đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét duyệt, thủ tục hồ sơ đề nghị, đảm bảo tính khách quan, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu động viên thúc đẩy phong trào thi đua.
Các văn bản đã tạo hành lang pháp lý, là cơ sở giúp các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng một cách thống nhất, coi đây là những định hướng chỉ đạo quan trọng và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, chủ động hướng dẫn khen thưởng các chuyên đề, khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng đối ngoại. Công tác khen thưởng đã bám sát phong trào thi đua, lấy kết quả thực hiện phong trào thi đua làm căn cứ xét khen thưởng, chú trọng khen thưởng tại chỗ, khen thưởng các tập thể nhỏ, khen thưởng người lao động trực tiếp.
II. KẾT QUẢ CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”. Trong 5 năm qua, Bộ LĐTBXH đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn với các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Thứ nhất, trong lĩnh vực quản lý nhà nước, các phong trào này đã lôi cuốn được sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành, sự hưởng ứng của toàn xã hội, tạo động lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Ngành và chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.
Phong trào thi đua đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng, trình các văn bản quy phạm pháp luật đã được các đơn vị duy trì thường xuyên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm qua của các Cục, Vụ, Tổng cục“lấy trọng tâm xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách là khâu đột phá”. Với đặc điểm là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, diện đối tượng quản lý rộng, khuôn khổ pháp lý và các chính sách đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều chính sách cần phải được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia được Đảng, Nhà nước giao cho Bộ, ngành phải tập trung nghiên cứu trước khi thực hiện. Trong điều kiện khối lượng nhiệm vụ lớn, đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng và chất lượng không đồng đều, điều kiện đảm bảo còn hạn hẹp đã gặp nhiều khó khăn, nhưng  nhiều phong trào thi đua đã được phát động như: "Giữ vững kỷ cương - tăng cường trách nhiệm - chủ động sáng tạo - đoàn kết hợp tác, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"; thi đua cải tiến phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ; thi đua nâng cao chất lượng soạn thảo, sáng kiến trong việc lồng ghép tổ chức các hội thảo và lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, rút ngắn thời gian, đảm bảo đúng quy trình và tiến độ...
Chính nhờ việc tổ chức tốt công tác thi đua mà trong 5 năm qua, được Chính phủ đánh giá là một trong những Bộ xây dựng trình và thông qua được nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực của Ngành: Ban Chấp hành TW Đảng ban hành 01 Nghị quyết về lĩnh vực xã hội; Bộ Chính trị ban hành 01 Chỉ thị; Ban Bí thư Ban hành 02 Chỉ thị; Quốc hội thông qua 05 Luật: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội; Luật An toàn, vệ sinh lao động; trình Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Chính phủ ban hành 02 Nghị quyết và 51 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 47 Quyết định và 04 Chỉ thị; Bộ đã ban hành và phối hợp ban hành theo thẩm quyền 165 Thông tư và Thông tư liên tịch.
Hệ thống chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội ban hành đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với nhận thức mới, tư duy mới, tạo khuôn khổ pháp lý về lao động, người có công và xã hội phù hợp với sự phát triển, hội nhập của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm phát triển kinh tế gắn với sự công bằng và tiến bộ xã hội…
Cùng với công tác tham mưu xây dựng luật pháp, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của Ngành, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đưa các chủ trương, luật pháp, chính sách vào cuộc sống; công tác thanh tra, kiểm tra, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện tại các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Với đặc thù là một Ngành tổng hợp quản lý nhiều lĩnh vực như lao động, người có công và xã hội, bên cạnh chính sách và nguồn lực của Nhà nước, còn huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Những năm qua, các đơn vị của Ngành từ cơ quan Bộ đến các Sở, các đơn vị sự nghiệp đã làm tốt vai trò là tham mưu, đề xuất và tham gia tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động lớn như Phong trào "Thi đua dạy tốt, học tốt", "Học nghề, lập nghiệp" trong các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề, đặc biệt là thi đua nâng cao chất lượng dạy nghề và dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đã được tất cả các trường, cơ sở, trung tâm hưởng ứng, tham gia. Hàng năm các trường tích cực tham gia Hội thi giáo viên dạy nghề toàn quốc, Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm, rèn luyện thể chất cho học sinh, các kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực và thế giới.
Công tác nghiên cứu khoa học đã tập trung vào nghiên cứu những lĩnh vực mới như hệ thống an sinh xã hội, các tác động của biến đổi khí hậu; phân phối thu nhập, định hướng giảm nghèo, v.v… Hoạt động nghiên cứu này đã thu hút và tạo được phong trào thi đua trong đội ngũ nghiên cứu viên, chuyên gia với tinh thần gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, qua đó đề xuất chính sách phù hợp, góp phần ngày càng hoàn thiện hệ thống chính sách của ngành trong quá trình phát triển và hội nhập.
Phong trào "Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tư vấn, giới thiệu việc làm"; phong trào "Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa"; phong trào "Nâng cao chất lượng phục vụ nuôi dưỡng người có công", phong trào "Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho thương bệnh binh và trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt" ở các trung tâm nuôi dưỡng thương binh và các trung tâm bảo trợ xã hội; phong trào Ngày vì người nghèo; phong trào "Nâng cao chất lượng cai nghiện, giáo dục, chữa trị cảm hóa người nghiện", "Xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội"v.v...
Cơ chế, chính sách về lao động tiền lương tiếp tục được hoàn thiện. Chính sách tiền lương, tiền công từng bước được điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở thỏa thuận; mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp. Đã thực hiện thống nhất mức lương tối thiểu giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thực hiện thống nhất điều chỉnh mức lương cơ bản theo vùng từ tháng 10/2011 (sớm hơn lộ trình 01 năm theo cam kết khi gia nhập WTO).
Chính sách về bảo hiểm xã hội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng.
Công tác quản lý lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được tăng cường. Thủ tục cấp phép lao động cho lao động là người nước ngoài được đơn giản hóa.
Công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được các cơ quan quản lý quan tâm chỉ đạo, các doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc hơn, qua đó đã hạn chế được các vụ tai nạn, sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động – phòng, chống cháy nổ hàng năm đã được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và đông đảo người sử dụng lao động và người lao động trong cả nước.
Từ những phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp đã xuất hiện nhiều đơn vị, tập thể điển hình, tiêu biểu đi đầu trên từng lĩnh vực như: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Cạn, Lai Châu... đã thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Hải Dương, Bình Dương, Nghệ An, thành phố Hà Nội, Cần Thơ,... về dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; Lâm Đồng, Bắc Giang, Quảng Ngãi... về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Thọ, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang... về thực hiện tốt và đổi mới công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện; thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai... thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ; Yên Bái, Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Tháp... có thành tích trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Trong lĩnh vực người có công với cách mạng, các chính sách tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng về đối tượng thụ hưởng, nâng cao mức trợ cấp người có công, nhiều đề án mới về người có công được xây dựng và tổ chức thực hiện như: đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin… Công tác trợ cấp thường xuyên được thực hiện kịp thời, đầy đủ cho 1,5 triệu người có công với cách mạng. Theo kết quả  chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công trong 2 năm 2014 và 2015 theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 63/63 tỉnh/thành phố  báo cáo kết quả rà soát 1,92 triệu đối tượng, trong đó tỉ lệ đối tượng được hưởng đúng chế độ chiếm 98,75%, số lượng sai chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Các hồ sơ đủ điều kiện về thủ tục giấy tờ theo quy định đều được xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời theo quy định. Nhiều địa phương luôn đi đầu trong việc thực hiện đúng, đủ kịp thời các chính sách, giải quyết nhanh hồ sơ tồn đọng, tổ chức tốt các phong trào xây dựng quỹ đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh nặng, làm nhà tình nghĩa, tôn tạo, chăm sóc phần mộ liệt sỹ trong các nghĩa trang như: thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Đắc Lắc, Kon Tum và nhiều địa phương khác.
Trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012- 2015; cùng với những chính sách đã ban hành trước đó, hướng tới mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội được xây dựng, ban hành ngày càng hoàn thiện hơn, bao phủ được phần lớn các đối tượng bảo trợ xã hội. Số đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn, để các đối tượng hoà nhập cộng đồng.
Trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc của xã hội. Các hoạt động vì trẻ em được triển khai đồng bộ, thường xuyên trên cả nước như:“Tháng hành động vì trẻ em", “Diễn đàn trẻ em”… được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, huy động được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm ủng hộ cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp. Nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả về bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng; mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; mô hình phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống xâm hại trẻ em...
Trong lĩnh vực bình đẳng giới, tổ chức, bộ máy, cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nhiều hoạt động hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới đã đi vào thực chất hơn, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về thực hiện bình đẳng giới.
Công tác cai nghiện phục hồi, phòng, chống tệ nạn mại dâm đã được quan tâm đầu tư; sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống mại dâm, ma túy được đổi mới, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Cai nghiện, quản lý sau cai tại cộng đồng gắn với dạy nghề, tạo việc làm, giảm tái nghiện. Hoạt động hỗ trợ hoà nhập cộng đồng được thực hiện với các mô hình hiệu quả như: xây dựng thí điểm mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng", mô hình "Cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng"; mô hình "Quân dân y kết hợp cai nghiện ma túy" tại khu vực biên giới...
1.2. Trong lĩnh vực hoạt động sự nghiệp
Đội ngũ cán bộ viên chức, người lao động trong hệ thống các Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, các Trung tâm Bảo trợ xã hội mặc đã vượt qua nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn,... đối tượng chăm sóc chủ yếu là thương bệnh binh nặng, bị liệt, bị tâm thần, người khuyết tật, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mồi côi, người già cô đơn. Nhưng các đồng chí luôn nêu cao tinh thần, tận tụy trong công việc, không quản ngày đêm, mưa nắng đang từng ngày, từng giờ thay mặt nhân dân cả nước phục vụ, chăm sóc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc đối với những người đã không quản thân mình, hy sinh xương máu vì Tổ quốc, các đối tượng thiệt thòi trong xã hội. Họ đã góp công, góp sức xây dựng các Trung tâm thực sự là mái nhà thân thương, đầy tình nghĩa như: các Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Duy Tiên, Kim Bảng, Thuận Thành, Long Đất, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Qui Nhơn, Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, Trung tâm Bảo trợ xã hội trẻ em thiệt thòi và nhiều Trung tâm thuộc Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố...
Không chỉ chăm lo cho người còn sống, ngành LĐTBXH còn có vinh dự được thay mặt Đảng, Nhà nước, nhân dân chăm lo cả phần mộ những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Thật đáng khâm phục những cán bộ, viên chức của Ngành chúng ta, suốt cuộc đời âm thầm, lặng lẽ chấp nhận hy sinh thiệt thòi tình cảm làm công tác quản trang, ngày cũng như đêm họ chăm chút từng nén hương, từng cành cây, ngọn cỏ cho phần mộ các liệt sỹ, cho yên lòng thân nhân của các liệt sỹ.
1.3. Thi đua thực hiện chương trình cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng
Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ được Bộ chú trọng, tập trung chỉ đạo. Thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, đã có 224 thủ tục hành chính trên tổng số 236 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ LĐTBXH được thực thi phương án đơn giản hóa, đạt tỷ lệ trên 94%; việc đánh giá tác động của các TTHC ngay từ khi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc đã góp phần nâng cao chất lượng quy định về thủ tục hành chính. Nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện và giám sát việc thực hiện TTHC, áp dụng cơ chế một cửa trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý đã được đẩy mạnh, thông qua việc duy trì, phát triển Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Triển khai kế hoạch thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của ngành LĐTBXH; trong đó, xác định rõ nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ, Sở LĐTBXH các tỉnh/thành phố trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Hầu hết các đơn vị đã xây dựng và triển khai kế hoạch của đơn vị; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức trong đơn vị; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý để thực hiện phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
Công tác tuyên truyền vận động thực hiện chủ trương, chính sách, các mô hình, điển hình tiên tiến của tập thể,  cá nhân trên từng lĩnh vực được chú trọng trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử của Ngành.
Những phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của ngành, những đóng góp của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên từng vị trí công tác trong 5 năm qua đã tạo nên sức mạnh, là động lực giúp Ngành LĐTBXH hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, tham mưu cho Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả các chương trình kinh tế, xã hội quan trọng. Mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động; dạy nghề cho trên 1,8 triệu người, dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và hội nhập quốc tế; tăng 18% so với giai đoạn 2006 - 2010; đưa bình quân khoảng trên 90 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài trong mỗi năm, đạt 100,6% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 10,6% so với 5 năm trước.
Phong trào Đền ơn, đáp nghĩa đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công vàgia đình có công với cách mạng. Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà của các đối tượng xã hội; 96% số xã, phường trong cả nước làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.
Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" do Thủ tướng Chính phủ phát động, đến nay phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống bao quát được toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội các vùng miền trong cả nước, các tầng lớp nhân dân. Bộ LĐTBXH đã tích cực hưởng ứng tham gia và góp phần không nhỏ làm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 xuống còn dưới 5,8% cuối năm 2014, giảm bình quân 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 đề ra.
Tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội với hình thức hỗ trợ thích hợp, đến cuối năm 2014 có khoảng 2,6 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên, tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2010. Hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển, với gần 400 cơ sở, các cơ sở tổ chức tiếp nhận và nuôi dưỡng thường xuyên gần 42 nghìn đối tượng.
Thực hiện các quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em. Các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra: đến cuối năm 2014 có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 82% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; huy động xã hội để thực hiện quyền trẻ em và chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong các phong trào thi đua sôi nổi ấy đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng Huân chương như: Thanh tra Bộ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Cục Bảo trợ xã hội, Vụ Lao động - Tiền lương, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Trung tâm Bảo trợ trẻ em thiệt thòi..., Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Cờ thi đua như: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành...
Nhiều cá nhân tiêu biểu thực sự là những đóa hoa tươi thắm trong vườn hoa muôn sắc, muôn màu của Ngành LĐTBXH như: Thầy thuốc ưu tú, BS. Chuyên khoa 2 Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, là người thầy thuốc yêu nghề, tâm huyết, trăn trở gắn bó với trẻ em tàn tật, anh đã có nhiều sáng kiến trong điều trị phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ở trung tâm như nghiên cứu, xây dựng và triển khai thành công đề án "Cơ sở can thiệp cho trẻ tự kỷ" đánh giá khả năng tự lập, học tập, lao động sản xuất cho từng dạng khuyết tật, qua đó nhận thấy rằng trẻ em khiếm thính và khuyết tật vận động có thể học tập và tham gia lao động gần như người bình thường nếu họ được tạo cơ hội; Y tá Nguyễn Thị Kim Phương, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành vợ anh thương binh nặng Lại Mạnh Cử đã 33 năm gắn bó làm công tác điều trị chăm sóc thương bệnh binh vượt mọi khó khăn làm tròn bổn phận vai trò của người vợ, người mẹ tần tảo chăm sóc chồng và nuôi dưỡng các con ăn học thành đạt.
Toàn thể đại hội chúng ta nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà các tập thể, cá nhân đã đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước của Ngành LĐTBXH trong 5 năm qua.
III. KẾT QUẢ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG GIAI ĐOẠN  2010 - 2015
Cùng với việc đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong 05 năm qua, Bộ LĐTBXH luôn quan tâm đến công tác khen thưởng, kết hợp chặt chẽ giữa các phong trào thi đua với công tác khen thưởng. Trong các phong trào thi đua đã phát hiện ra những anh hùng, chiến sỹ thi đua, những điển hình tiên tiến và công tác khen thưởng lại thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển. Công tác khen thưởng thường xuyên đối với công chức thừa hành, công nhân, người lao động, người trực tiếp sản xuất đã từng bước được quan tâm chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số cá nhân được tặng thưởng.
Trong 5 năm qua, với những thành tích đã đạt được đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành, Bộ LĐTBXH đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ 2) và nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng, cụ thể như sau:
- 22 Huân chương Độc lập;
- 179 Huân chương Lao động;
- 05 Danh hiệu Nhà giáo ưu tú;
- 01 Danh hiệu Thầy thuốc nhân dân;
- 08 Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú;
- 17 Cờ thi đua của Chính phủ;
- 124 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- 443 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ LĐTBXH;
- 66 danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ;
- 16.000 Bằng khen và gần 8.000 Kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.
Những thành tích xuất sắc những năm qua của ngành LĐTBXH có được là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong cả nước, các tổ chức quốc tế; và đặc biệt là sự đóng góp với tình cảm, trí tuệ và công sức kế thừa truyền thống quý báu của lớp lớp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành qua nhiều thế hệ, từ Trung ương đến địa phương. Nhân dịp Đại hội này, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành LĐTBXH xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các địa phương và nhân dân cả nước đối với phong trào thi đua yêu nước của Ngành.
IV. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Ưu điểm
Công tác thi đua, khen thưởng đã được Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ và các cấp uỷ Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; Công tác thi đua, khen thưởng của Ngành giai đoạn 2010 - 2015 đã có bước chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện thường xuyên.
Các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua khen thưởng đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác thi đua khen thưởng.
Các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua ở các đơn vị, địa phương đã được tổ chức phong phú về nội dung và hình thức gắn với các chương trình, kế hoạch theo từng lĩnh vực công tác cụ thể, gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với mục tiêu “Kỷ cương - Chất lượng - Tiến độ - Hiệu quả”, góp phần giúp Bộ vượt qua những khó khăn, đạt được những thắng lợi toàn diện trên các mặt công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của địa phương và của toàn Ngành.
Tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từng bước được kiện toàn, củng cố; thường xuyên tham mưu cho các cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị tổ chức các phong trào thi đua, kiến nghị, đề xuất khen thưởng, giải đáp những kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân về chế độ, chính sách khen thưởng của Ngành.
2. Tồn tại hạn chế
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, trong 5 năm qua, phong trào thi đua và công tác khen thưởng còn có một số hạn chế, tồn tại, cụ thể như sau: nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng có nơi chưa được đầy đủ.
Việc tổ chức phong trào thi đua ở một số địa phương, đơn vị chưa đều, nội dung thi đua còn chung chung, nặng về hình thức, thiếu những chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, tác dụng và hiệu quả thực tiễn còn chưa cao. Kết quả của một số phong trào thi đua chưa rõ, chưa thật sự đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Vì vậy, chưa khơi dậy được tính tự giác, hào hứng tham gia thi đua của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua ở một số nơi chưa đi vào nề nếp. Nhiều nơi khi tổ chức phát động thi đua làm rất rầm rộ nhưng sau đó lại không tích cực triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng phong trào “có phát mà không động”. Việc kiểm tra, đôn đốc phong trào chưa được thực hiện thường xuyên. Một số địa phương, đơn vị có phong trào thi đua tốt nhưng lại chưa thật sự quan tâm đến tổng kết, rút kinh nghiệm để phát triển phong trào mạnh hơn.
Công tác phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến còn hạn chế, tuyên truyền cổ vũ nhân tố mới chưa thường xuyên liên tục.
3. Bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, công tác thi đua, khen thưởng sẽ phát huy được vai trò, hiệu quả, nếu được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các tổ chức đoàn thể; phân định rõ trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, của lãnh đạo đơn vị với trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong tổ chức phong trào thi đua theo nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức, đoàn thể vận động, cán bộ, công chức tham gia hưởng ứng”. Thực tế là, những nơi nào cấp ủy Đảng và lãnh đạo quan tâm thì nơi đó phong trào thi đua phát triển và công tác khen thưởng được thực hiện nghiêm túc và ngược lại.
Hai là, trong công tác thi đua, khen thưởng luôn coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng thiết thực để nhân rộng các điển hình.
Ba là, công tác thi đua, khen thưởng được coi là một nhiệm vụ, một nội dung quan trọng của các cấp uỷ Đảng, của cơ quan, đơn vị và phải được cụ thể hoá thành nghị quyết, kế hoạch công tác hàng năm, cơ sở và từ những nhiệm vụ, công việc cụ thể, thường xuyên hàng ngày của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Bốn là, công tác thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tình hình kinh tế - xã hội chung của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể, phải có phong trào, có mục tiêu, biện pháp tổ chức thực hiện, có tiêu chí đánh giá, sơ kết, tổng kết kịp thời.
Năm là, công tác khen thưởng cần phải được thực hiện một cách công khai, dân chủ, thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đấy, khen thưởng phải đúng người, đúng việc, đúng thành tích, công bằng, kịp thời, đảm bảo khen thưởng là đòn bẩy kích thích phong trào thi đua yêu nước ở địa phương đơn vị.
 
Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
Bước vào giai đoạn 2015 – 2020, nhiệm vụ của Ngành LĐTBXH rất nặng nề, với rất nhiều thách thức để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, toàn Ngành LĐTBXH phải cố gắng để tạo bước phát triển nhanh, toàn diện trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, từng bước hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thực hiện tốt chính sách người có công, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giảm hộ nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, những người thiệt thòi, yếu thế được trợ giúp, tạo điều kiện vươn lên hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tệ nạn xã hội... bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong việc thụ hưởng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Trong thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng cần bám sát nhiệm vụ chính trị, phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành phải đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành được giao trong giai đoạn 2016 - 2020.
Để phấn đấu đạt các chỉ tiêu, các phong trào thi đua và công tác khen thưởng của ngành LĐTBXH giai đoạn 2016 - 2020 được xác định là giải pháp cơ bản và tập trung vào phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong toàn Ngành theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Kết luận số 83/KL-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến”, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
2. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân đối với công tác thi đua, khen thưởng, qua đó tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò, vị trí, tác dụng của phong trao thi đua và công tác khen thưởng.
3. Bám sát kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của toàn ngành LĐTBXH và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) được Đảng và Nhà nước giao để phát động các phong trào thi đua, nhằm phát huy sức mạnh, trí tuệ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành theo phương châm xã hội hoá các lĩnh vực hoạt động của Ngành càng sâu rộng.
4. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trên cả ba mặt: tổ chức, phong trào và các giải pháp, thực sự là động lực thúc đẩy mọi tập thể, cá nhân trong Ngành cũng như toàn xã hội, không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác.
5. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, của các Sở, các đơn vị trực thuộc.
6. Đa dạng hoá các hình thức, phương thức tuyên truyền; chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, thúc đẩy phong trào thi đua.
7. Tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả từng phong trào, rút kinh nghiệm và tiến hành khen thưởng, biểu dương kịp thời, chú ý đề xuất các biện pháp, cách làm hiệu quả để phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Phát huy thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp, có chất lượng và có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và cơ sở với truyền thống đoàn kết của Ngành, chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, động lực và nhiều nhân tố mới trong toàn Ngành, phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ đề ra về lao động, người có công và xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.
 
 
Xem