Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Giải pháp tạo cơ hội để trẻ em phát triển lành mạnh trong thế giới số

24/05/2023

 Sáng ngày 24/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo ”Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng UNICEF tại Việt Nam cùng các đại biểu của các Bộ, ban, ngành liên quan, các chuyên gia của các tổ chức trong và ngoài nước, Công ty cổ phần an ninh mạng SafeGate  và các doanh nghiệp liên quan sản xuất nội dung cho trẻ em...  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh sự quan tâm sâu sắc và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ  trẻ em trên Internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
322578e6c921177f4e30--1-.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng cho rằng sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mang lại nhiều lợi ích nhưng không kém rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. Thứ trưởng hy vọng Hội thảo sẽ là cơ hội để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những nỗ lực của các bên liên quan để thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giải quyết các rủi ro các em có thể gặp phải và thúc đẩy cơ hội phát triển lành mạnh cho trẻ em trong thế giới số.
Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đáng chú ý, Bộ đã phối hợp chỉ đạo và thực hiện: Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài 111. Đặc biệt, Bộ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an kiểm tra, xử lý kịp thời các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em và từ phản ánh của người dân qua Tổng đài 111. Tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó là sử dụng chính môi trường mạng để tăng cường sáng tạo tương tác trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em.
c52675ebc42c1a72433d.jpg
Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam 
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng đã tới lúc chúng ta cần có hành động khẩn cấp không chỉ tại Việt Nam, mà còn cả ở cộng đồng toàn cầu, hãy cùng đoàn kết để bảo vệ an toàn của trẻ em trên môi trường mạng. Bà cho rằng cần đặt trẻ em là trung tâm,  quan tâm tới trẻ em một cách toàn diện cả về thể chất và tinh thần...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về một số vấn đề trọng tâm như: Xâm hại và bóc lột trẻ em trực tuyến: các hình thức và xu hướng mới nổi; sáng kiến và thách thức trên thế giới; Tình hình xâm hại và bóc lột trực tuyến trẻ em ở Việt Nam; Luật pháp Việt Nam về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và giải pháp trong thời gian tới; Vai trò điều phối, triển khai thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg và giải pháp thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ... và các sáng kiến của doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông...
chon-IMG-0218.JPG
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo mang ý nghĩa rất quan trọng trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng tháng Hành động vì trẻ em năm 2023.  Hội thảo cũng chuyển tải thông điệp kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để tạo một thế giới thực và thế giới số an toàn cho trẻ em, tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng...

 

Xem