Ngày 18/5, tại Hà Nội, Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổ chức ChildFund tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023. Lớp tập huấn có sự tham gia của 50 đại biểu gồm Lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan, tổ chức: Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử;Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam VNISA , Tổ chức ChildFund và gần 40 phóng viên, báo chí.
Tại Hội nghị, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ về các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em. Theo đó, tháng Hành động vì trẻ em năm 2023 hướng tới mục đích xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện (về cả thể chất, trí tuệ, đạo đức, tình cảm, ...); nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em; thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em…; xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì, phối hợp thực hiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.

Ông Đặng Hoa Nam phát biểu tại Hội nghị
Ông cũng khẳng định vai trò quan trọng của các địa phương trong công tác phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em. Ông cho rằng các địa phương cần đầu tư các nguồn lực để thực hiện công tác phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em, phân bổ ngân sách địa phương dành cho công tác bảo vệ trẻ em. Sự đầu tư này sẽ mang lại những hiệu quả rất tích cực cho công tác bảo vệ trẻ em, bảo vệ sinh mạng cho trẻ em.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh trách nhiệm của các bậc cha mẹ đối với việc phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em và phòng ngừa xâm hại trẻ em. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cha mẹ đối với trẻ em. Ông cho rằng các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện, đồng thời học tập, tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, chăm sóc, giáo dục cho con em mình tại các website chính thống của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức đáng tin cậy.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, nhiều nội dung đã được các đại biểu trao đổi và thảo luận liên quan tới thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ cho trẻ em trên môi trường mạng; Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và một số giải pháp công nghệ để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội nghị
Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề:“Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.
Các thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023
1. Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em.
2. Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em.
3. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
4. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em.
5. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.
6. Gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng.
7. Không gian mạng an toàn, công dân số tương lai.
8. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.
9. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Các hoạt động trong tâm trong Tháng hành động
1. Xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.
2. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 từ cuối tháng 5 hoặc ngày 01/6/2023.
3. Tổ chức các hoạt động truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em
3. Triển khai các giải pháp, mô hình hoạt động về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.
4. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; thăm, tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi...; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; xây dựng các công trình, trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em.