Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Chính phủ làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội

16/04/2023

Sáng ngày 16/4, Thường trực Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc, cùng tham dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các Bộ trưởng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo TP HCM.    

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh,  cuộc làm việc này của Thường trực Chính phủ với TP HCM nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, nhất là trong khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19; đưa ra giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; rà soát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành vừa ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển; kiểm điểm sự phối hợp giữa Thành phố với các bộ, ngành Trung ương và các nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện.

01.16.04.23.jpgThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc.

Theo Thủ tướng, TP HCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước. Chính vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc với Thành phố để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP HCM phát triển nhanh, bền vững.
Thời gian qua và tới đây tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy giảm; các nước thực hiện chính sách thắt chặt; thị trường của Việt Nam thu hẹp; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá nguyên nhiên liệu tăng; việc Trung Quốc mở cửa trở lại bên cạnh tạo cơ hội, còn tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam… Ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ sâu sắc hơn sau đại dịch COVID-19.
Báo cáo với Thường trực Chính phủ, Đại diện của TP HCM cho biết, năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của Thành phố vẫn đạt 9,03%, cao hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 471.000 tỷ đồng, đứng đầu và chiếm 30% tổng thu ngân sách cả nước; thu nhập bình quân đầu người 6.770 USD/người; vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đạt 56,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước; xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD đứng đầu cả nước.
02.16.04.23.jpgThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.
Đến quý I/2023, tình hình phát triển kinh tế của Thành phố tiếp tục gặp khó khăn khi GRDP trên địa bàn Thành phố ước tăng chỉ 0,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7%; doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ. Thành phố thu hút được gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.796 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm…
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm; tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện…
Trao đổi về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Thành phố, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu của Thành phố cũng như một số địa phương là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ lãnh đạo và những người thực thi. Muốn làm được điều này, làm sao phải khắc phục được tư tưởng thụ động, không dám làm".
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề xuất 4 vấn đề mà TP HCM cần lưu tâm và nhanh chóng giải quyết để đạt được mục đích tăng trưởng, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, cụ thể:
Thứ nhất, tư tưởng thụ động của một bộ phận cán bộ hiện nay thể hiện ở "3 không": không nói, không tham mưu đề xuất và không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng. Để khắc phục, ngoài quán triệt chủ trương còn phải có cơ chế, quy định và tạo môi trường an toàn cho cán bộ làm việc.
Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư công để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thông qua một số kết quả chưa đạt được trong thực hiện các mục tiêu của TP HCM ở quý 1/2023, đặt ra vấn đề Thành phố cần phải tập trung, đẩy nhanh tăng tốc từ quý 2/2023 bằng việc chú trọng thực hiện tốt công tác giải ngân đầu tư công.
Thứ ba, TP HCM cần chú trọng hơn phát triển lĩnh vực dịch vụ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, khu vực dịch vụ của Thành phố đang lộ rõ hai dấu hiệu đình trệ là hoạt động của các nhà hàng, khách sạn cho thuê chưa trở lại được như thời kỳ trước COVID-19 và việc thu hút lượng khách quốc tế không đạt.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đề cập tới vấn đề lực lượng lao động tại TPHCM đã trở về miền Tây, tỷ lệ không nhỏ lao động của khu vực Đông Nam bộ về quê và không trở lại. Riêng khu vực miền Tây có tỷ lệ thất nghiệp trong quý I/2023 là rất cao (2,64%, cao hơn so với bình quân 2,22% của cả nước).
03.16.04.23.jpgBộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trao đổi về doanh nghiệp và người lao động tại buổi làm việc.
Làm rõ thêm và nêu ra phương hướng để giải quyết vấn đề doanh nghiệp và lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị TP HCM cũng cần đẩy mạnh thực hiện 03 nội dung:
Đầu tiên, Thành phố phải tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, từ đó ổn định thị trường lao động.
Tiếp theo, TP HCM nên chú trọng hơn đến tuyên truyền, vận động để ổn định, không để xảy ra tình trạng người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần như thời gian vừa qua, gây hệ lụy lâu dài cho người lao động.
Cuối cùng, TP HCM hiện có 86 hồ sơ đã chuyển sang đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, đề nghị xử lý khởi tố đối với những trường hợp nợ đọng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội mà chưa xử lý được bất cứ trường hợp nào. "Tôi đề nghị mạnh dạn làm thí điểm một vài trường hợp để rút kinh nghiệm trên quy mô toàn quốc về hướng xử lý tình trạng trên" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.
Tại đây, Lãnh đạo TP HCM cũng đề xuất Bộ LĐTBXH sớm tham mưu cho Chính phủ để sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp, Quyết định 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và thí điểm cấp phép qua giao dịch điện tử.
Về các kiến nghị của TP HCM, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ LĐTBXH sẽ cố gắng giải quyết trong thời gian sớm nhất các vấn đề với tinh thần quyết tâm nhanh nhất để giúp TP HCM tháo gỡ khó khăn. Như việc sửa đổi Nghị định 152, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTBXH thực hiện trong tháng 11/2023 nhưng nếu như trong kỳ họp tới, Chính phủ cho bàn nội dung này, Bộ LĐTBXH sẽ quyết tâm làm xong trong đầu tháng 7.

 

Xem