Chiều ngày 07/11, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long đã có buổi tiếp thân mật Đoàn đại biểu người có công (NCC) tiêu biểu tỉnh Tiền Giang nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long bày tỏ vui mừng khi được tiếp đón 70 đại biểu Người có công tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang đến thăm nhân dịp địa phương tổ chức Đoàn vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan thủ đô Hà Nội và các địa danh lịch sử, cách mạng phía Bắc.
Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long phát biểu tại buổi tiếp
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Tiền Giang Phan Thanh Vân cho biết, đến nay, Tiền Giang đã xác nhận, giải quyết chế độ và quản lý hồ sơ 132.000 đối tượng, gồm: 35.550 liệt sĩ, 5.980 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 168 mẹ còn sống), 11.648 Thương binh, 2.432 Bệnh binh, 968 Cán bộ Lão thành cách mạng; 514 Cán bộ Tiền khởi nghĩa; 2.392 Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 2.043 Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ; 51 Anh hùng lực lượng vũ trang; 13.870 Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; 4.779 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng; 23.585 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần.
Trong đó, đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng tính đến thời điểm này còn hơn 17.500 đối tượng, với kinh phí chi trả gần 400 tỷ đồng/năm từ nguồn ngân sách Trung ương; so với các địa phương khác thì tỉnh Tiền Giang là tỉnh có nhiều đối tượng người có công, do trước đây là địa bàn trọng yếu, trong kháng chiến chịu đựng nhiều bom đạn ác liệt của Mỹ, ngụy. quân và dân Tiền Giang đã lập nên nhiều chiến công hiển hách như Rạch Gầm Xoài Mút, Ấp Bắc anh hùng v.v…
Ngoài việc đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện tốt. Hàng năm, tỉnh vận động trên 10 tỷ đồng Quỹ đền ơn đáp nghĩa để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và cha, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương binh nặng.

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Tiền Giang Phan Thanh Vân phát biểu tại buổi tiếp
Hàng năm, ngoài quà tặng của Trung ương, tỉnh Tiền Giang cũng đã trích ngân sách gần 20 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình người có công trong các dịp Lễ, Tết.
Trong năm 2021 tỉnh đã xem xét và đề nghị 05 hồ sơ liệt sĩ còn tồn đọng đến nay đã cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 05/05 liệt sĩ.
Sở LĐTBXH Tiền Giang cũng phối hợp cùng với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ vào an táng tại các Nghĩa trang liệt sỉ là 04 hài cốt (không có thông tin); xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng 03 hài cốt; Hoàn chỉnh 17 hồ sơ Bà MVNAH để trình Chủ tịch nước xét truy tặng và phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH trong năm 2022.

Đại diện Bộ LĐTBXH trao tặng phần quà đến các đại biểu NCC tiêu biểu tỉnh Tiền Giang
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Xuân Long đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tỉnh Tiền Giang trong công tác chăm sóc người có công. Phó Cục trưởng Cục Người có công đã thông tin đến các đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh về một số kết quả nổi bật của Bộ LĐTBXH trong công tác chăm sóc NCC. Theo đó, trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/2022) vừa qua, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà người có công và các gia đình chính sách; Tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và Gặp mặt 450 đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ toàn quốc năm 2022 tại thành phố Hà Nội; Chương trình cầu truyền hình trực tiếp tại 5 điểm cầu: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Giang, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bình Định; Lễ phát động, vận động xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương tại Hà Nội; Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sĩ tại tỉnh Nghệ An...
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong năm 2021, Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định: Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thể chế hóa nhiều nội dung mới được quy định trong Pháp lệnh năm 2020 và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các cơ sở nuôi dưỡng điều dưỡng người có công với cách mạng. Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch này được lập nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Cuối cùng, Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Long mong muốn và tin tưởng các đại biểu người có công tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cao đẹp của bản thân và gia đình trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đổi mới và phát triển. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Phó Cục trưởng Cục Người có công đã trao tặng quà và gửi lời chúc chuyến đi của Đoàn vui khỏe, an toàn, thành công tốt đẹp.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm