Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, An Giang đã xây dựng và triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án). Sau 5 năm ( từ năm 2010-2014), hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt.
Trong 5 năm qua, tổng số LĐNT được học nghề là 125.890 lao động, trong đó số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 là 70.984 lao động, chia theo từng đối tượng như sau: Người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là 350 lao động, hộ nghèo là 7.960 lao động, người dân tộc thiểu số là 4.855 lao động, người bị thu hồi đất canh tác là 20 lao động, người tàn tật là 57 lao động, người thuộc hộ cận nghèo là 876 lao động, lao động nông thôn khác là 56.866 lao động; đạt 109,2% so với kết hoạch 05 năm (70.984 lao động/65.000 lao động); đạt 50,70% so với kế hoạch 11 năm thực hiện Đề án (70.984/140.000 lao động).
Ảnh minh họa
Tổng số lao động nông thôn học nghề đã học xong là 63.324 lao động. Trong đó, số lao động nông thôn có việc làm là 45.830 lao động, đạt tỷ lệ 72,37% so với tổng số lao động đã học nghề xong theo các hình thức sau: Số lao động được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng (là 7.957 lao động/45.830lao động) đạt 17,36%, số lao động được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm (là 3.568lao động/45.830lao động) đạt 7,78%, số lao động tiếp tục gắn với việc làm cũ và số tự tạo việc làm chiếm tỷ lệ 74,84% (34.303 lao động/45.830lao động), số lao động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp là 02 lao động.
Từ năm 2011- 2013, có gần 800 người được hỗ trợ vay vốn để tổ chức sản xuất, làm hàng gia công. Ngân hàng CSXH đã giải ngân cho 25.752 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay sản xuất kinh doanh, tổng số tiền cho vay trên 268 tỷ đồng; cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn cho 4.688 hộ, với số tiền 80 tỷ đồng; cho 111 người xuất khẩu lao động thuộc hộ nghèo, vay số tiền 3,8 tỷ đồng; cho 259 hộ DTTS đặc biệt khó khăn vay số tiền 7,2 tỷ đồng.
Riêng năm 2015, Quỹ quốc gia việc làm đã giải quyết cho 1.729 hộ vay vốn với số tiền 37.114 triệu đồng; hỗ trợ 52 lao động đi làm việc nước ngoài với số tiền 71.975 triệu đồng. Tuyển sinh đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 13.650 LĐNT và giải quyết việc làm cho trên 35.525 lao động, đạt 101,5% kế hoạch năm. Trong đó, lao động làm việc trong tỉnh là 27.225 người, ngoài tỉnh là 8.150 lao động và đi xuất khẩu lao động 143 người.
Nhằm hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch giai đoạn 2016-2020 về đào tạo nghề LĐNT là 65.000 lao động (lĩnh vực nông nghiệp là 22.100 lao động, lĩnh vực phi nông nghiệp là 42.900 lao động), tỉnh An Giang đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như: tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức xã và các tầng lớp lao động nông thôn về mục đích, yêu cầu, vai trò quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người lao động tạo việc làm, tăng thu nhập và năng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn; thực hiện ký hợp đồng dạy nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh có hiệu quả; tiếp tục ưu tiên và phát triển hình thức ký hợp đồng 3 bên có sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp. Có ít nhất 25% số lớp dạy nghề được ký hợp đồng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đối với các hợp đồng đào tạo nghề phi nông nghiệp.
Song song đó, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy tích cực cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên để không ngừng nâng cao chất lượng công tác giảng dạy; tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường, Trung tâm Dạy nghề đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề.