Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Những quyết sách chưa có tiền lệ, bảo đảm an sinh cho hàng chục triệu người dân trong đại dịch COVID-19

25/04/2022

“Bộ LĐTBXH đã chủ động phối hợp, tham mưu với Quốc hội, Chính phủ ban hành những quyết sách chưa có tiền lệ, bảo đảm an sinh cho hàng chục triệu người dân trong đại dịch COVID-19 chỉ trong vòng một thời gian ngắn…” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Như Thanh, Thanh Hóa trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa, diễn ra sáng 25/4. 

z33667518585445e82816d0cf63f0621055adc3eccef48-1650872443282.jpeg
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại huyện Như Thanh, Thanh Hóa
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa, bà Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách đã báo cáo với cử tri huyện Như Thanh những nội dung mà Kỳ họp thứ 3 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét. Theo đó, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến được tổ chức tập trung tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 23/5 đến ngày 17/6.
Trong đó, Quốc hội xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết luật, cho ý kiến 6 dự án luật; xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Kết quả giám sát và các vấn đề quan trọng khác…
Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, nhiều cử tri tại huyện Như Thanh và Như Xuân đã kiến nghị các vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới, nước sạch đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định; chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các huyện miền núi, cơ chế chính sách hỗ trợ đối với xã đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh đó, cử tri 2 huyện cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho các hộ được sử dụng nước từ máy lọc nước hoặc xây dựng các hệ thống xử lý lắng lọc có kiểm tra, kiểm định chất lượng nước; sớm ban hành cơ chế hỗ trợ để kịp thời giải quyết chế độ cho người dân và địa phương vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh độ tuổi được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng xuống người từ đủ 75 tuổi trở lên, để động viên và giúp người cao tuổi ổn định và nâng cao mức sống cho người cao tuổi thuộc đối tượng nêu trên; nghiên cứu nâng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để phù hợp với thực tiễn...
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, HĐND, UBND đã và đang từng bước xem xét giải quyết các vấn đề mà cử tri có ý kiến theo đúng quy định của pháp luật. Các ĐBQH trong thời gian tới sẽ bàn cụ thể và những bất cập, tồn tại, hạn chế sẽ được điều chỉnh. 
z33667514822707dada604cdd11102653ed6a4c1d44836-1650871555749.jpeg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri 
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như giải trình của đại diện các ngành, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tiếp thu, giải trình thêm những nội dung ý kiến của cử tri.
"Trước hết, cho phép tôi thay mặt cho các ĐBQH được bầu tại khu vực của chúng ta xin trân trọng cảm ơn cử tri huyện nhà đã dành cho chúng tôi những tình cảm và sự quan tâm. Nhiều lần cũng thông báo với cử tri, trong phạm vi trách nhiệm của mình, chắc chắn không phụ tình cảm và sự gửi gắm của cử tri. Các ĐBQH sẽ cố gắng ở mức cao nhất không chỉ đóng góp cho huyện, cho tỉnh, mà còn đóng góp vào những quyết sách chung của quốc gia", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong kỳ họp thứ 3 này, với tư cách là đại biểu, Bộ trưởng cho biết sẽ có sự chuẩn bị một cách chủ động nhất, tích cực nhất để những quyết sách của Quốc hội đi vào cuộc sống, mang hơi thở cuộc sống.
Với các ý kiến của cử tri huyện Như Thanh, Bộ trưởng đề nghị Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tổng hợp, chuyển cho các cơ quan chức năng, kể cả các Bộ, ngành Trung ương xem xét, xử lý.
Đối với những kiến nghị cử tri nêu ra thuộc thẩm quyền của tỉnh, huyện, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa và huyện Như Thanh phải cố gắng để xử lý dứt điểm. Những gì đã hứa với dân thì phải cố gắng làm cho được.
Theo Bộ trưởng, cú sốc đại dịch COVID-19 trong năm 2021 để lại hậu quả vô cùng lớn. Tuy nhiên, thành công lớn nhất của chúng ta trong dịch là chuyển bại thành thắng. Trong bối cảnh khó khăn nhất, vấn đề an sinh xã hội luôn được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương chăm lo rất tốt.
z336675209638939530fcf7305eef535b54dc3b9e9dfe1-1650871359165.jpeg
Các đại biểu tham gia buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Như Thanh
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành những quyết sách chưa có tiền lệ, bảo đảm an sinh cho hàng chục triệu người dân trong đại dịch COVID-19 chỉ trong vòng một thời gian ngắn, mà lẽ ra để có những quyết sách này, theo quy trình phải mất 5-6 tháng đến cả năm...
Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đến nay, đã giải ngân số tiền trên 80.000 tỷ đồng, với trên 55 triệu lượt đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, sáng kiến 4 triệu túi an sinh… đã thể hiện quyết tâm chính trị và cách làm sáng tạo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ý kiến của cử tri về một số thông tư liên quan Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, hiện nay còn 16.000 tỷ đồng của năm 2021 chưa giải ngân, Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2022 để giải ngân tiếp. Hiện nay, 3 chương trình thì Chính phủ đã hoàn thành tất cả các thủ tục, kể cả phân bổ vốn cho các chương trình. Trong đó, chương trình giảm nghèo 78.000 tỷ đồng, dân tộc hơn 100.000 tỷ đồng.
"Chương trình hoàn tất thủ tục rồi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ họp trong tháng 5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ sẽ phân bổ. Hiện còn một số thông tư, văn bản hướng dẫn, tinh thần của Ban chỉ đạo đã quyết định, chậm nhất trong tháng 5, tất cả các Bộ, ngành, các đơn vị còn thiếu thông tư hướng dẫn phải hoàn thành", Bộ trưởng chia sẻ.
z33667516434845f2362b483210e9ec91ce8b826d47c4b-1650871359218.jpeg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm với các cử tri huyện Như Thanh
Ý kiến cử tri về cải cách tiền lương, theo Bộ trưởng, cải cách tiền lương là cần thiết và lẽ ra cải cách từ năm 2022, nhưng do dịch bệnh ảnh hưởng quá lớn, phải dành tiền đầu tư cho việc phòng, chống dịch nên Trung ương lùi lại. Tuy nhiên, vẫn tập trung cải cách cho 3 đối tượng: Bảo trợ xã hội, người có công và hưu trí.
Về đất đai, nông trường, lâm trường còn nhiều vấn đề phải bàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Thanh Hóa mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình khi sửa Luật Đất đai. Vấn đề sửa Luật Đất đai là một trong vấn đề nóng nhất hiện nay. Trong các kỳ họp tới đây sẽ tập trung bàn về vấn đề đất đai trên tinh thần tìm ra vướng mắc để tháo gỡ.

Nhiều vấn đề đang "nóng" trong thời gian gần đây như: "Bong bóng" bất động sản; phòng, chống tham nhũng; thao túng thị trường chứng khoán… cũng được Bộ trưởng thông tin đến cử tri. 

IMG-2471.jpg

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quà cho các gia đình chính sách

Nhân dịp tiếp xúc cử tri tại huyện Như Thanh và Như Xuân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao tặng 10 căn nhà tình nghĩa cho người có công; trao tặng 60 suất quà cho hộ gia đình chính sách, người có công; tặng 40 suất quà cho các hộ nghèo trên địa bàn 2 huyện.

Xem