Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Đổi mới công tác an toàn vệ sinh lao động

22/10/2014

Công tác An toàn lao động, vệ sinh lao động (ATLĐ, VSLĐ) là một chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đây là điều có tính nhân văn sâu sắc vì nó hướng đến con người, bảo vệ con người được làm việc và sống trong môi trường lao động tốt nhất; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong suốt quá trình phát triển của đất nước từ khi giành độc lập đến nay, công tác ATLĐ, VSLĐ luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Văn bản có tính pháp lý đầu tiên về công tác này là sắc lệnh số 29/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 12/3/1947. Từ đó đến nay đã có rất nhiều chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được ban hành, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát đượcTNLĐ, BNN qua các thời kỳ, đặc biệt là các văn bản pháp luật quy định khá cụ thể, chi tiết và thực sự tạo bước chuyển biến đáng kể về công tác ATLĐ, VSLĐ như Pháp lệnh Bảo hộ lao động ngày 10/9/1991, Bộ Luật lao động ngày 23/6/1994, Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Bộ Luật lao động 2002, 2004, 2006 và Bộ Luật lao động 2012, có hiệu lực từ ngày 01/5/2013.

Đến nay, các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã mang lại cho công tác này những bước tiến quan trọng, từ việc thiết lập, củng cố bộ máy cán bộ làm công tác này từ Trung ương đến địa phương, hàng loạt các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về ATLĐ, VSLĐ được ban hành làm cơ sở để xây dựng các quy trình làm việc bảo đảm an toàn. Để thúc đẩy công tác ATLĐ, VSLĐ trong phạm vi cả nước, từ năm 2006 đến nay, Chính phủ đã ban hành Chương trình Quốc gia về BHLĐ giai đoạn 2006-2010, Chương trình Quốc gia về ATLĐ, VSLĐ 2011-2015 với nhiều mục tiêu đã góp phần quan trọng trong việc làm giảm tần suất TNLĐ, làm chuyển biến nhận thức về công tác ATLĐ, VSLĐ ở các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và đông đảo người dân, người lao động trong phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng của đất nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội đã làm cho công tác ATLĐ, VSLĐ chưa theo kịp với sự phát triển và bộc lộ những hạn chế cần phải được thay đổi. Chính sách hội nhập và thu hút đầu tư đã kéo theo sự phát triển nhanh về khoa học, kỹ thuật; nhiều công nghệ sản xuất mới được hình thành hoặc thiết bị mới được du nhập; sự gia tăng nhanh chóng số lượng các dự án và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã làm gia tăng các nguy cơ về ATLĐ, VSLĐ cả về phạm vi, tính chất, mức độ tác động, số vụ TNLĐ xảy ra vẫn ở mức độ cao, trong đó có nhiều vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành trong cả nước, năm 2012 cả nước để xảy ra 6777 vụ tai nạn lao động làm 6967 người bị nạn, trong đó làm chết 606 người. So với năm 2011, số vụ TNLĐ năm 2012 tăng 881 vụ; số người bị nạn tăng 813 người và số người chết tăng 32 người. 6 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 3322 vụ TNLĐ, làm 3431 người bị TNLĐ, trong đó có 323 người chết.
Mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm rất nhiều đến công tác ATLĐ, VSLĐ trong thời gian qua, song những hạn chế, tồn tại hiện nay về công tác ATLĐ, VSLĐ, nhất là tại các địa phương, doanh nghiệp không dễ khắc phuc trong một sớm một chiều do khó khăn chung của nền kinh tế, việc đầu tư cho công tác này còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu thực tế; trong khi đó, nguồn nhân lực để thực hiện công tác ATLĐ, VSLĐ từ Trung ương đến cơ sở thì còn quá ít về số lượng, yếu về chất lượng do không được đào tạo bài bản, đặc biệt chúng ta chưa thiết lập được lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATLĐ, VSLĐ như ở nhiều nước trên thế giới. Với tình hình khó khăn về biên chế cán bộ quản lý Nhà nước như hiện nay, rõ ràng để giải bài toán này không hề đơn giản. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì trong tương lai rất gần, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng về công tác ATLĐ, VSLĐ và nếu không có các giải pháp hữu hiệu thì hậu quả của nó sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập và phát triển bền vững.
Nhận thức được những hạn chế, tồn tại của công tác ATLĐ, VSLĐ, trong những năm gần đây, Cục An toàn Lao động đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật quan trọng như Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban bí thư Trung ương Đảng, tham gia xây dựng Bộ luật Lao động 2012 về nội dung ATLĐ, VSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành BLLĐ như Nghị định 45/2013/ NĐ-CP ngày 10/5/2013 về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và công tác ATLĐ, VSLĐ; Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và 8 Thông tư hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động; 17 Quy chuẩn kỹ thuật an toàn Quốc gia được ban hành; Trong các văn bản pháp luật về ATLĐ, VSLĐ mới được ban hành gần đây, những hạn chế tồn tại của công tác ATLĐ, VSLĐ từng bước được khắc phục; trong đó những điểm đổi mới nổi bật là tăng cường công tác xã hội hóa làm giảm bớt gánh nặng của Nhà nước trong việc đầu tư cho công tác ATLĐ, VSLĐ; tăng cường cải cách hành chính, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng ban hành chế tài mạnh hơn để góp phần đưa những quy định của pháp luật vào cuộc sống.
Trong thời gian tới, để tiếp tục quá trình đổi mới về công tác ATLĐ, VSLĐ nhằm tạo ra bước đột phá trong việc kiềm chế TNLĐ, BNN và từng bước đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về ATLĐ, VSLĐ trong quá trình hội nhập, Cục An toàn Lao động tiếp tham mưu để ban hành nốt các hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012; các thông tư ban hành 25 Quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động; xây dựng dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động trình Quốc hội vào cuối năm 2014 và dự kiến thông qua vào giữa năm 2015; trong đó nhiều ý tưởng đã được nghiên cứu để đưa vào dự thảo luật như xây dựng Quỹ Bồi thường TNLĐ, BNN như một số nước đã thực hiện rất thành công và điều này sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho người lao động và cộng đồng doanh nghiệp; mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn, vệ sinh !ao động không chỉ đối với khu vực có quan hệ lao động mà còn tới khu vực không có quan hệ lao động hiện chiếm khoảng 70% lực lượng lao động hiện nay; tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước về ATLĐ, VSLĐ tới cơ sở; xâỵ dựng và củng cố lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATLĐ,VSLĐ bảo đảm về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Điều cốt lõi trong các nội dung đổi mới là tiếp tục tham mưu xây dựng và ban hành các chính sách mới của Nhà nước nhằm tạo ra bước đột phá, đáp ứng được yêu cầu hội nhập và phát triển. Để thực hiện được việc này, các chính sách mới được ban hành phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Một là, phải tăng cường được công tác quản lý Nhà nước về ATLĐ, VSLĐ bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể và tránh chồng chéo;
Hai là, phải phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với các Công ước Quốc tế và điều kiện, hoàn cảnh cụ thểở Việt Nam để từng bước hội nhập với thế giới theo một lộ trình phù hợp;
Ba là, từng bước giảm dần sự đầu tư của Nhà nước mà thay vào đó là tăng cường công tác xã hội hóa để huy động được các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè Quốc tế và theo phương châm cái gì doanh nghiệp, xã hội làm được thì để doanh nghiệp, xã hội thực hiện theo sự quản lý, giám sát của Nhà nước;
Bốn là, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các thành phần xã hội được tham gia các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực ATLĐ, VSLD.
Có như vậy, công tác ATLĐ, VSLĐ mới đi vào thực chất, phát huy hiệu quả cao, làm giảm TNLĐ, BNN, góp phần làm ổn định trật tự, an toàn xã hội, hướng tới thời kỳ của hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
ThS. Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn Lao động
Xem