Hai mươi năm qua, kể từ năm 1994, Tháng hành động vì trẻ em được phát động và thực hiện trong cả nước, tạo hiệu ứng xã hội ngày càng rộng khắp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, gia đình, xã hội ngày càng quan tâm và nỗ lực nhiều hơn trong việc thực hiện các quyền trẻ em, tạo môi trường ngày càng tốt hơn để trẻ em được sống khỏe mạnh, được phát triển toàn diện, được bảo vệ an toàn và được tham gia vào những vấn đề có liên quan đến trẻ em và của đất nước, xã hội.
Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 đã quy định bao quát các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của con người, trong đó có trẻ em. Do đó, hệ thống pháp luật về trẻ em đang được tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa theo quy định của Hiến pháp. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp 2013 và hài hòa hơn với Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em.
Nguồn lực của Nhà nước dành cho trẻ em cũng không ngừng tăng lên theo quan điểm trẻ em được ưu tiên hưởng các thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều biện pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng được thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, rủi ro của khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiêm môi trường đến trẻ em. Các chính sách dành cho trẻ em vẫn được duy trì thực hiện, cập nhật cho phù hợp với tình hình mới, như: Khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, Tiêm chủng mở rộng, Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, Chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/ AIDS, Phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo, Phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục, Hỗ trợ điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em vùng khó khăn về kinh tế xã hội, Xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ, Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em...
Các tổ chức xã hội, gia đình, cộng đồng đang thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, trách nhiệm đối với trẻ em. Các vấn đề liên quan đến trẻ em luôn được dư luận xã hội quan tâm. Các cuộc vận động xã hội, hoạt động tình nguyện, các quỹ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng khó khăn không ngừng được mở rộng và phát triển. Nhiều gia đình, các bậc ông bà, cha mẹ có ý thức tự giác và tích cực học hỏi kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nhiều tổ chức xã hội và cá nhân đang thực hiện tốt các chương trình, dự án, các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường việc hướng dẫn và có chính sách tạo điều kiện cho gia đình, xã hội, cá nhân thực hiện các quyền trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề về trẻ em cần tiếp tục được giải quyết một cách đồng bộ. cần tiếp tục nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám và chữa bệnh cho trẻ em, chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em. Đặc biệt tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực và bóc lột vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay hành động hướng đến một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em.
Chúng ta thật không yên lòng khi hàng ngày vẫn tiếp tục có nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột. Những con số báo cáo về xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều trẻ em vẫn đang bị tổn thương trong sự khống chế, sợ hãi, đau khổ, bị cướp mất cả tuổi thơ hiện tại lẫn cơ hội phát triển trong tương lai.
Tôi đồng tình việc Việt Nam hòa chung tiếng nói, chung hành động với toàn cầu hướng tới chấm dứt bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em dưới mọi hình thức. Tôi đề nghị một số việc ưu tiên cần làm cụ thể như sau:
1, Mỗi người dân cần nhận thức rõ trách nhiệm đối với trẻ em để lên tiếng, phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng mọi nguy cơ, hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em.
2. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi tiếp nhận được thông tin phải có biện pháp can thiệp, hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị tổn thương, xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em.
3. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp.
Chúng ta cùng nhau cam kết: phải bằng mọi biện pháp để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh!
Mấy năm gần đây, mặc dù có những khó khăn về kinh tế nhưng Tháng hành động vì trẻ em vẫn thu hút được sự đóng góp vật chất, tinh thần của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các cá nhân, năm sau cao hơn năm trước, số trẻ em được hưởng lợi từ các đợt cao điểm vận động quyên góp vì trẻ em không ngừng tăng lên.
Tháng hành động vì trẻ em đồng hành cùng mùa hè của trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên trong cả nước. Các hoạt động của Tháng vì trẻ em và Mùa hè tình nguyện góp phần giáo dục, rèn luyện thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, trẻ em. Mỗi mùa hè về, vẫn còn đó những nỗi lo thêm nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích. Nhiều vụ đuối nước trong hè đã cướp đi sinh mạng hàng trăm trẻ em. Tôi đề nghị các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc; giáo dục trẻ em phải tích cực phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa để mỗi mùa hè không chỉ là mùa vui tươi mà còn là mùa lành mạnh, thiết thực, an toàn cho mỗi trẻ em.
Với những ý nghĩa đó, tôi tuyên bố phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 với chiến dịch "Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em".
Nhân sự kiện quan trọng này, tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Unicef, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và các tập thể, cá nhân trong nhiều năm qua đã tích cực ủng hộ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực đó và cam kết thực hiện có hiệu quả nhất các nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em Việt Nam!
Chúc sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc,giáo dục trẻ em của chúng ta có nhiều tiến bộ!
Chúc các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước có một mùa hè an toàn, sôi động, nhiều ý nghĩa, nhiều kỷ niệm đẹp!
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Phạm Thị Hải Chuyền