Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

65 năm sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

14/07/2013

Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, ý chí anh dũng kiên cường bất khuất, thủy chung, nhân hậu đã đem cả máu xương, công sức, của cải của mình để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước.

Phát huy truyền thống quý báu đó, từ đầu thế kỷ XX đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập – tự do và xây dựng đất nước. Từ thắng lợi của 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu, đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình chưa lâu, chúng ta lại phải chiến đấu để dành chiến thắng trong bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Để viết nên trang sử vàng chói lọi này, biết bao người con đất việt đã anh dũng hy sinh, cống hiến cả cuộc đời mình cho Tổ quốc. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7/1947 là ngày để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Kể từ đó, ngày 27/7 đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hàng năm, mỗi dịp 27/7 đến, mỗi người dân Việt Nam lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ, các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. 65 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết vấn đề liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 16 tháng 2 năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL “ Quy định chế đệ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên xem xét, bổ sung và ngày càng hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản như Pháp lệnh qui định danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng cùng nhiều chính sách ưu đãi khác, cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Việc ban hành và thực hiện các chính sách đó thể hiện nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với những người đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn. Với việcmở rộng đối tượng và tăng chế độ ưu đãi đối với người có công đã đảm bảo sự công bằng và đồng thuận của xã hội. Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công ( chiếm gần 10% dân số). Trong đó, có 1.146.250 liệt sĩ; trên 3.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; 781.021 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 1.253 Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng; 300.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; khoảng hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc,…Hiện còn trên 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Hầu hết, người có công và thân nhân của họ cũng được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu tiên trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm…..Hàng vạn người có công được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương bệnh binh và người có công đều được hỗ trợ, tạo điều kiện cho con, em của họ có việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống…. Cùng với các chính sách của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được xã hội hóa và phát triển rộng khắp, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội. Nhiều phong trào được phát triển từ các thôn bản, xã phường, được tổng kết và nhân rộng trong phạm vi cả nước, như: Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ; tặng vườn cây tình nghĩa, áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu con thương binh; con liệt sĩ; nhiều địa phương kết nghĩa, giúp đỡ xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa và công trình phục vụ đời sống xã hội…… Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, Quỹ “ Đến ơn đáp nghĩa” trong cả nước đã vận động được 1.263 tỷ đồng ( riêng năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, cả nước đã vận động được 242 tỷ đồng). Từ số tiền này, hàng năm Quỹ “Đến ơn đáp nghĩa” Trung ương đã phân bổ, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong cả nước xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, ủng hộ gia đình chính sách gặp thiên tai bão lụt, hỗ trợ cho thương binh, bệnh binh nặng của các trung tâm nuôi dưỡng về sinh sống tại gia đình. Có thể nói, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đa dạng về hình thức, thiết thực và sâu sắc về nội dung, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc, đi sâu và tâm khảm của mỗi người dân. Nhưng hoạt động tích cực ấy đã tạo điều kiến cho các hộ chính sách vươn lên thoát khỏi đói nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sĩ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cả nước hiện có gần 7.000 các công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 237 đài tưởng niệm liệt sĩ và 3.077 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số trên 780.000 mộ, trong đó 630.000 mộ có đầy đủ thông tin và khoảng 303.000 mộ còn thiếu thông tin, hơn 208.000 hài cốt liệt sĩ chưa phát hiện, tìm kiếm quy tập được. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình lịch sử văn hóa, có sức thuyết phục lớn về mặt thẩm mỹ, đạo đức, giáo dục như: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Buôn Mê Thuột, Đền liệt sĩ Bến Dược, Đài tưởng niệm Liệt sĩ Thái Nguyên…Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, quản lý dữ liệu thông tin hồ sơ liệt sĩ, hỗ trợ nhà ở cho người có công trở thành những vấn đề quan trọng có tính cấp thiết và đã được triển khai xây dựng thành các dự án, đề án mang tầm quốc gia, tạo được sự đồng tình và ủng hộ của toàn xã hội. Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, đến nay 100% Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được chăm sóc phụng dưỡng đến cuối đời, hơn 96% gia đình người có công đã có mức sống trung bình trở lên, 95% xã phường đã được công nhận là xã phương làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Ơn trả, nghĩa đền đó là đạo lý của dân tộc ta. Không ỷ lại sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, cảm thông với khó khăn chung của đất nước, trong những năm qua, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với cách mạng đã nỗi lực phấn đấu, vươn lên muôn vàn khó khăn, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất để làm giàu cho gia đình và xã hội. Trong phong trào đó đã xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn tấm gương rất đáng khâm phục, bởi họ không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu góp phần xây dựng và phát triển đất nước hôm nay. Tự hào với những thành tựu to lớn đã đạt được, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thẳn thừa nhận công tác chăm sóc người có công vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Một bộ phận người có công còn gặp nhiều khó khắn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vấn đề nhà ở cho người có công, tình trạng sức khỏe của các đối tượng chính sách giảm sút do thương tật, bệnh tật, tuổi già, việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, việc làm cho thân nhân người có công, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi dành cho người có công, việc xác định người có công với cách mạng còn tồn động qua 3 thời kỳ cách mạng, nhất là đối với những trường hợp không còn giấy tờ…..đang là những vấn đề cần được quan tâm hơn nữa. Thêm vào đó là nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân về lĩnh vực người có công còn chưa thực sự sâu sắc; quá trình cập nhật, phổ biến các văn bản pháp quy của Đảng, Nhà nước về ưu đài người có công đến người dân còn hạn chế nhiều mặt. Chăm sóc người có công với cách mạng là lĩnh vực quan trọng, không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài. Đề thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong thời gian tới chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau: Thứ nhất,tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời, nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn còn bất hợp lý; giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng phải đảm bảo tính chính xách trong việc xác nhận người có công với cách mạng, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực. Tuyển chọn độ ngũ cán bộ làm công tác chính sách vừa có tâm, vừa có trình độ chuyên môn, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực trong quá trình thực hiện. Thứ hai,thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh xã hội hóa và huy động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân trong công tác đền ơn đáp nghĩa; tăng cường tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân; mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với các mạng” Thứ ba,khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để anh, chị, em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công tích cực trong học tập, công tác, lao động sản xuất, kinh doanh, tham gia các hoạt động xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của gia đình, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ, là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Thứ tư,các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Nêu gương những thương, bệnh binh vượt khó vươn lên trong học tập, công tác, phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Chú trọng phát huy dân chủ, công khai mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công. Gắn công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng ta có thể tự hào với những thành quả đã đạt được, qua đó khẳng định, đất nước ta, dân tộc ta đời đời biết ơn các Anh hùng Liệt sĩ, các Thương binh, Bệnh binh và Thân nhân người có công với nước và sẽ thực hiện ngày một tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa, làm rạng ngời thêm đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Bùi Hồng Lĩnh Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Xem