Hà nội, ngày 29/8
Các nhân tố ảnh hưởng khiến lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc: Giải pháp
Thực trạng và nguyên nhân lao động bỏ trốn
Từ tháng 9/2004, Bộ LĐ- TB&XH Việt Nam ký văn bản ghi nhớ với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS). Sau 9 năm thực hiện (từ năm 2004) cả nước đã có 63.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc, (Trong đó có 693 lao động của tỉnh). Người lao động tại Hàn Quốc có thu nhập cao hơn trong nước, vì vậy, đời sống của một số bộ phận người lao động và gia đình của họ được cải thiện. Tuy nhiên, có một vấn đề đang nổi lên cần nghiên cứu, giải quyết đó là tình trạng lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Trước tình hình đó, năm 2011, Hàn Quốc đã đưa ra các chương trình khuyến khích người lao động chính sách tái tuyển dụng lao động đã về nước đúng kỳ hạn được dự thi tiếng Hàn trên máy tính, chính sách dành cho người lao động trung thành với lao động nước ngoài hoàn thành hợp đồng lao động không thay đổi chỗ làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo có quy mô dưới 30 lao động, các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp có điều kiện làm việc khó khăn và về nước đúng hạn.
Về phía Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người lao động hết kỳ hạn trở về nước và có nhiều chính sách hỗ trợ cho việc tiếp tục tuyển chọn lao động sang làm việc có kỳ hạn ở Hàn Quốc nhưng tình hình vẫn không được cải thiện nhiều, vì vậy từ tháng 8/2012 cho đến nay, Hàn Quốc đã tạm dừng chương trình EPS với Việt Nam, hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 300 lao động, mặc dù đã trải qua kỳ thi tiếng Hàn, nộp hồ sơ lên mạng để chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn vẫn đang chờ đợi cơ hội.
Qua kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra được 4 nhóm nguyên nhân chủ yếu đã ảnh hưởng đến người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp tại Hàn Quốc là: thị trường lao động ở Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lao động rất lớn, mỗi năm khoảng từ 50- 70.000 lao động nước ngoài đến làm việc. Người lao động nước ngoài không cần phải có tay nghề nhưng được hưởng mức thu nhập khá cao (hiện mức thu nhập bình quân khoảng 1.000 - 1.200 USD/tháng) nên đã thu hút nhiều người lao động tham gia tuyển dụng. Đó là lý do khiến người lao động muốn ở lại để làm việc kiếm thêm thu nhập bất hợp pháp, bên cạnh đó là cơ chế chính sách tuyển chọn, quản lý lao động còn lỏng lẻo. Mặt khác, đây là chương trình hoàn toàn minh bạch ngay từ đầu, người lao động chỉ mất 1.200 USD để xuất cảnh. Chính vì việc đơn giản không có ràng buộc về tài chính nên người lao động sẵn sang ở lại không về mà không bị thiệt hại gì. Trong trường hợp nếu bị phía bạn phát hiện, họ chỉ trục xuất về nước chứ không bị phạt nặng hoặc hình sự từ phía trong nước. Ngoài ra, phía Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quản lý, chưa có hệ thống mã số để quản lý theo dõi quá trình làm việc, chuyển việc ở nước ngoài, thiếu sự chia sẻ thông tin cho người lao động với các cơ quan có liên quan. Nhận thức, ý thức của người lao động Việt Nam còn hạn chế; nhu cầu sử dụng lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc; nhóm nhân tố liên quan đến công tác tuyển dụng và quản lý lao động đi làm việc ở Hàn Quốc; nhóm liên quan đến môi trường và thể chế, chính sách quản lý lao động di cư của Hàn Quốc.
Cần có chế tài đủ mạnh
Trước mắt, để lấy lại lòng tin từ phía bạn, chúng ta cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm kêu gọi thân nhân người lao động thuyết phục con em họ về nước đúng hạn và những lao động đang làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc sớm trở về. Nếu được cấp phép lại cần nâng cao chất lượng tuyển chọn lao động có nhân thân tốt, giáo dục ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân và đất nước, cộng đồng cho người lao động. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyển chọn, vận động lao động và gia đình họ tôn trọng pháp luật, hợp đồng lao động, về nước đúng hạn, tạo dư luận phê phán những hành vi bỏ trốn của người lao động.
Cần có cơ chế bảo lãnh và ký quỹ đối với người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, xử phạt nặng những người hết hạn ở lại bỏ trốn lao động bất hợp pháp, cần thiết phải có biện pháp hình sự. Tăng cường bộ máy quản lý lao động tại Hàn Quốc, đồng thời thực hiện tốt chính sách đối với người thực hiện tốt trở về đúng hạn. Sửa đổi quy định chi trả trợ cấp thôi việc sau khi hoàn thành hợp đồng của người lao động về nước thay cho việc chi trả tại Hàn Quốc như hiện nay.
Phối hợp với phía bạn cần tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp sử dụng người nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp nhằm giảm thiểu động cơ các doanh nghiệp sử dụng người lao động bất hợp pháp. (Vì quy trình tuyển chọn lao động ở Hàn Quốc khá chặt chẽ, mất nhiều thời gian, tốn kém hơn việc phạt xử lý vi phạm về tài chính còn nhẹ, chưa kiên quyết đối với chủ sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp, chính vì sức ép về lao động nên một số chủ sử dụng vẫn sử dụng lao động bất hợp pháp gây khó khăn trong việc kiểm soát lao động bất hợp pháp).
Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 11/2012 – 5/2013, khảo sát 243 người lao động (trong đó có 100 Lao động hợp pháp đang làm việc ở Hàn Quốc, 98 lao động hợp pháp đã về nước và 45 lao động không có giấy tờ hợp pháp đã về nước). Đây là một trong những hoạt động, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phân tích tình hình và tìm kiếm những biện pháp thích hợp để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng người lao động (NLĐ) Việt Nam ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc. Nghiên cứu này do Tổ chức Lao động Quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính.
Trước hết là, nhận thức và ý thức của nhiều người lao động Việt Nam rất hạn chế. Đây cũng là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp.
Xuất phát từ động cơ kinh tế, hầu hết người lao động có mong muốn tiếp tục được làm việc ở Hàn Quốc sau khi kết thúc hợp đồng để có thêm thu nhập. Mặc dù đã có thời gian 4 năm 10 tháng hoặc 6 năm làm việc hợp pháp, số tiền mà mỗi người lao động gửi về gia đình là không nhỏ, ước khoảng từ 50 ngàn đến 70 ngàn đôla Mỹ, song do nhận thức và ý thức của nhiều người lao động còn hạn chế nên khi gần hết hợp đồng lao động họ sẵn sàng phá hợp đồng ra ngoài làm việc hay ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng.
Nói chi tiết hơn về vấn đề vấn đề này, bà Nguyễn Lan Hương phân tích: Do chênh lệch thu nhập của việc làm ở Hàn Quốc và việc làm trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần, thậm chí còn cao hơn) nên nhiều người lao động vì cái lợi trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chi phí xuất cảnh cao cũng là lực giữ người lao động cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc. Một bộ phận người lao động đã phải chi phí rất cao (từ 80 – 200 triệu/người) cho việc làm thủ tục xuất cảnh, do thiếu hiểu biết nên bị lừa đảo hoặc đã cố tình mất tiền để không phải “vất vả” làm hồ sơ hay không phải “vất vả” học và thi tiếng Hàn. Do đó, ngay từ khi bước chân sang Hàn Quốc họ đã có ý định tìm cách ở lại Hàn Quốc lâu dài hay bỏ ra ngoài tìm kiếm việc làm có thu nhập cao để nhanh bù đắp lại khoản tiền đã chi.
“Ngoài những lý do trên, trình độ lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam thấp, nhiều người chưa tốt nghiệp cấp 3 nên nhận thức pháp luật kém, tính vị kỷ cao nên sẵn sàng bỏ qua lợi ích tập thể để bỏ trốn hòng gỡ lại chi phí và kiếm thêm thu nhập”, bà Hương nói thêm.
Nhu cầu sử dụng lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc cũng là nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động Việt Nam ở lại. Quy trình tuyển dụng lao động nước ngoài ở Hàn Quốc còn quá chặt chẽ và mất nhiều thời gian, tốn kém hơn so với sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp. Trong khi xử phạt về tài chính còn nhẹ, xử lý về hành chính còn chưa kiên quyết đối với chủ sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ sử dụng lao động Hàn Quốc vẫn tiếp tục sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp, tạo điều kiện cho tình trạng lao động không có giấy tờ hợp pháp ngày càng ra tăng.
Nhóm nhân tố liên quan đến công tác tuyển dụng và quản lý lao động đi làm việc ở Hàn Quốc cũng là những nguyên nhân khiến lao động ở lại Hàn Quốc, cụ thể là thiếu các ràng buộc pháp lý giữa cơ quan phái cử lao động; công tác quản lý lao động của Việt Nam ở Hàn Quốc còn bất cập. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hàn Quốc chưa đặt ra cụ thể ngay từ đầu nên còn bất cập trong quản lý lao động chuyển việc; sự tham gia của chính quyền địa phương trong quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế. Ngoài ra Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quản lý, chưa có hệ thống mã số để quản lý lao động nhằm theo dõi quá trình làm việc, chuyển việc ở nước ngoài…
Cuối cùng là nhóm các nhân tố liên quan đến môi trường và thể chế, chính sách và công tác quản lý lao động di cư của Hàn Quốc. Quan trọng nhất vẫn là việc thực thi chế tài xử phạt của Hàn Quốc chưa hiệu quả, chưa có tính chất răn đe đối với cả chủ sử dụng lao động và người lao động không có giấy tờ hợp pháp…
Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng lao động Việt Nam cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp ở Hàn Quốc, nghiên cứu đã chỉ ra rằng phía Việt Nam, cần nâng cao chất lượng lao động đưa đi làm việc ở Hàn Quốc thông qua việc tuyển chọn những người lao động có nhân thân tốt (sau khi đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn). Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, việc giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, lợi ích cá nhân phải gắn liền với lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng… muốn có hiệu quả thì cần phải thực hiện kiên trì và nghiêm túc trong một thời gian dài, không thể nóng vội một sớm một chiều.
Ngoài ra cần ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giữa Trung tâm Lao động Ngoài nước và người lao động; xây dựng cơ chế bảo lãnh người lao động đi làm việc ở nước ngoài; ký quỹ đối với người lao động khuyến khích người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn; xử phạt nghiêm những người lao động ở lại quá hạn hợp đồng lao động.
Đồng tình với đề xuất này của nghiên cứu, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động cho rằng: “Tôi nói riêng với thị trường Hàn Quốc, chúng ta phải có ký hợp đồng, có người bảo lãnh, bồi thường khi vi phạm. Chúng ta cũng thiếu cơ chế xử phạt. Tôi cho rằng, phải đánh vào kinh tế trước thì từng bước chúng ta mới ngăn được lao động bỏ trốn”.
Về phía Hàn Quốc, bên cạnh việc nghiên cứu những giải pháp cần phải triển khai thì tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài, kiên quyết xử lý các chủ sử dụng lao động không có giấy tờ hợp pháp là những giải pháp kiểm soát hiệu quả nhất để giảm động cơ thuê mướn lao động không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động nước này.
Nguyễn Thị Lan Hương
Viện trưởng Viện khoa học LĐXH
|