Trong năm qua, các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ đã tích vực triển khai các chương trình, kế hoạch bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ trong ngành. Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh nhằm từng bước thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về lĩnh vực này.
Cụ thể: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và ban hành báo cáo số 61/BC-CP ngày 06/4/2012 gửi Quốc hội. Trong quá trình xây dựng báo cáo, đã có 23/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi báo cáo về tình hình thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trong công tác quản lý nhà nuớc của đơn vị mình. Cùng với đó, Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương triển khai tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiến hành Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc; thông qua một số Luật có tác động đến bình đẳng giới như Bộ luật Lao động (sửa đổi), chỉ đạo về công tác nữ lãnh đạo chủ chốt tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...
Bên cạnh đó, một số hoạt động trọng tâm đã được triển khai thực hiện như: tổ chức cuộc thi cấp quốc gia "Tìm hiểu chính sách, pháp luật về Bình đẳng giới năm 2012" thu hút một số lượng lớn người dự thi, tạo sức lan tỏa rộng rãi hơn của chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong xã hội; Tọa đàm cấp cao "Bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vì sự tiến bộ của Phụ nữ ở Việt Nam được tổ chức nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) đã được dư luận và bạn bè quốc tế đánh giá cao; phối hợp với các tổ chức quốc tế ở trong nước tổ chức "Đối thoại chính sách về bình đẳng giới"; tổ chức 03 lớp tập huấn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong phân tích và xây dựng chính sách, pháp luật cho nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Ngoài ra, UBQG còn tổ chức khóa tập huấn về Giới và Truyền thông cho các đại biểu là cán bộ làm công tác truyền thông, tuyên truyền về bình đẳng giới trong xã hội; hỗ trợ một số tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Luật Bình đẳng giới cho các cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước, cán bộ làm công tác Đảng và đại biểu các cơ quan dân cử ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã...
Thực hiện kế hoạch kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, UBQG đã tổ chức 8 đoàn tiến hành kiểm tra tại 3 Bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng các đơn vị được kiểm tra trong năm 2012 đã tăng hơn nhiều so với các năm trước, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Các hoạt động thường xuyên đã được UBQG thực hiện đúng tiến độ như: ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2012 đối với các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố; tổ chức Hội nghị thường kỳ sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm; duy trì và mở rộng hợp tác nhằm tranh thủ sự ủng hộ về kỹ thuật và kinh phí của các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế.
Tính đến ngày 19/2/2013, Văn phòng UBQG đã nhân được báo cáo của 16 Bộ, ngành, Tổng công ty và 26/63 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2012. Theo các báo cáo, các địa phương đã đạt được một số kết quả điển hình là: Tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015; lồng ghép bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ trong các hoạt động chuyên môn của các ngành; triển khai xây dựng bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành sổ tay thống kê giới, triển khai phần mềm với cơ sở dữ liệu về phụ nữ và trẻ em Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới, tiếp tục huy động nguồn vốn ODA cho các hoạt động nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Ban hành các thông tư hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đảm bảo sự bình đẳng về tiêu chuẩn, điều kiện của nam và nữ trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng...Đối với các địa phương, hoạt động VSTBPN và bình đẳng giới đã từng bước đi vào ổn định. 100% các Ban VSTBPN đã duy trì hoạt động đến cấp huyện....
Giải phóng phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện là một trong những mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy được năng lực của mình đóng góp cho đất nước. Vị thế của người phụ nữ trong xã hội cũng như trong gia đình đã và đang được nâng cao.
Những năm qua, cùng với sự chuyển đổi của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuy có sự biến động, chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng lực lượng lao động nữ vẫn có xu hướng gia tăng. Hiện nay tỷ lệ số lao động nữ toàn tỉnh có 95.365/187.000 chiếm 51% trong tổng số CNVCLĐ. Hầu hết các chị đã phát huy được truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, tận tuỵ, nhiệt tình, trách nhiệm trong học tập, lao động và công tác, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Vì vậy đã góp phần quan trọng vào phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Tuy nhiên, mặc dù bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng trên thực tế khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại: Lao động nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, về cơ hội được đào tạo, đào tạo lại, cơ hội thăng tiến; vẫn còn định kiến giới, phân biệt đối xử với lao động nữ trong tuyển dụng, khi bố trí sắp xếp nhân sự; trong lĩnh vực lao động, việc làm, lao động nữ hiện vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới, thường có xu hướng bị thất nghiệp cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ lao động nữ bị thất nghiệp đã tăng từ 6% năm 2007 lên 7% năm 2009. Nhiều doanh nghiệp việc làm của lao động nữ không ổn định, điều kiện lao động, thu nhập tiền lương không đảm bảo, nhất là chị em làm việc ở ngành nghề nặng nhọc, độc hại, vùng sâu, vùng xa. (Tại hội thảo về bình đẳng giới năm 2010 cho biết lương bình quân của lao động nữ chỉ bằng 85% nam giới, cùng một công việc như nhau, thu nhập trung bình của nữ giới bao giờ cũng ít hơn nam giới. Một nửa tiềm năng của lao động nữ vẫn chưa được khai thác, hiện vẫn còn nhiều phụ nữ chưa được tham gia vào lĩnh vực kinh tế. Đây là một lãng phí rất lớn) . Các chế độ chính sách, mục tiêu quốc gia của Nhà nước đã ban hành vì sự tiến bộ của phụ nữ có lúc, có nơi chưa triển khai đồng bộ; một số cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự quan tâm đến cán bộ nữ. Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa thực sự được quan tâm đúng mức, việc đề bạt cán bộ nữ ở các cấp còn nhiều bất cập, tỷ lệ nữ tham gia vào cấp uỷ, chính quyền, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành còn thấp so với tỷ lệ lao động nữ và so với nam giới ở các cương vị lãnh đạo. Trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, trình độ quản lý, trình độ chính trị... của phụ nữ nhìn chung còn thấp so với nam giới, vẫn còn bộ phận chị em thiếu ý thức vươn lên, còn biểu hiện tư tưởng hẹp hòi, định kiến, níu kéo nhau. Tư tưởng trọng nam hơn nữ còn khá phổ biến, tình trạng bạo lực gia đình ngày một gia tăng, gánh nặng gia đình cũng làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ.
Để phát huy vai trò tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao vị thế của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, trong thời gian tới các cấp công đoàn cần tập trung một số nhiệm vụ công tác sau:
Một là: Nâng cao trình độ, năng lực, nhận thức về giới, bình đẳng giới, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nữ CNVCLĐ, tạo sự đổi mới trong công tác nữ công, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là: Xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2011-2020 trong hệ thống công đoàn cấp mình, đưa vào nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; khắc phục tư tưởng tư ti, an phận, níu kéo nhau của một bộ phận chị em, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình và xã hội.
Ba là: Tham gia với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và người sử dụng lao động trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đối với lao động nữ cho phù hợp với ngành nghề, đối tượng, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ; kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ, trong đó quan tâm việc thực hiện Bộ luật lao động, Luật BHXH, các chế độ chính sách có liên quan đến lao động nữ ở các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị nhằm hạn chế những vi phạm trong việc sử dụng lao động nữ.
Bốn là: Phối hợp với cơ quan Y tế thực hiện tốt công tác chăm lo sức khoẻ, khám phụ khoa cho lao động nữ, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Dân số- KHHGĐ.
Năm là: Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ gắn với phong trào thi đua khác do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt nam phát động, động viên khích lệ lực lượng lao động nữ thi đua nâng cao năng xuất lao động, hiệu quả công tác, góp phần vào việc hoàn thiện chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Phong trào phải thực sự tạo ra môi trường để chị em rèn luyện và phấn đấu.
Sáu là: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ban VSTPCPN, củng cố, kiện toàn Ban VSTBCPN trong hệ thống công đoàn. Tham mưu cho cấp uỷ việc quy hoạch đào tạo cán bộ nữ. Phát hiện bồi dưỡng tài năng trong nữ CNVCLĐ. Giới thiệu những cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện đưa vào nguồn quy hoạch, đề bạt tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp.
Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và thực hiện lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh: “Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhấc và giúp đỡ ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Do vậy, đấu tranh để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong giai đoạn hiện nay, các cấp CĐ cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội đồng cấp, tạo cơ hội cho nữ CNVC- LĐ nâng cao vai trò vị thế của mình, phát huy khả năng và góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước.
Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới