Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Triển khai pháp lệnh ưu đãi người có công

28/02/2014

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (số 04/2012/UBTVQH13) được Ủy ban Thường vụ quốc hội thông qua ngày 16/7/2012,. Các quy định về chế độ ưu đãi bổ sung đối với người có công với cách mạng và thân nhân trong Pháp lệnh được thực hiện từ ngày 01/01/2013, một số chế độ ưu đãi khác được thực hiện từ ngày 01/9/2012.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước năm 2012 có nhiều khó khăn thách thức, những khó khăn đó còn ảnh hưởng đến năm 2013 nhưng nhìn chung các chính sách phát triển vẫn đi đúng hướng, an sinh xã hội được đảm bảo, chính trị - xã hội ổn định. Vì vậy, việc triển khai các điểm mới trong pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng bên thềm đầu năm mới 2013 cũng cần phải có những nỗ lực hơn, góp phần ổn định kinh tế, chính trị - xã hội, “bảo đảm mức sống người có công không thấp hơn mức trung bình của dân cư trên cùng địa bàn” (trích bài viết: “Kiên quyết khắc phục yếu kém, vượt qua khó khăn, tiếp tục kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, đưa đất nước phát triển bền vững” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng).

          Việc triển khai pháp lệnh ưu đãi người có công được sửa đổi, bổ sung năm 2012 chúng ta đã có kinh nghiệm từ trước. Tuy nhiên, tinh thần không chủ quan trước các vấn đề bất hợp lý, các hạn chế còn tồn tại có thể nảy sinh và diễn biến theo chiều hướng phức tạp như trong báo cáo đánh giá tác động của Pháp lệnh đã đề cập. Định hướng chung đối với việc triển khai Pháp lệnh lần này vẫn đảm bảo nguyên tắc “đúng ý Đảng, hợp lòng dân”. Đảng lãnh đạo; Nhà nước có trách nhiệm thực thi các nội dung của Pháp lệnh trong đời sống đồng thời giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện; ngoài ra cần phải có sự tham gia tích cực trên mọi phương diện của các tổ chức và cá nhân trong cộng đồng cùng với đối tượng người có công.

          Sự phối hợp giữa Đảng, Nhà nước, cộng đồng và người có công nhằm mục tiêu: Pháp lệnh đúng hướng, Pháp lệnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, Pháp lệnh được thực hiện đúng tiến độ về thời gian và đảm bảo về hiệu quả thực tiễn.

          Pháp lệnh được triển khai đúng hướng

Để Pháp lệnh triển khai đúng hướng phải kiên định quan điểm của Đảng về công tác chăm sóc người có công, xuất phát từ nhu cầu phát triển và lợi ích của đối tượng người có công. Cần làm cho chính sách người có công có tính dự báo và ổn định không gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống an sinh xã hội.

Với vai trò lãnh đạo của mình, hệ thống các tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt và thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công theo tinh thần Nghị quyết đại hội XI của Đảng. Đảng cùng với Nhà nước tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ, bảo đảm lợi ích của người có công, thực hiện tốt vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong lĩnh vực người có công.

          Đơn giản hóa thủ tục hành chính

          Kế hoạch thi hành Pháp lệnh đã được xây dựng ngay từ khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 được triển khai. Theo đó, khi Pháp lệnh được công bố và bắt đầu thực thi trong đời sống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điểm trong Pháp lệnh. Để đảm bảo khi Nghị định được thông qua, việc triển khai hướng dẫn đúng tiến độ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng dự thảo các Thông tư hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ; về công tác mộ; về công tác chăm sóc sức khỏe…Việc xây dựng Nghị định và Thông tư là để cụ thể hóa Pháp lệnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, tiêu chí của các văn bản này là phải đơn giản hóa thủ tục hành chính để không gây phiền hà cho đối tượng người có công, quyền lợi của người có công vẫn được đảm bảo. Nhưng không vì thế mà các thiết chế lại trở nên thiếu chính xác hay tạo cơ hội để cá nhân, tổ chức có thể trục lợi từ chính sách ưu đãi.

          Khi Pháp lệnh được công bố, các nội dung không thay đổi vẫn được thực hiện một cách bình thường. Việc triển khai Pháp lệnh chỉ tập trung vào các nội dung mới. So với lần triển khai pháp lệnh trước, các nội dung mới trong Pháp lệnh lần này chiếm số lượng nhiều và phức tạp hơn. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ và Quốc hội về việc quản lý chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã chủ động tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, tổ chức lấy ý kiến từ cơ quan địa phương về dự thảo các văn bản hướng dẫn.

Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đã tạo điều kiện hoàn thiện các văn bản pháp quy theo chiều hướng có lợi hơn, đó là phù hợp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam; để xác định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công cụ thể, khách quan, phù hợp hơn với thực tiễn đời sống xã hội; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, gắn liền với tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội; trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước được quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, minh bạch, tạo lập hành lang pháp lý chặt chẽ trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ưu đãi người có công...

Phần lớn các nội dung mới bổ sung, sửa đổi trong Pháp lệnh nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Tuy nhiên, cũng có một số nội dung mới phức tạp như: điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ trong trường hợp mất tin, mất tích; điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh, trường hợp quân nhân, công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã phục viên, xuất ngũ hoặc quân nhân, công an nhân dân trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã phục viên, xuất ngũ nếu mắc bệnh tâm thần; điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người có công. Những nội dung đã nêu đòi hỏi trong quá trình triển khai thực hiện cần sự nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan quản lý. Ví dụ như trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc hướng dẫn việc chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân của họ; hướng dẫn và tổ chức giám định đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ bị ảnh hưởng chất độc hoá học của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; con của người có công  với cách mạng bị bệnh, tật nặng từ nhỏ thuộc diện hưởng trợ cấp tuất. Vì đây là lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác của khoa học để đảm bảo quyền lợi cho người có công. Kinh nghiệm thời gian trước đã cho thấy các hiện tượng tiêu cực phần lớn là do thiếu văn bản quy định hướng dẫn và tổ chức giám định.

Các chính sách được vận hành thông qua thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức. Đây cũng là công đoạn thường phát sinh tiêu cực nên cần phải kiên quyết loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tăng cường kỷ luật kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu.. Các cơ quan hành chính nhà nước quản lý lĩnh vực người có công phải công bố công khai mọi thủ tục hành chính với quy trình và thời hạn xử lý cụ thể, bảo đảm có tiến bộ và hiệu quả.

 Cán bộ công chức phải nhận thức rõ trong mối quan hệ công vụ, người có công là chủ thể quyền còn cán bộ công chức là người thực thi trách nhiệm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải giám sát chặt việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ công chức thuộc ngành. Vì vậy, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính khi triển khai Pháp lệnh không những đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của thủ tục hành chính mà còn tạo thuận lợi cho người dân và các tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp quản lý của bộ máy hành chính trong lĩnh vực người có công.

Trong quá trình thi hành Pháp lệnh, cần tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo chính sách đúng, đủ, kịp thời, không xảy ra tiêu cực. Rõ ràng để làm được việc này, Nhà nước với tư cách là cơ quan tổ chức thiết chế cũng rất cần sự phối hợp của cộng đồng và bản thân người có công và sự giám sát của xã hội.

Mặt khác Pháp lệnh cũng cần phải được triển khai theo tinh thần xã hội hoá, huy động các nguồn lực của toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có cơ hội tham gia. Việc xã hội hóa khi triển khai Pháp lệnh tập trung chủ yếu ở giai đoạn thực hiện các nội dung của Pháp lệnh đã được cụ thể hóa. Cộng đồng và xã hội trên cơ sở các chính sách ưu đãi đã được xây dựng tiến hành tổ chức triển khai sâu rộng trong cả nước với nhiều hoạt động, hình thức phong phú, nhiều việc làm thiết thực góp phần cùng với Đảng và Nhà nước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Cần có phương thức tuyên truyền rộng rãi việc khuyến khích phát triển các mô hình hỗ trợ người có công ở cộng đồng, các doanh nghiệp; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào tình nghĩa “Đền ơn đáp nghĩa”...

Triển khai Pháp lệnh trong thời gian đầu năm 2013

          Đầu năm 2013, vào dịp đón xuân mới, thực hiện các chính sách ưu đãi trong Pháp lệnh cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy để đảm bảo tiến độ Pháp lệnh và đảm bảo hiệu quả trong thực tiễn cần triển khai đồng bộ các nội dung từ định hướng đến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đào tạo cán bộ làm chính sách, công tác kiểm tra giám sát, công tác tuyên truyền vận động, phát động phong trào tình nghĩa…Cơ quan ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý chính sách người có công phải tích cực hơn nữa để các chế độ ưu đãi “đến tay” người có công đầy đủ, kịp thời vui xuân đón Tết. Đây có lẽ là món quà Tết thực sự ý nghĩa mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân dành tặng và tri ân người có công./.

Bùi Hồng Lĩnh

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

 

Xem