Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 273.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có gần 45.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục, buôn bán trẻ em tuy đã giảm nhưng còn diễn biến phức tạp; tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ vị thành niên mua bán dâm, lôi kéo nhau vi phạm pháp luật thông qua mạng internet; trẻ em nhiễm HIV/AIDS gia tăng v.v.. luôn là những thách thức không nhỏ đặt ra đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh...
1. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Khi cả xã hội cùng chung sức
Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015. Sau một năm thực hiện, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) trong toàn tỉnh đã có nhiều nét mới, mang lại cho trẻ em trong toàn tỉnh những cơ hội được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn.
Từ những chính sách quan trọng
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 273.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có gần 45.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục, buôn bán trẻ em tuy đã giảm nhưng còn diễn biến phức tạp; tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ vị thành niên mua bán dâm, lôi kéo nhau vi phạm pháp luật thông qua mạng internet; trẻ em nhiễm HIV/AIDS gia tăng v.v.. luôn là những thách thức không nhỏ đặt ra đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh.
Trước thực trạng đó, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác BVCSTE, trong đó có những quyết sách quan trọng như: Kế hoạch triển khai xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em giai đoạn 2011-2015; quyết định phê duyệt chương trình BVTE giai đoạn 2011-2015; tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hành động vì trẻ em Quảng Ninh giai đoạn 2001-2011. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh khoá 12 (ngày 9-12-2011) đã thông qua nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách của Nhà nước trên địa bàn của tỉnh đến năm 2015. HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết về việc hỗ trợ tiền ăn trưa tại các cơ sở giáo dục mầm non cho đối tượng trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn trong danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ và đối tượng trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo.
 |
Tiết mục văn nghệ của học sinh TP Hạ Long tại Lễ tuyên dương học sinh xuất sắc, tiêu biểu năm học 2011-2012 do Sở GD&ĐT tổ chức, ngày 19-5-2012. Ảnh: Cẩm Nang |
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn hướng dẫn các địa phương xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em giai đoạn 2011-2015; thực hiện công tác tư vấn, can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của trẻ em; tiếp tục duy trì các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em như mô hình phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS, mô hình điểm tư vấn hỗ trợ trẻ em cấp xã, mô hình quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật trong và sau giáo dưỡng; thí điểm một số mô hình mới: Phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn dựa vào cộng đồng, Văn phòng tham vấn học đường...
Đến sự “chung tay” của các cấp, ngành
Không chỉ có Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực công tác BVCSTE mà rất nhiều ban, ngành đã có những hoạt động tích cực, góp phần vào công tác BVCSTE, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh. Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, tổ chức như: Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Vịnh, LĐ-TB&XH, Công an, Tỉnh Đoàn, Hội Khuyến học triển khai phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực; chương trình giáo dục kỹ năng sống; chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho trẻ em trong trường tiểu học, phổ thông của tỉnh; đề án phổ cập bơi trong các trường tiểu học đến năm 2015. Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch trợ giúp pháp lý cho trẻ em đến năm 2015. Tỉnh Đoàn có kế hoạch về tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng; triển khai Chương trình đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Chương trình “Thắp sáng ước mơ” cho trẻ em vượt khó; Chương trình vận động quà Tết, quà Trung thu, quà năm học mới tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hội LHPN tỉnh thực hiện Đề án 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt; triển khai mô hình Câu lạc bộ phụ nữ dân tộc... Công an tỉnh triển khai thực hiện Đề án số 04 “Đấu tranh phòng chống tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, các loại tội phạm xâm hại trẻ em”; Chương trình phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi triển khai các chương trình: Xã hội hoá xe lăn cho trẻ em tàn tật; xã hội hoá xe đạp cho trẻ em mồ côi; xã hội hoá góc học tập cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Liên ngành Tỉnh Đoàn - Hội LHPN - Sở GD&ĐT - Sở Tư pháp - Sở LĐ-TB&XH - Công an tỉnh có kế hoạch về việc phối hợp tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, giải quyết tình trạng bạo lực học đường trong đối tượng học sinh, sinh viên giai đoạn 2011-2012 v.v..
 |
Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả khám bệnh, phát thuốc nhân đạo cho học sinh Trường Tiểu học Thái Bình (TP Cẩm Phả). Ảnh: Thu Nguyệt |
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em được các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nhân các ngày lễ, Tết cho trẻ em. Quỹ Bảo trợ trẻ em hàng năm vận động được hàng trăm triệu đồng tổ chức các chương trình hỗ trợ trẻ em. Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Trung tâm công tác xã hội trẻ em cũng là “điểm đến” đáng tin cậy, bảo trợ, chăm sóc, tư vấn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt v.v..
Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong toàn tỉnh thời gian qua đã đạt những kết quả đáng mừng. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh được quan tâm, chăm sóc dưới nhiều hình thức. Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi được hưởng chính sách trợ cấp xã hội của Nhà nước, được miễn học phí và đóng góp xây dựng quỹ trường và được cấp thẻ BHYT miễn phí. 100% trẻ em bị xâm hại tình dục đều được tư vấn, hỗ trợ. Trẻ em nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ trẻ em. Toàn tỉnh có 1.658 trẻ em khuyết tật, tàn tật, trong đó có 429 trẻ em tàn tật nặng được hưởng chính sách của Nhà nước v.v..
Nhờ sự chung tay, chung sức của các cấp, ban, ngành và cộng đồng xã hội mà trẻ em Quảng Ninh đang được thụ hưởng sự bảo vệ, chăm sóc chu đáo. Trong năm 2012 này, các nguồn kinh phí dành cho việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em lên tới trên 9,7 tỷ đồng. Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015 tiếp tục được triển khai. Sở LĐ-TB&XH đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2020. Những chương trình này sẽ tiếp tục là cơ sở để nhân rộng hơn những việc làm thiết thực cho trẻ em, vì trẻ em toàn tỉnh.
2. Giúp dân vùng biên xóa đói giảm nghèo
Từ nhiều năm nay, đồng bào các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà và TP Móng Cái đã quá quen thuộc với hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 327. Các anh không chỉ là những thầy giáo ở các lớp học xoá mù chữ mà còn không quản ngại mưa nắng, xuống tận bản giúp bà con gieo trồng các giống mới đúng thời vụ và chăm sóc cây giống, con giống đúng kỹ thuật. Nhờ đó, bà con dân bản vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao. Đặc biệt, từ năm 2011, khi có Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Bộ Quốc phòng, nhiều mô hình đã được Đoàn KT-QP 327 triển khai rộng khắp, như: trồng khoai tây, mía đường; chăn nuôi lợn rừng, dê, lợn nái sinh sản, gà sao, chim cút đẻ trứng, cá song... Các mô hình này phát huy thế mạnh về nguồn nguyên liệu tại chỗ và khả năng nhân rộng trên địa bàn. Với phương thức đơn vị hỗ trợ kinh phí đầu tư, người dân đóng góp vốn tự có (nhân công, vật liệu tự làm, tự tạo...), các mô hình đã thu hút 430 hộ dân tham gia, trong đó 98% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng các mô hình có hiệu quả. Ngay sau khi cấp cây và con giống cho các hộ nghèo, Đoàn KT-QP 327 giao nhiệm vụ cho các đội sản xuất trên địa bàn trực tiếp theo dõi, quản lý và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con dân bản. Những vấn đề phát sinh về sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc v.v. đều được các cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 327 tư vấn xử lý kịp thời cho bà con, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 |
Cán bộ và các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 327 đang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa nước cho bà con dân bản. |
Bước sang năm 2012, Dự án này tiếp tục được triển khai nhưng tập trung vào 5 mô hình: trồng mít Thái, khoai tây Solara - Đức và nuôi cá rô phi đơn tính, ngan Pháp, dúi sinh sản. Theo đó có 360 hộ gia đình đã được trực tiếp tham gia các mô hình này, trong đó có 95% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc phòng trừ dịch bệnh và kỹ thuật nuôi trồng, không ít hộ gia đình đã thoát nghèo, từng bước tạo lập kinh tế vững chắc. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít hộ “nghèo vẫn hoàn nghèo”... Lý giải về điều này, Thượng uý Đào Vũ Đức Thắng, cán bộ Đoàn KT-QP 327, cho biết: “Bà con dân bản thì hỗ trợ bao nhiêu cũng muốn, nhưng ý thức thực hiện nhiều khi rất kém. Đợt vừa rồi, chúng tôi tổ chức cấp phát, giao giống khoai tây và phân bón cho bà con. Đã hẹn trước lịch làm việc nhưng khi chúng tôi xuống thì không hề có một người dân nào ra nhận. Hỏi ra mới biết, hôm đó ở xã có một đám cưới, dân bản đi ăn cưới hết. Thế là các anh em trong đơn vị lại phải xắn tay khuân vác cả mấy tấn khoai giống và phân bón xuống cho dân”. Thượng uý Thắng chia sẻ thêm: “Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức nhiều lớp dạy nghề với mong muốn làm sao mỗi người dân có một cái nghề để họ làm ăn và tự thoát nghèo. Chương trình học không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng mà còn cấp một số thuốc men, kim tiêm… phòng tránh dịch bệnh và hỗ trợ 15.000 đồng/người/buổi cho người học nên dân rất thích. Thế nhưng, cũng chỉ những hộ nào đang làm mô hình đó và thực sự muốn phát triển nghề thì họ mới quan tâm, thiết tha với chuyện đi học. Còn một số thì học xong là “chữ thầy trả lại cho thầy”. Bên cạnh đó, khi tiêu chí hộ nghèo thay đổi, vô hình chung, chỗ này vừa giảm nghèo xong đợt này thì lại có tiêu chí mới nên lại… nghèo. Người dân thì năm này qua năm khác được hưởng hỗ trợ, thành ra có nhiều người không muốn thoát nghèo”.
Những khó khăn đó cũng chính là trăn trở của tất cả cán bộ, chiến sĩ luôn tâm huyết với công tác xoá đói giảm nghèo ở vùng cao. Tuy nhiên, việc khắc phục, đặc biệt là thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, không phải là chuyện một sớm một chiều. Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Đoàn KT-QP 327 vẫn luôn xác định bám đất, bám dân vùng biên và giúp dân xoá đói giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Bởi vì kinh tế ổn định, lòng dân an chính là nền tảng để củng cố và giữ vững vùng phên dậu của Tổ quốc...
3. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần gỡ những "thắt"
Từ năm 2010, tỉnh triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế... xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ để Đề án này ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả.
Kết quả bước đầu
Để thực hiện Đề án, tỉnh và các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và các địa phương đã phối hợp cùng các cơ quan thông tin truyền thông để tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho LĐNT giúp người dân hiểu ý nghĩa, sự cần thiết của việc đào tạo, học nghề. Các địa phương cũng tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT ở hơn 123.000 hộ gia đình và nhu cầu sử dụng lao động ở 1.636 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, xây dựng đề án trình UBND tỉnh phê duyệt, lựa chọn các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện để thực hiện dạy nghề cho LĐNT. Cán bộ quản lý dạy nghề, cán bộ của một số cơ sở mới tham gia đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề… Đề án cũng đã khuyến khích, thu hút được hơn 80 kỹ sư, cán bộ, công nhân kỹ thuật, người có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề. Tỉnh còn thực hiện đầy đủ mức hỗ trợ học nghề cho LĐNT tham gia các lớp đào tạo. Ngoài hỗ trợ đào tạo nghề, người học còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.
 |
Mô hình trồng nấm linh chi của gia đình ông Bùi Văn Đây, thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc (Ba Chẽ) được chọn làm cơ sở thực hành để đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. |
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Đề án cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện nhiều chế độ khuyến khích đào tạo và thu hút nhân tài. Đến tháng 3-2012, toàn tỉnh đã có 1 tiến sĩ và 25 thạc sĩ tuyến xã tốt nghiệp ra trường. Hiện còn khoảng chục cán bộ, công chức theo học tiến sĩ, cao học. Tổng kinh phí dạy nghề cho LĐNT và đào tạo cán bộ, công chức xã từ năm 2010 đến hết năm 2011 hơn 54 tỷ đồng, trong đó kinh phí dạy nghề cho LĐNT lên tới 11,5 tỷ đồng. Nhờ đó, từ năm 2010 đến hết tháng 6 năm 2012, đã có hơn 170 lớp đào tạo nghề LĐNT được mở với gần 5.640 học viên tham gia, trong đó có 28 lớp theo mô hình thí điểm do Sở LĐ-TB&XH tỉnh mở tại các địa phương; hơn 2.300 cán bộ công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng…
Còn nhiều “nút thắt”
Trong thời gian qua, việc triển khai, thực hiện Đề án đã thu được một số kết quả nhất định, song vẫn còn những khó khăn cần được tỉnh, các ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời. Mặc dù Quảng Ninh được Trung ương đầu tư thành lập 2 trung tâm dạy nghề và đến năm 2013 phải hoàn thành. Song tiến độ triển khai xây dựng 2 trung tâm này còn rất chậm. Cụ thể là Trung tâm dạy nghề huyện Đông Triều đang san lấp mặt bằng, còn Trung tâm Dạy nghề huyện Vân Đồn mới trong quá trình giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, tỉnh cũng đồng ý cho các trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên triển khai cả chức năng dạy nghề. Đồng thời, cấp hơn 15 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trung tâm này để thực hiện dạy nghề cho LĐNT. Nhờ đó, các trung tâm này đã xây dựng được 55 phòng học lý thuyết, 22 phòng học thực hành. Song đến nay, mới chỉ duy nhất Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Hoành Bồ được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề. Nguyên nhân các đơn vị này chưa được cấp chứng nhận là do thiếu giáo viên cơ hữu, thiếu chương trình, giáo trình được biên soạn mới theo quy định…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, điều tra, khảo sát nhu cầu của LĐNT tại một số địa phương chưa sát thực tiễn nên chưa nắm bắt được nhu cầu nhân lực cần đào tạo ở từng lĩnh vực, từng vùng. Một số địa phương mở các lớp đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của người học, chưa gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nhu cầu doanh nghiệp. Từ năm 2010 đến hết năm 2011, cả 168 lớp dạy nghề cho LĐNT theo Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT mới tập trung ở trình độ sơ cấp nghề chứ chưa có lớp cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Chính bởi vậy, nhiều LĐNT sau đào tạo vẫn chưa tìm được việc làm. Cụ thể năm 2011, trong tổng số hơn 4.400 LĐNT được đào tạo thì mới chỉ 420 lao động được tuyển dụng, có việc làm ổn định. Ngoài ra, một số nơi còn yếu về xây dựng kế hoạch, công tác tham mưu, lựa chọn cán bộ, công chức xã đi đào tạo. Trong khi đó ở một số xã khó khăn của tỉnh, trình độ cán bộ công chức còn thấp về chuyên môn, chưa đáp ứng nhu cầu chuẩn hoá. Trong tổng số gần 4.000 cán bộ công chức cấp xã vẫn còn tới 20 người mới tốt nghiệp tiểu học, 275 người mới tốt nghiệp THCS.
Những khó khăn trên cần được tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương có biện pháp tháo gỡ kịp thời, gắn chặt Đề án với thực hiện đồng bộ các quy hoạch của tỉnh và địa phương. Cùng với đó, việc mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT cần gắn chặt với vùng chuyên canh, xây dựng nông thôn mới và gắn với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, có như vậy, sau đào tạo, người lao động mới có việc làm ổn định, từ đó góp phần chuyển đổi nghề, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh