Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ: Cần sự hỗ trợ từ Chính phủ tới cộng đồng

05/04/2012

Mới đây, Tiến sỹ Andy Shih, Phó Chủ tịch phụ trách Khoa học của Tổ chức Tự kỷ Lên tiếng (Autism Speaks) lần đầu tiên tới thăm Việt Nam và gặp gỡ với các giảng viên, nhà nghiên cứu về giáo dục đặc biệt, các chuyên gia y tế, cha mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ và những người bảo trợ trẻ không may mắn để thảo luận những vấn đề liên quan đến hội chứng này.

Tiến sỹ Shih đã có các bài giảng, thuyến trình và gặp gỡ trong đó ông trao đổi về những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu và điều trị về tự kỷ và cách thức giải quyết hội chứng tự kỷ ở Hoa Kỳ. Các buổi trao đổi của ông diễn ra tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Câu lạc bộ Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội và Trung tâm Hoa Kỳ của Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Chuyến thăm diễn ra ngay trước Ngày Thế giới Nhận biết về Tự kỷ 2/4 thường niên lần thứ năm của Liên hơp quốc. Chuyến thăm của Tiến sỹ Shih nhằm nâng cao nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ (ASDs), một vấn đề y tế công cộng ngày càng đáng lo ngại ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Chuyến thăm cũng nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ gần gũi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Ngày Thế giới Nhận biết về Tự kỷ được Liên hợp quốc phát động năm 2007 nhằm nâng cao nhận thức về hội chứng này trên toàn cầu. Những thống kê mới nhất về tự kỷ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ cho biết cứ 88 người Mỹ thì có 1 người mắc tự kỷ, trong đó cứ 54 trẻ em nam thì có 1 em mắc tự kỷ. Hội chứng tự kỷ ước tính đã tác động tới cuộc sống của 3 triệu người Mỹ và hàng chục triệu người trên thế giới.
Theo các chuyên gia sức khỏe, số lượng trẻ tự kỉ tại Việt Nam đang gia tăng mạnh qua từng năm. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về vấn đề này, tuy nhiên, tính đến năm 2009, chỉ tính riêng Bệnh viện Nhi Trung ương có 1752 bệnh nhi bị tự kỉ (trước đó, năm 2008 là 963 trẻ). Con số này chưa bao gồm số trẻ tự kỉ tại các bệnh viện khác trên cả nước và các chuyên gia nhận định đây chỉ là bề nổi của ‘tảng băng chìm’ vì còn có rất nhiều trẻ tự kỉ chưa được khám bệnh và điều trị kịp thời. Theo ước tính, Việt Nam có tổng cộng hơn 200.000 người tự kỉ. Hiện nay, khi nhắc đến căn bệnh tự kỉ, các bậc cha mẹ trẻ thường có hai xu hướng: lo lắng thái quá hoặc không chịu chấp nhận sự thật là con mình bị mắc bệnh.
Tiến sĩ Andy Shih cho biết: "Theo như tôi nhận thấy thì tại Việt Nam, các bậc cha mẹ chưa có công cụ sức mạnh nào để giúp đỡ sự phát triển của trẻ tự kỷ. Vậy thì chúng ta sẽ phải hành động để có sức mạnh đó, mà sức mạnh này không chỉ nghiêng về chuyên môn, chính phủ mà còn ở nhiều phương diện khác. Có thể một lúc các anh chị chứng kiến tự kỷ xuất hiện ở các em nhỏ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, vì thế tại Việt Nam, nếu xây dựng một cộng đồng lớn mạnh, chẳng hạn từ 700 thành viên lên tới con số 700.000 thành viên sẽ giúp các bậc cha mẹ có một quyền lực nhất định trong xã hội, và tạo được tiếng nói trong cộng đồng". Trong thời gian tới, Autism Speak có thể sẽ giúp các gia đình trẻ tự kỷ tại Việt Nam bằng việc đưa chuyên gia đến, cung cấp tài liệu nghiên cứu, đào tạo chuyên môn.... nhưng điều quan trọng là cần có sự hỗ trợ từ chính phủ, mà có thể bắt đầu từ việc giới quan chức có sự quan tâm tới tự kỷ hoặc trong gia đình họ có người tự kỷ.
Tiến sĩ Andy Shih cũng thừa nhận rằng, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả Mỹ, các quan chức, những người có vị trí trong xã hội cũng ngại ngần nói ra rằng gia đình tôi có con hoặc cháu tự kỷ. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Nếu chúng ta có những chuyên gia từ nước ngoài tới hoặc mời những người có địa vị trong nước tham gia các sự kiện ở nước ngoài, có sự tham gia của những người có vị trí tương xứng với họ, cùng chung hoàn cảnh với họ, đã từng tham gia các hoạt động vì trẻ tự kỷ, thì họ sẽ thấy rằng, mình cũng không phải là trường hợp cá biệt, từ đó họ sẽ có động lực để tham gia hành động vì các em".
Ông cũng chia sẻ thêm về chuyến đến Trung Quốc, làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo nước này, và họ đã đồng ý trích 10 triệu USD từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ trẻ tự kỷ". Trên thực tế, Trung Quốc đã đưa khuyết tật tự kỷ vào luật cách đây 10 năm rồi, nhưng trong thời gian qua vẫn chưa thực sự tiến triển. "Một khi luật pháp chưa đưa tự kỷ vào nội dung chính thức thì việc lập một tổ chức phi Chính phủ, một hiệp hội gây quỹ cho sự phát triển của trẻ tự kỷ tại Việt Nam là điều rất khó khăn. Chính vì thế, bản thân các bậc phụ huynh phải tác động ở nhiều phương diện, không chỉ trong cộng đồng gia đình có trẻ tự kỷ, môi trường xung quanh mà còn phải quyết tâm vận động chính phủ để đạt được điều này" – Tiến sỹ Andy Shih nhấn mạnh.

Xem