Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hôm nay tổ chức diễn đàn đối thoại quốc gia về tăng cường thực hiện luật pháp và chính sách về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015
Trước đó, cơ quan này đã tổ chức diễn đàn đối thoại về chính sách bình đẳng giới với 63 tỉnh, thành phố để tìm hiểu những khó khăn mắc trong thực tế triển khai chương trình bình đẳng giới, các vấn đề ưu tiên, giải pháp phù hợp cho những vấn đề trước mắt và lâu dài cũng như đề xuất của địa phương.
Diễn đàn lần này đề xuất triển khai năm dự án trong chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 tập trung vào truyền thông nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới và năng lực cho nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu HĐND các cấp và nữ quản lý, lãnh đạo; giúp xây dựng phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ về bình đẳng giới.
Một số mô hình thí điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng như: hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, phát triển doanh nghiệp tại 10 cơ sở; xây dựng mười nhà giữ trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất; giảm thiểu tác hại của bạo lực giới tại 63 xã; mở dịch vụ về bình đẳng giới tại 30 xã miền núi, vùng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Đối thoại chính sách về bình đẳng giới (30/11/2011)
VH- Trong hai ngày 28 và 29.11, tại TP Huế, Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) và Tổ chức Bắc Âu trợ giúp tại Việt Nam (NAV) đã tổ chức diễn đàn “Đối thoại chính sách tăng cường xây dựng và thực hiện chính sách và chương trình có trách nhiệm giới tại khu vực miền Trung Việt Nam”.
Năm 2011 là năm đầu Việt Nam triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ với 5 trong tổng số 8 mục tiêu cơ bản hoàn thành trước thời hạn, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Hiện Việt Nam có chỉ số bình đẳng giới đứng thứ 58 trên tổng số 138 quốc gia, cao hơn nhiều nước trong khu vực.