Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Tổng kết Dự án “Cải thiện cơ hội việc làm và dịch vụ đối với người tàn tật Việt Nam”

12/11/2004

Sáng 12/11/2004, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Dự án “Cải thiện cơ hội việc làm và dịch vụ đối với người tàn tật Việt Nam”.

Dự án là một nội dung của chương trình hợp tác 5 năm giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Hoa Kỳ được triển khai từ tháng 3/2002 đến tháng 9/2004 với ngân sách 650.000 USD. Mục tiêu của Dự án nhằm góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp, thiếu hụt lao động lành nghề và vị thế thấp kém về kinh tế – xã hội của người tàn tật Việt Nam bằng cách tạo ra sự tự chủ về kinh tế và hội nhập xã hội cho người tàn tật thông qua việc làm của họ. Thông qua Hội trợ giúp người tàn tật Việt Nam và sự hợp tác của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Dự án được triển khai tới 10 Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh: Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ; Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương, Bến Tre và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Dự án đã đạt được các kết quả chính sau: - Cải thiện khung pháp lý và chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy vấn đề việc làm của người tàn tật thông qua việc góp phần ban hành Nghị định 116/CP và Thông tư hướng dẫn về việc làm cho người tàn tật; tổ chức các hoạt động tham vấn với cộng đồng, tạo sự hiểu biết tốt hơn về luật pháp và chính sách liên quan đến vấn đề việc làm của người tàn tật. - 10 TTDVVL tham gia Dự án đã có khả năng tiếp cận với người tàn tật. Cán bộ, nhân viên của các TTDVVL này được tập huấn nâng cao nhận thức về người tàn tật, kỹ năng cung cấp dịch vụ cho người tàn tật, điều chỉnh nơi làm việc và cách đào tạo cho người tàn tật. Tất cả các TTDVVL tham gia Dự án đã thiết lập được mối liên hệ tốt với người tàn tật tại địa phương cũng như với các nhà tuyển dụng muốn nhận người tàn tật vào làm việc. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã soạn thảo được một số tài liệu về đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người tàn tật và có thể sử dụng để tập huấn cho các TTDVVL chưa được tham gia Dự án. - Các nhà tuyển dụng, các tổ chức giới chủ nhận thức tốt hơn pháp luật về người tàn tật và lý do tuyển dụng người tàn tật. Cộng đồng (trong đó có gia đình và bản thân người tàn tật) hiểu biết hơn về các kỹ năng và khả năng của người tàn tật. Một số phóng viên báo chí, truyền thông được tập huấn nâng cao nhận thức về vấn đề người tàn tật. - 10 TTDVVL đã dạy nghề cho 322 người tàn tật, trong đó 260 người đã có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Hầu hết các TTDVVL tham gia Dự án đã cam kết tiếp tục dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật, thậm chí nhiều Trung tâm cho biết sẽ sử dụng nguồn kinh phí của mình cho các hoạt động trên. /. Thảo Lan (Tạp chí Lao động và Xã hội)
Xem