Ngày 16/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo: “Nâng cao năng lực thực hiện cam kết quốc tế về thanh tra lao động”. Tham dự hội thảo gồm đại diện của các đơn vị: vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Bộ, đại diện của USAID, của Văn phòng ILO Hà Nội cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án “ Hỗ trợ thực hiện pháp luật lao động và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa ở Việt Nam” do tổ chức Phát triển Hoa Kỳ USAID tài trợ, tại hội thảo này, một số vấn đề đã được nêu như tiêu chuẩn quốc tế về quản lý lao động và thanh tra lao động, việc triển khai thực hiện Công ước của ILO và đề xuất giải pháp.
Theo giới thiệu tổng quan về các Công ước ILO liên quan tới quản lý nhà nước về lao động và thanh tra lao động, Việt Nam hiện đã phê chuẩn 2/4 Công ước ưu tiên. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề đặt ra trong việc tiếp tục nghiên cứu phê chuẩn và triển khai áp dụng các Công ước 81 và 129 tại Việt Nam. Ví dụ như: vấn đề nội luật hóa các quy định của Công ước để có thể áp dụng cho Việt Nam, phổ biến các quy định của Công ước, thu thập, phân tích và cung cấp các số liệu thống kê về tình hình thực hiện các Công ước khi báo cáo cho ILO.
Trong phần đánh giá nhanh hệ thống Thanh tra Lao động Việt Nam, ông Jeff Wheeler và EJ Murtarh, đại diện của Ban Lao động Quốc tế, Bộ Lao động Hoa Kỳ, đã có nêu lên một số thách thức và rủi ro gặp phải khi trao đổi thông tin và điều phối giữa bên trong và bên ngoài, cũng như việc thu thập, chia sẻ và tiếp cận thông tin và các cơ sở dữ liệu của cơ quan, tổ chức .v.v. Để có các báo cáo tốt và đầy đủ, vai trò của thông tin dữ liệu về công tác thanh tra đóng một vai trò rất lớn. Việc thu thập thông tin dữ liệu như xác định những vi phạm thường gặp và xu hướng, đánh giá cải thiện tình hình kết quả hoạt động, xác định các nhu cầu về nguồn lực (phần cứng, phần mềm v.v.) cần phải được xây dựng một cách bài bản có có mục tiêu rõ rệt.
Ông cũng nhấn mạnh có thể tăng cường sự tuân thủ pháp luật lao động phải thông qua cải thiện sự hợp tác phối hợp, đối thoại và đào tạo bằng cách lồng ghép vào các hoạt động đào tạo, chia sẻ thông tin và xây dựng kế hoạch hợp tác phối hợp bền vững.
Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận về kinh nghiệm quản lý nhà nước về lao động và thanh tra lao động của một số quốc gia khác trong việc áp dụng các Công ước vào thực tế của nước mình.