Những ngày đầu tháng 12, theo tỉnh lộ 202 rồi vượt đèo Ròn Rù, Nà Sang cao ngất cùng những khúc cua tay áo liên tục, chúng tôi đặt chân tới khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) - địa danh đã đi vào lịch sử, nơ ghi dấu sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Vẫn âm u đại ngàn xanh ngắt nhưng giờ đây rừng Trần Hưng Đạo đã được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh đường giao thông đến nhà bia, nhà đón tiếp, trở thành Khu di tích xếp hạng Quốc gia, điểm du lịch văn hoá lịch sử hấp dẫn của tỉnh Cao Bằng.
Đưa chúng tôi ngược 500 bậc lên điểm cao nhất của cánh rừng lịch sử, từng là sân quan sát của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày nào, anh Mông Văn Bốn (dân tộc Tày), hướng dẫn viên duy nhất của Khu di tích vừa ôn lại những ngày gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng của những đội viên - chiến sĩ quân đội đầu tiên. Trên vùng đất lịch sử năm sưa, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tam Kim hôm nay đang đổi mới từng ngày. Những công trình điện, đường, trường trạm đã được kiên cố hoá, đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Anh Nông Chí Công, Bí thư Đảng uỷ xã vui vẻ cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, Tam Kim giờ đây đã cơ bản xoá hộ đói, số hộ nghèo giảm xuống dưới 15%, tất cả 13 thôn bản đều có đường ôtô đến tận nơi, 30% số hộ có xe máy, 60% hộ có phương tiện nghe nhìn hiện đại. Do biết chuyển đổi tập quán canh tác mới, tích cực đưa giống mới vào sản xuất, sản lượng lương thực của toàn xã năm 2004 ước đạt trên 2.000 tấn, nâng mức lương thực bình quân lên 450 kg/người/năm, cao hơn bình quân chung của huyện khoảng 10%. Trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở có mức đầu tư gần 2 tỷ đồng vừa xây xong. Đời sống kinh tế chuyển biến, văn hoá xã hội cũng lên theo, 100% trẻ em ra lớp đúng độ tuổi, cả xã có 2 bản văn hoá cấp tỉnh…
Cùng cán bộ xã xuống các thôn bản cùng bà con mừng cơm mới, lễ tạ trời đất cho một vụ mùa bội thu, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những thay đổi trên miền đất giàu truyền thống cách mạng này. Các công trình giao thống thiết yếu: Cầu Phai Khắt, cầu Bản Um, cầu Nà Phiểng đã hoàn thành với tổng vốn đầu tư hàng tỷ đồng. Hệ thống kênh mương nội đồng dài 11 km được kiên cố hoá, tạo điều kiện cho hơn 240 ha đất trồng lúa đủ nước tưới tiêu, nâng cao năng suất. Những cánh đồng ngô vụ đông sắp trổ cờ tốt bời bời, chủ yếu là các giống ngô lai mới: DK999, 888, LN10… Đáng mừng hơn, một số hộ đồng bào dân tộc Dao, Ngái, Tày đã biết phát triển kinh tế gia đình theo mô hình sản xuất hàng hoá như: ông Trương Công Hoan (bản Pác Cáp) lúc nào cũng duy trì đàn lợn trên 30 con; ông Nông Văn Toại (bản An Mã) nuôi đến 40 con trâu, bò… Xã cũng đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông lâm nghiệp, cơ giới hoá sản xuất bằng việc tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp, các dự án hỗ trợ người dân vay vốn, mua sắm trên 100 máy cày tay, phát triển diện tích trồng trúc, hồi. Đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay, đồng bào các dân tộc ở Tam Kim càng vui hơn khi được cán bộ công nhân viên, chiến sĩ Bộ Quốc phòng tặng cho một nhà văn hoá trung đồ sộ, hiện đại trên 200 ghế ngồi trị giá trên 1 tỷ đồng với đầy đủ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, thư viện… tạo điều kiện cho bà con tổ chức các hoạt động văn hoá, sinh hoạt cộng đồng. Công trình tôn tạo Khu di tích lịch sử Trần Hưng Đạo cũng mới được khởi công góp phần nâng cao giá trị lịch sử, làm đẹp thêm quê hương Tam Kim anh hùng.
"Suối em nhỏ nhưng thượng nguồn sông Hiến
Đất em nghèo nhưng rực rỡ chiến công…"
Tiếng đàn tính và điệu hát then chia tay dặt dìu, tha thiết cất lên, anh Tô Đình Hải, chủ tịch UBND xã với theo: "Sắp tới Tam Kim sẽ ra khỏi danh sách các xã hưởng chương trình 135". Khi đó, cảm giác bồi hồi, mừng vui khi trở lại quê hương cách mạng chắc chắn sẽ còn được nhân lên gấp bội.
Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)