Bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ là mục tiêu quan trọng được toàn thể nhân loại tiến bộ quan tâm thực hiện trong nhiều thập kỷ qua. Năm 1910, Hội nghị phụ nữ lần thứ 2 được tổ chức ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày quốc tế phụ nữ. Việc lựa chọn này nhằm nhớ ơn hàng triệu phụ nữ trên thế giới đã dũng cảm đấu tranh vì quyền lợi chính đáng cho nữ giới, đem lại một thế giới hòa bình và phát triển.
Ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Nhà nước ta đã xác định rõ tư tưởng tiến bộ này trong hệ thống pháp luật. Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quy định "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”, chính sự thừa nhận này đã đem lại cho phụ nữ Việt Nam cơ hội được bình đẳng với nam giới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua tiến trình lịch sử, quy định tiến bộ nêu trên tiếp tục được kế thừa, phát triển trong các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992. Từ đạo luật cao nhất trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước, quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới đã từng bước được cụ thể hóa trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật chuyên ngành. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3, chúng ta cùng nhau nhìn lại những thành tựu bình đẳng giới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong 65 năm qua:
Trước hết, trong lĩnh vực lập pháp: để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, qua các mốc thời gian, nhiều đạo luật đã được ban hành với những quy định tiến bộ nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới như: năm 1959, Luật Hôn nhân và Gia đình đã đề cập tới việc bảo đảm hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; vợ, chồng bình đẳng và cấm tệ ngược đãi trong gia đình. Những quy định này tiếp tục được kế thừa trong Luật Hôn Nhân và Gia đình thay thế vào các năm 1986 và 2000. Năm 1994, Bộ Luật Lao động đầu tiên của nước ta đã dành riêng một chương quy định việc bảo đảm quyền và lợi ích của lao động nữ. Năm 1995, Bộ Luật Dân sự ra đời quy định trong quan hệ dân sự, các bên bình đẳng, không phân biệt giới tính. Năm 2000, Luật Hôn nhân và Gia đình mới đã yêu cầu thực hiện việc ghi tên cả vợ và chồng trong giấy chứng nhận tài sản đăng ký thuộc quyền sở hữu chung và lần đầu tiên lao động trong gia đình được coi là hoạt động có tạo ra thu nhập. Năm 2001, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội được ban hành, quy định việc đảm bảo tỷ lệ nữ thích đáng tham gia trong Quốc hội...Đặc biệt, việc ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 là thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp bình đẳng giới ở nước ta. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao và gia đình trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, cùng với sự phát triển của đất nước thì vai trò, vị trí của phụ nữ trong tham gia các hoạt động chính trị - xã hội được từng bước cải thiện, mà biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XII đạt 25,7%, tăng hơn 20% so với nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên (đạt 3%). Chúng ta tự hào khi Việt Nam liên tục nằm trong nhóm nước dẫn đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ này. Mốc son trong lịch sử phát triển của phụ nữ chính là sự kiện bà Nguyễn Thị Định được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước) vào năm 1987. Đây là chức danh cao nhất từ trước tới nay do phụ nữ đảm nhiệm trong hệ thống chính trị. Kể từ đó đến nay, nhiệm kỳ nào chúng ta cũng có một nữ Phó Chủ tịch nước và ngày càng nhiều phụ nữ giữ các chức vụ cao cấp trong hệ thống chính trị.
Thứ ba, trong những năm qua, tỷ lệ phụ nữ có việc làm tạo ra thu nhập ngày càng tăng. Đặc biệt, nhiều chị em đã khẳng định được vị trí, năng lực của mình trong các lĩnh vực trước đây được coi là chỉ dành riêng cho nam giới như: nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, các ngành công nghệ mới, kỹ thuật cao, kinh doanh, thể thao…Trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, nhiều chị em phụ nữ cũng đã đạt được thành tích đáng khích lệ, tiêu biểu là: trong 25 năm qua, đã có 15 tập thể và 31 cá nhân các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng được Uỷ ban Giải thưởng Việt Nam trao giải Kovalevskaia (trong đó có 10 Giáo sư, 17 Phó Giáo sư, 53 Tiến sĩ, 2 Thầy thuốc Nhân dân, 8 Nhà giáo Nhân dân)... Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2009, Chỉ số phát triển giới (GDI) của nước ta đạt 0,723 và bằng 99,7% so với chỉ số phát triển con người (HDI) - chứng tỏ bình đẳng giới trong phát triển con người ở Việt Nam đã đạt được khá cao.
Nhìn lại thành tựu đã đạt được trong những năm qua, chúng ta phấn khởi và tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, vẫn còn những vấn đề tồn tại như: trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phụ nữ còn bất cập trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước; tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo ở các cấp còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của phụ nữ; đời sống của một bộ phận phụ nữ còn khó khăn, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nhận thức của xã hội và của bản thân phụ nữ về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế...
Chính vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3/2010, các ngành, các cấp và toàn xã hội cần chung sức, đồng lòng trong xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện tốt sự nghiệp bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để tạo nên sức mạnh tổng hợp chung trong triển khai pháp luật về bình đẳng giới; đầu tư nguồn nhân lực và kinh phí cho công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới từ Trung ương đến cơ sở.
Thứ hai, hệ thống chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và nhất là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc hoạch định, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ. Nhiệm vụ này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không chỉ trong Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt pháp luật bình đẳng giới. Đặc biệt, cần đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới, tập trung tuyên truyền cho những người có ảnh hưởng lớn tới công tác này như các cấp lãnh đạo, nhà giáo và nhà báo.
Thứ tư, thực hiện tốt bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, thông tin, thể thao, văn hóa và gia đình. Lồng ghép có hiệu quả vấn đề bình đẳng giới vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách, chương trình hành động quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành. Xây dựng mô hình điểm về bình đẳng giới. Thực hiện tốt Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
Thứ năm, cần nâng cao năng lực cho phụ nữ, trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ phấn đấu vươn lên, tạo nguồn cán bộ kế cận và đề bạt cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu mới. Phát triển hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo và phát động chiến dịch vận động nam giới chia sẻ trách nhiệm gia đình.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới./.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội