Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Công tác huấn luyện ATVSLĐ và định hướng phát triển

10/04/2012

Huấn luyện là một trong những hoạt động đào tạo nhằm cung cấp những kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cho người học giúp họ có thể chủ động xử lý những tình huống, vấn đề gặp phải trong thực tiễn. Các hoạt động huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao động (ATVSLĐ) làm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi ứng xử chuẩn mực hơn trong công tác ATVSLĐ, là một trong những hoạt động phòng ngừa tích cực, đòi hỏi phải được quan tâm và ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATVSLĐ.


Thực trạng công tác huấn luyện ATVSLĐ

Theo qui định pháp luật hiện hành, ước tính mỗi năm nhu cầu huấn luyện là khoảng 165 nghìn người sử dụng lao động, 200 nghìn người làm công tác ATVSLĐ và khoảng 23 triệu người lao động (chưa tính trong khu vực phi kết cấu).
Theo kết quả điều tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2010 tại 10 tỉnh cho thấy: có 62% số người sử dụng lao động, người lao động chưa được huấn luyện và hơn 70% số người được điều tra đánh giá chương trình huấn luyện chỉ có lý thuyết, thiếu thực hành và thực tiễn. Đội ngũ giảng viên thiếu và chưa được đào tạo bài bản, chưa có kỹ năng sư phạm và chưa đáp ứng được nhu cầu huấn luyện. Thống kê từ Hồ sơ quốc gia về An toàn - vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ cho thấy, mỗi năm trung bình có khoảng hơn 1 triệu lượt người được huấn luyện (kể cả nông dân). Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chính sách hiện hành có một số hạn chế, như:

- Có nhiều cơ quan được giao trách nhiệm, nhiều tổ chức có chức năng huấn luyện ATVSLĐ nhưng chưa có tiêu chí rõ ràng đối với các tổ chức này (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tài liệu), do vậy đã làm hạn chế chất lượng, hiệu quả của công tác huấn luyện, cũng như việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động huấn luyện.

- Đã qui định nội dung huấn luyện chung, nhưng chưa có hướng dẫn xây dựng chương trình khung theo một chuẩn mực nhất định để đảm bảo các chương trìnhhuấn luyện được xây dựng một cách khoa học, do đó các chương trình huấn luyện được thiết kế phần lớn phụ thuộc vào người tổ chức, người đặt hàng vàthường bị cắt xén, ít chú ý đến khâu thực hành để đảm bảo sự thuần thục về kỹ năng.

- Nhiều đơn vị khi tổ chức huấn luyện không đủ thông tin để tìm được giáo viên huấn luyện phù hợp.

- Khái niệm người sử dụng lao động chưa thật sự thống nhất vớiqui định tại Điều 102 và Điều 6 Bộ luật Lao động; Đối tượng người làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sởcũng cần bổ sung thêm: an toànvệ sinh viên, cán bộ tư vấn giám sát theo Luật Xây dựng chịu trách nhiệm ATVSLĐ tại công trường...

- Việc huấn luyện cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ do một số cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức cũng gặp những vướng mắc nhất định do: Các chi phí đi học do doanh nghiệp trả cần phải có hoá đơn, trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước lạikhông thể xuất hoá đơn. Điều 188, Bộ luật Lao động qui định “Thanh tra viên lao độngphải là người không có lợi ích cánhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với đối tượng thuộc phạm vi thanh tra”, do vậy,việc các Ban thanh tra đứng ra tổ chức các khoá huấn luyện có thu phí cũng không phù hợp. Ngoài ra, việc giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước về huấn luyện tổ chức huấn luyện có thu phí không còn phù hợp với Khoản 4, Điều 7, Nghị định 178/2007/NĐ-CP, qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ về nội dung cải cách hành chính qui định: “Thực hiện phân công, phân cấp cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc bảo đảm tách rõ quản lý Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp Nhà nước; Trình Chính phủ quyết định việc phân cấp nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực cho chính quyền địa phương”.

Kinh nghiệm quốc tế trong công tác huấn luyện

Tại Thái Lan, Bộ Lao động nước này đã ban hành tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ huấn luyện,áp dụng việc cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện khi thoả mãn các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị; giáo viên; tài liệu;Chương trình huấn luyện. Đồng thời tiến hành kiểm soát giá cả huấn luyện, quản lý danh sách học viên là cán bộ an toàn. Hàng năm, Cục Bảo hộ lao động và Trợ cấp sẽ tiến hànhkiểm tra tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện và tập huấn cập nhật thông tin cho họ.

Luật pháp Hàn Quốc lại qui định người sử dụng lao động có thể giao nhiệm vụ tổ chức huấn luyện tại doanh nghiệp cho các đối tượng: Cán bộ chuyên trách về ATVSLĐ, các giám sát viên, bác sỹ lao động thuộc doanh nghiệp. Tuy nhiên,người sử dụng lao động có thể thuê các cơ quan, tổ chức, các giảng viên có kiến thức, kinh nghiệm phù hợp và có bằng cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động cấp để huấn luyện. Hàn Quốcqui định những trường hợp người sử dụng lao động được miễn trừ việc huấn luyện như: chủ sử dụng đã hoàn thành những khoá huấn luyện đặc biệt có chứng nhận; Chủ sử dụng lao động có giám sát viên đã có chứng nhận huấn luyện; Những doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ, có tỷ lệ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở mức thấp. Ngoài ra,với 39 đối tượng làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh lao độnghoặc cán bộ quản lý an toàn vệ sinh lao động, thanh tra viên, bác sỹ lao động thì có các qui định nội dung chương trình cụ thể cho từng công việc.

Luật An toàn - Vệ sinh lao động trong Công nghiệp của Nhật Bản qui định: Tiêu chuẩn cụ thểđối với từng loại giáo viên hướng dẫn lý thuyết, thực hành theo từng môn;Tiêu chuẩn giáo viên, cơ sở vật chất (nhà xưởng, thiết bị), cán bộ quản lý, thủ tục, trình tự để các cơ sở huấn luyện đăng ký tổ chức các khoá huấn luyện với cơ quan có thẩm quyền. Giấy phép có giá trị 5 đến 10 năm; Các cơ sở đã được cấp đăng ký huấn luyện phải lập kế hoạch huấn luyện và huấn luyện theo kế hoạch; 37 chức danh công việc có vai trò quan trọng trong việc giám sát, tổ chức thực hiệnan toàn - vệ sinh lao động tại cơ sở hoặc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được giảng dạy theo nội dung do Luật qui định. Học viên phải tham dự đủ 95% số giờ thực hành trở lên mới được tham gia thi sát hạch.

Định hướng phát triển công tác huấn luyện

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và từ thực tiễn trong nước, trong những năm tới chúng ta cần hoàn thiệnchính sách huấn luyện ATVSLĐ theo hướng sẽ sửa đổi chính sách hiện nay thông qua việc xây dựng, sửa đổi đồng bộ có hệ thống từ Bộ luật Lao động, Luật An toàn - vệ sinh lao động; thống nhất với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh Phí và Lệ phí... theo định hướng sau:

1- Hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, nghĩa là xã hội hóa các hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Đây là thực hiện một trong3 khâu đột phá chiến lược trong chủ trương của Đại hội XI của Đảng và được xác định là khâu đột phá hàng đầu, mang lại hiệu quả cao nhất, có tác dụng thúc đẩy 2 khâu đột phá còn lại. Thực hiện xã hội hóa nhưng để đảm bảo chất lượng và hướng đến sự chuyên nghiệp trong huấn luyện cần nghiên cứu, xây dựng các qui định về điều kiện, tiêu chí đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ như:
- Trụ sở: tiêu chuẩn phòng học lý thuyết, thực hành...;
- Thiết bị huấn luyện phù hợp với nội dung huấn luyện: thiết bị tối thiểu cần có để đảm bảo thực hành theo các chuyên đề an toàn máy, an toàn điện, ...;
- Đội ngũ giảng viên: số lượng giảng viên cơ hữu, tiêu chuẩn trình độ và kinh nghiệm của giảng viên, nội dung được giảng dạy theo chuyên môn và kinh nghiệm;
- Cán bộ quản lý: số lượng và trình độ;
- Tài liệu, chương trình huấn luyện;
- Xây dựng các chế tài đối với các hành vi vi phạmpháp luật trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao động.
2 -Tăng cường quản lý Nhà nước và thực hiện cải cách hành chính trong quản lý Nhà nước đối với các hoạt động huấn luyện.

- Làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệmcủa các cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác huấn luyện ATVSLĐ, đồng thời tách bạch rõ với hoạt động sự nghiệp theo qui định tại Nghị định 178/2007/NĐ-CP; Phân cấp quản lý, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

- Qui định về đăng ký cung cấp dịch vụ và báo cáo kết quả huấn luyệncủa các cơ sở cung cấp dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động nhằm tăng cường sự giám sát của các cơ quan quản lý với các hoạt động huấn luyện.Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác huấn luyện thông qua việc giám sát chặt các hoạt động huấn luyện đào tạo cán bộ an toàn vệ sinh lao động, đội ngũ đóng vai trò nòng cốt trong công tác an toàn - vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; Chuyển hướng trọng tâmgiám sát công tác huấn luyện tại khoảng 500 ngàn doanh nghiệp sang giám sát các cơ sở cung cấp dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ.

3 - Hướng dẫn về phí huấn luyện, chương trình khung huấn luyện
- Phí huấn luyện: Để qui định được phí huấn luyện cần phải có chương trình khung cụ thể để làm cơ sở tính phí (nội dung, thời lượng chương trình huấn luyện, yêu cầu cơ sở vật chất...). Về vấn đề này, Bộ cần phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cụ thể và đưa vào Pháp lệnh Phí và Lệ phí.

- Chương trình khung: Cần đưa ra hướng dẫn nguyên tắc về xây dựng chương trình khung. Các chương trình khung sẽ được xây dựng sau khi có nghiên cứu đề xuất của các nhóm chuyên gianhằmđưa ra được những chương trình phù hợp.Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ban hành các chương trình khung cho công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn – vệ sinh lao động; chương trình khung huấn luyện cho cán bộ an toàn – vệ sinh lao động- Đây là các đối tượng cần có sự giám sát nghiêm ngặt hơn trong huấn luyện. Hướng dẫncơ chế áp dụng trong khi chưa có các chương trình khung.

4- Hỗ trợ cung cấp thông tin về các tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện, giáo viên, các chương trình khung trên mạng Internet để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu huấn luyện có thể liên hệ tìm giáo viên, tìm hiểu chương trình đào tạo, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện. Công bốcông khai cácđơn vị cung cấp dịch vụ huấn luyện vi phạm phạm luật trong hoạt động huấn luyện
5 - Xây dựng Trung tâm Huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động quốc gia trực thuộc Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng bộ, hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn ngang bằng với các Trung tâm trong khu vực Đông Nam Á. Trên diện tích đất 2,3 ha dự kiến sẽ xây dựng công trình khép kín từ khu kí túc, khu giải trí thể thao, văn hóa, khu giảng đường, các khu thực hành theo chuyên đềnhư xây dựng, điện, thiết bị áp lực, máy nâng, đo kiểm môi trường lao động. Trung tâm sẽ là cơ sở đào tạo giảng viên nguồn, kiểm định viên cho các cơ sở cung cấp dịch vụ huấn luyện, kiểm định (chính sách xã hội hóa) trong cả nước./.

Ths. Hà Tất Thắng
Cục trưởng Cục An toàn lao động
Xem