Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Lập kế hoạch về Công tác xã hội và lực lượng thực hiện dịch vụ công tác xã hội

26/04/2022

Trong khuôn khổ Hội nghị liên ngành khu vực ASEAN về thúc đẩy thực hiện Lộ trình triển khai Tuyên bố Hà Nội được tổ chức vào ngày 26-28/4/2022, các đại biểu được nghe chia sẻ từ giám đốc và chuyên gia cao cấp của Liên minh lực lượng thực hiện dịch vụ xã hội toàn cầu (GSSWA) về các nội dung bao gồm: (i) chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động; (ii) cơ sở lý luận về việc thiết lập tỷ lệ nhân viên CTXH tối thiểu trên một đơn vị dân số; (iv) tăng cường vai trò của CTXH trong các lĩnh vực chuyên ngành (tư pháp, giáo dục, y tế).

ctxh.jpg

Ảnh minh họa

Liên quan đến việc chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động, các quốc gia cần thiết lập và thúc đẩy các khung pháp luật và chính sách về CTXH. Đây cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về thúc đẩy CTXH hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Luật pháp, chính sách và kế hoạch chiến lược cụ thể của mỗi quốc gia tập trung vào việc tăng cường CTXH và phát triển lực lượng thực hiện dịch vụ xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Để hiệu quả, các luật pháp, kế hoạch, chiến lược nên được xây dựng theo hướng dẫn quốc gia và quốc tế. Hội nghị nhấn mạnh, chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động phải bao gồm: xây dựng các tiêu chuẩn và hệ thống giáo dục nghề nghiệp và phát triển nghề nghiệp thường xuyên; giám sát nghiệp vụ; kiểm định các khóa đào tạo và giáo dục; chứng nhận và cấp phép cho các nhân viên CTXH chuyên nghiệp và các ngành nghề liên quan; và thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia.

Hội nghị kêu gọi các nước thành viên ASEAN (AMS) tăng cường và làm rõ vai trò của nhân viên CTXH và lập kế hoạch lực lượng lao động dựa trên các yêu cầu về nguồn nhân lực để đưa ra tầm nhìn quốc gia về hệ thống phúc lợi xã hội. Điều này sẽ giúp thiết lập tỷ lệ lao động xã hội tối thiểu trên một đơn vị dân số - một bước lập kế hoạch cơ bản.
Chuyển sang phần cơ sở lý luận về việc thiết lập tỷ lệ nhân viên CTXH tối thiểu trên một đơn vị dân số, theo Tư vấn cấp cao của GSSWA, các quốc gia nên xem xét các vấn đề bao gồm: mật độ dân số; mức độ và bản chất nhu cầu của dân số; nhiệm vụ chính sẽ được giao cho nhân viên CTXH; trình độ chuyên môn, kỹ năng và năng lực của họ; việc phân bổ ngân sách, đia lý… Hội nghị đã dành một khoảng thời gian tham vấn để các đại biểu thảo luận, đưa ra ý kiến cho dự thảo hướng dẫn khu vực ASEAN về tỷ lệ nhân viên CTXH tối thiểu trên một đơn vị dân số, trong đó tập trung vào 3 câu hỏi cụ thể: (1) các nước hưởng lợi như thế nào về hướng dẫn về tỷ lệ nhân viên công tác xã hội trên đơn vị dân số; (2) các quốc gia có sẵn sàng áp dụng và sử dụng tỷ lệ này không, nếu không thì có cách nào khác để tăng cường hiệu quả của lực lượng thực hiện dịch vụ xã hội; (3) các quốc gia đã sử dụng hay có kế hoạch áp dụng tỷ lệ không. Kết quả thảo luận chỉ ra rằng, hầu hết các nước ASEAN ủng hộ. Công thức tính nhân viên CTXH trên dân số là cách mà nhiều quốc gia đang áp dụng. Tuy nhiên cần có các tỷ lệ riêng biệt về số nhân viên CTXH được đào tạo trên mỗi đơn vị dân số và các tỷ lệ này cũng cần có sự phân biệt theo các lĩnh vực khác nhau.
Trên cơ sở bài trình bày giới thiệu Tài liệu hướng dẫn khu vực ASEAN về vai trò của nhân viên CTXH trong các lĩnh vực chuyên ngành, Hội nghị ghi nhận một số giải pháp thiết thực nhằm tăng cường vai trò của nhân viên CTXH như: tăng cường huấn luyện và cố vấn trong thực hành CTXH; tăng cường học tập tại nơi làm việc liên quan đến việc trở thành những người hành nghề an toàn và có năng lực (nơi làm việc có nghĩa là làm việc trực tiếp với trẻ em, gia đình và cá nhân có nhu cầu như tại nhà của họ, trong cộng đồng..); xác định năng lực cốt lõi và chức năng của nhân viên xã hội và nhân viên dịch vụ xã hội trong các vai trò khác nhau, các lĩnh vực khác nhau (y tế, giáo dục, tư pháp…) đồng thời đảm bảo đào tạo dựa trên năng lực và hỗ trợ liên tục; thúc đẩy công nhận nghề nghiệp của CTXH cũng góp phần hỗ trợ việc duy trì, nâng cao vai trò của nhân viên CTXH trong nghề.
Trong phần thảo luận toàn thể, đã có nhiều ý kiến thống nhất về tầm quan trọng của việc đăng ký nhân viên CTXH sẽ hỗ trợ cho việc tăng cường chất lượng dịch vụ cũng như góp phần chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động. Các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận đối với dự thảo hướng dẫn ASEAN về vai trò của nhân viên CTXH trong các lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể gồm 3 tài liệu hướng dẫn về thúc đẩy vai trò của CTXH trong giáo dục, y tế và tư pháp. Kết quả thảo luận cho thấy, việc tăng cường và mở rộng lực lượng lao động đòi hỏi nguồn lực tài chính. AMS cần phải tăng cường phân bổ và đảm bảo chi tiêu hiệu quả và hiệu quả các nguồn lực được phân bổ. Hầu hết các nước đều có hệ thống vĩ mô quản lý về CTXH (các ngành quản lý liên quan như y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, tư pháp…). Song, việc chuyên môn hóa cho nhân viên CTXH còn ít được đề cập. Do đó, cần đảm bảo việc điều phối thực hiện ở cấp Bộ và các cơ quan chuyên ngành ở cấp địa phương; khuyến khích sự tham gia của các Bộ, ngành; cần tăng cường đào tạo, đặc biệt đào tạo trong các lĩnh vực chuyên ngành; tăng cường trao đổi giữa các cơ quan chuyên ngành với nhau.
Xem