Trong hơn 2 thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo của nước ta được đánh giá là “ấn tượng”, góp phần ổn định xã hội, đời sống người nghèo từng bước được cải thiện, bộ mặt xã nghèo có sự thay đổi rõ nét. Đạt được kết quả này, bên cạnh nguồn lực đầu tư xã hội, hệ thống chính sách giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo.
Chính sách giảm nghèo từng bước được hoàn thiện, trở thành hệ thống chính sách, tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống của người nghèo; một số chính sách đã tác động có hiệu quả đến giảm nghèo như y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi; tỷ trọng ngân sách dành cho thực hiện chính sách chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn giảm nghèo (63%).
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, bộc lộ một số điểm tồn tại, hạn chế trong chính sách giảm nghèo, cụ thể:
-
Có quá nhiều chính sách dẫn đến phân tán nguồn lực, tác động chưa rõ nét tới đối tượng thụ hưởng; Tỷ trọng chính sách hõ trợ sinh kế còn thấp, mà đây chính là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững;
-
Một số chính sách chưa hiệu quả, còn mang tính bao cấp, tạo ra sự ỷ lại, chưa khuyến khích tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo;
-
Độ bao phủ chính sách chưa cao do tiếp cận đo lường nghèo mới chỉ dựa vào thu nhập, chưa tính đến sự thiếu hụt về các nhu cầu của người nghèo; chưa cân đối giữa các chính sách đối với người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, mới thoát nghèo.
Vì vậy để nâng cao hiệu quả của các chính sách giảm nghèo, phù hợp với yêu cầu thực tế, việc rà soát, đánh giá chính sách là cần thiết, nhằm thiết kế lại chính sách giảm nghèo phù hợp hơn trong bối cảnh mới theo hướng:
-
Tổ chức rà soát, đánh giá, thiết kế lại các chính sách giảm nghèo theo hướng gọn đầu mối, tập trung nguồn lực hướng vào đối tượng thụ hưởng để tạo sự tác động rõ nét, đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với các nhóm đối tượng, các vùng miền;
-
Sửa đổi cơ chế quản lý điều hành chương trình giảm nghèo theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng trên cơ sở đổi mới phương thức lập và giao kế hoạch hàng năm sang lập và giao kế hoạch trung hạn ( 3-5 năm);
-
Tổ chức xây dựng đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, xây dựng chuẩn mực sống tối thiểu, chuẩn nghèo chính sách đề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, áp dụng sau năm 2015.
Việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo trong thời gian tới cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
-
việc xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững phải đảm bảo sự thống nhất và có lồng ghép; những chính sách đang phát huy hiệu quả cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện; các chính sách còn hạn chế, có vướng mắc cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế;
-
Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng: mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo;
-
Chính sách hỗ trợ giảm nghèo phải đặc biệt quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững;
-
Định hướng giảm nghèo trong thời gian tới cần phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể theo hướng có lộ trình, phân loại đối tượng và chính sách để giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo
Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh VPQG về Giảm nghèo