Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Công tác bình đẳng giới: một số kết quả đạt được năm 2013 và định hướng hoạt động năm 2014

18/04/2014

Theo đánh giá của Liên hợp quốc tại Báo cáo phát triển con người năm 2013, chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam đứng thứ 48/150 quốc gia được xếp hạng. Báo cáo nghiên cứu thường niên Khoảng cách giới toàn cầu (GGG) 2013 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy, vẫn chưa có một quốc gia nào đạt được bình đẳng giới. Việt Nam được xếp hạng thứ 73 trong tổng số các quốc gia được xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giới, đứng sau một số quốc gia trong khu vực ASEAN là Phi-líp-pin (thứ 5), Xin-ga-po (thứ 58), Lào (thứ 60) và Thái Lan (thứ 65).

Ở Việt Nam, sau gần 8 năm triển khai Luật Bình đẳng giới, đến nay, công tác bình đẳng giới đã được triển khai ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương và dần đi vào nề nếp, ổn định. Năm 2013, công tác bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực ở cả cấp độ quốc gia và ở các Bộ, ngành, địa phương.
Một số kết quả tiêu biểu đạt được trong năm 2013
Về xây dựng và triển khai thi hành pháp luật bình đẳng giới
- Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động hơn so với trước. Năm 2013, Hiến pháp và hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: Hiến pháp, Luật, Nghị định, Quyết định và Thông tư) liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới đã được các cơ quan ban hành theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số Chiến lược, Chương trình, chính sách được ban hành trong năm cũng đã quan tâm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như: Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020; Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;…
- 41 tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, 09 tỉnh, thành phố và một số Bộ, ngành cũng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bình đẳng giới. Một số Ban Cán sự Đảng Bộ đã quan tâm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác cán bộ nữ…
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới
Năm 2013 đánh dấu một năm có nhiều hoạt động tuyên truyền ấn tượng về bình đẳng giới. Tiêu biểu là ba sự kiện lớn sau: 1) “Diễn đàn đối thoại chính sách về bình đẳng giới” do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trưởng Điều phối viên Liên hợp quốc đồng chủ trì với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan và tổ chức phát triển, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam; Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam kết hợp với Tọa đàm cấp cao bàn giải pháp tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo; Chiến dịch “Chung tay phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số Bộ ngành liên quan phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và các tổ chức phi chính phủ tổ chức… Thông qua các hoạt động nêu trên, hàng trăm nhà lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ Hội phụ nữ và Hội nông dân đã trực tiếp được tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, góp tiếng nói ủng hộ cho công tác bình đẳng giới được triển khai thuận lợi hơn.
Về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới
- Tổ chức bộ máy về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm kiện toàn: Ở trung ương, Ủy ban Dân tộc chuyển giao trách nhiệm tham mưu nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới từ Vụ Tổng hợp sang Vụ Dân tộc thiểu số thực hiện; Bộ Công an giao cho Cục công tác đảng và công tác quần chúng thực hiện. Ở địa phương, đã có thêm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh thành lập Phòng Bình đẳng giới. Như vậy, hiện nay, cả nước đã có 13 địa phương thành lập được Phòng Bình đẳng giới hoặc bổ nhiệm được trưởng Phòng Bình đẳng giới tại các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội[1], còn lại được giao trong nhiệm vụ của Văn phòng Sở hoặc một phòng nghiệp vụ khác.
- 100% tỉnh, thành phố đã thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tới cấp huyện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg về việc thành lập, kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
Về công tác xây dựng, duy trì các mô hình cung cấp dịch vụ, hỗ trợ bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới
Năm 2013, cả nước đã xây dựng, duy trì các Mô hình thực hiện bình đẳng giới như: Mô hình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp; Mô hình thí điểm xây dựng nhà giữ trẻ trong cơ quan, trung tâm dạy nghề và các khu công nghiệp, khu chế xuất; Mô hình hỗ trợ 315 xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại 30 xã, phường, thị trấn ở miền núi, vùng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số; thí điểm thành lập và vận hành Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ thực hiện hoạt động bình đẳng giới tại một số tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, một số mô hình hỗ trợ phụ nữ và bình đẳng giới khác đã được triển khai khá hiệu quả như: Mô hình Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Thái Bình; Mô hình Nhóm tư vấn cộng đồng dưới hình thức Câu Lạc bộ về bình đẳng giới và hôn nhân gia đình;… Các mô hình đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội cũng như các cấp
chính quyền địa phương trong việc quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới thực chất.
Về công tác bố trí kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới
Kinh phí triển khai thực hiện bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới ở các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục được bố trí. Riêng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, năm 2013, ngân sách trung ương bố trí kinh phí thực hiện Chương trình là 40 tỷ đồng, trong đó: để thực hiện các nhiệm vụ ở cấp Trung ương là 12,91 tỷ đồng và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương là 27,09 tỷ đồng. Ngoài nguồn ngân sách, hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ còn được huy động từ các nguồn tài trợ của quốc tế.
Về hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới
Trong năm 2013, Chính phủ tham gia có hiệu quả và đóng góp tích cực trên các diễn đàn song phương và đa phương ở khu vực và toàn cầu về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ. Năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã cử các đoàn công tác tham dự các cuộc họp quan trọng như: Khóa họp thường niên lần thứ 57 của Ủy ban địa vị phụ nữ tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York với Chủ đề “Xóa bỏ và ngăn chặn tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; khóa họp của Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của Phụ nữ và Trẻ em ASEAN; Diễn đàn APEC về Phụ nữ và Kinh tế với chủ đề “Phụ nữ với vai trò là người dẫn dắt nền kinh tế” tại In-đô-nê-xia.
Về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2013
Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2013 cho thấy, một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động, giáo dục và y tế đã đạt, vượt trước hạn hoặc có thể đạt kế hoạch đề ra vào năm 2015. Mục tiêu về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị có sự cải thiện nhẹ với sự gia tăng số lượng phụ nữ giữ các vị trí cấp cao. Bộ Chính trị được bầu bổ sung thêm 02 đồng chí, trong đó có 1 nữ. Như vậy lần đầu tiên có 02 đồng chí nữ được bầu vào Bộ Chính trị (chiếm 12,5%); trong năm 2012-2013 đã có 03 nữ Thứ trưởng và tương đương được bổ nhiệm và có thêm 01 nữ Bí thư tỉnh ủy (Ninh Bình). Trong ngành Công an, lần đầu tiên có 02 đồng chí nữ được phong quân hàm Thiếu tướng; Bộ Quốc phòng cũng vừa được bổ nhiệm thêm một nữ Thiếu tướng...
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai công tác bình đẳng giới còn một số điểm tồn tại đáng chú ý như:
- Nhận thức của một bộ phận cấp ủy Đảng, chính quyền về hoạt động bình đẳng giới còn chưa đúng đắn dẫn tới chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện hoặc chỉ đạo, triển khai mang tính hình thức. Luật đã quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới, tuy nhiên, trên thực tế, một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm thúc đẩy công tác này, chưa thực sự gắn công tác bình đẳng giới với hoạt động quản lý của các cấp, ngành. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các Bộ, ngành, địa phương (ở cấp huyện) chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, do vậy, công tác tham mưu và triển khai các hoạt động còn hạn chế. Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các Bộ, ngành, địa phương được quan tâm kiện toàn nhưng hiệu quả hoạt động của một số nơi còn ở mức độ hạn chế, chưa phát huy được vai trò của tổ chức liên ngành, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
- Một số văn bản hướng dẫn, thể chế hóa quy định của Luật liên quan đến bình đẳng giới còn chậm được ban hành như hướng dẫn thực hiện Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012 do còn có nhiều ý kiến trái chiều và chưa nhận được sự đồng thuận cao cho phương án đề xuất. Một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới đã được nghiên cứu xây dựng song do liên quan tới nhiều ngành và phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước nên chưa được ban hành kịp thời.
- Việc triển khai quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức và đạt kết quả chưa cao.
- Công tác triển khai hướng dẫn xây dựng chế độ báo cáo và thu thập số liệu cho Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia còn chậm, nhiều chỉ tiêu khó có khả năng thu thập số liệu.
- Kinh phí cấp cho việc triển khai Chương trình quốc gia về bình đẳng giới còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu dẫn tới việc triển khai Chương trình gặp khó khăn. Việc bố trí kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ ở một số Bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới năm 2014 giảm 50% so với mức bố trí dự toán năm 2013 do ngân sách nhà nước khó khăn.
- Kết quả thực hiện bình đẳng giới còn chưa đồng đều giữa các vùng miền, địa phương, lĩnh vực khác nhau. Bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trên các lĩnh vực và phần lớn thiệt thòi vẫn nghiêng về phía phụ nữ. Những vấn đề giới phức tạp/khó hoặc mới phát sinh cần thời gian nghiên cứu sâu như: tư tưởng trọng con trai hơn con gái dẫn tới nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh; các hình thức bạo lực trên cơ sở giới nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; những tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và nam giới; hôn nhân có yếu tố nước ngoài và dự báo về những vấn đề bất bình đẳng giới sẽ xảy ra trong bối cảnh Việt Nam là một nước thu nhập trung bình… Đặc biệt, mục tiêu 1 về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị có nguy cơ không đạt kế hoạch Chiến lược đề ra do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân chưa giải quyết thấu đáo được vấn đề tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014
Năm 2014 là năm thứ 8 triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, đồng thời là năm bản lề cho việc thực hiện giai đoạn đầu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh đó, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chính sau:
Một là, Các Bộ, ngành chức năng liên quan tiếp tục nghiên cứu ban hành và triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới. Rà soát, đánh giá tình khả thi trong triển khai Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia và đề xuất giải pháp khắc phục.
Hai là, Tích cực triển khai thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Các Bộ, ngành, địa phương rà soát các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 đồng thời bám sát thực trạng công tác bình đẳng giới của đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí chi tiết các hoạt động gắn với từng dự án triển khai trong năm 2014.
Ba là, Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 57/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo.
Bốn là, Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo thẩm quyền được giao, đặc biệt là các Bộ liên quan tới việc thực thi bình đẳng giới trong 8 lĩnh vực được quy định tại Luật Bình đẳng giới, gồm: chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế và gia đình.
Năm là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Sáu là, Duy trì và phát triển các mô hình dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới.
Bảy là, Tăng cường tham mưu thực hiện quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Tiến hành các nghiên cứu sâu, khảo sát điều tra quy mô rộng về bình đẳng giới phục vụ công tác xây dựng, ban hành các chính sách liên quan đến bình đẳng giới một cách thực chất và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.
Tám là, Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thanh tra về bình đẳng giới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; đồng thời có kế hoạch thanh tra chuyên đề về thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật Bình đẳng giới.
Chín là, Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm học tập, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới./.

[1] Miền Bắc: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Lào Cai, Yên Bái; Miền Trung: Nghệ An; Miền Nam: Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Phú Yên.
Thứ trưởng  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thanh Hòa
 
Xem