Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm và một số kiến nghị, đề xuất

28/02/2014

Năm 2012, công tác phòng chống mại dâm về cơ bản đạt được các chỉ tiêu đề ra và tạo được sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng. Kinh phí bố trí, phân bổ cho các hoạt động phòng, chống mại dâm cao hơn so với các năm trước, trong đó 41/63 địa phương khó khăn về ngân sách được Trung ương hỗ trợ kinh phí từ 400 triệu đến 900 triệu đồng Bên cạnh đó, có 45 tỉnh, thành phố báo cáo đã bố trí, phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương cho kế hoạch triển khai công tác này với tổng số tiền là 26 tỷ 916 triệu đồng. Mặc dù chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhưng năm 2012 cũng là năm đầu tiên Trung ương cũng như địa phương bố trí ngân sách nhiều hơn cho công tác này, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng đẩy mạnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống và hạn chế tệ nạn mại dâm.

Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh ở cả chiều rộng và chiều sâu, từ các bộ, ngành ở trung ương đến địa phương và ở nhiều đối tượng khác nhau. Hình thức tuyên truyền đa dạng, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực với các nội dung phong phú, thu hút đông đảo người dân quan tâm và tham gia cung cấp, tố cáo hành vi vi phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm tới các cơ quan chức năng để ngăn chặn và triệt phá.

Bên cạnh đó, việc quản lý địa bàn và thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng được tăng cường. Năm 2012, các địa phương đã kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp; tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra; bổ sung kinh phí hoạt động; thường xuyên phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đã thanh tra, kiểm tra 26.307 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 8.360 cơ sở vi phạm, tương đương với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 3.976 cơ sở; phạt 2.472 cơ sở với số tiền phạt là 6,41 tỷ đồng; đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép đối với 94 cơ sở; chuyển cơ quan chức năng xử lý 10 cơ sở liên quan đến hoạt động mại dâm.

Cùng với đó công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến mại dâm cũng được đẩy mạnh… Trong năm, đã phát hiện, bắt giữ 1.077 vụ với 4.543 đối tượng; trong đó, xử lý hình sự 744 vụ, 977 đối tượng; xử lý hành chính 333 vụ với 3.573 đối tượng. Tại các tuyến biên giới, bờ biển, Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ, tiếp nhận và xử lý 133 vụ hoạt động mại dâm và mua bán người vì mục đích mại dâm với 158 đối tượng, giải cứu 177 nạn nhân, trong đó có 16 nạn nhân là trẻ em; triệt phá 7 tụ điểm, xử lý 124 cơ sở kinh doanh, 232 nhà nghỉ và cơ sở mát xa có liên quan đến hoạt động mại dâm; truy tố 377 vụ với 432 bị can. Cả nước cũng đã thụ lý 507 vụ với 675 bị cáo các tội về chứa chấp, môi giới, mua dâm người chưa thành niên để xét xử theo thủ tục sơ thẩm; đã tuyên phạt tù 15 bị cáo từ 7 đến 15 năm, 173 bị cáo trên 3 năm đến 7 năm, 234 bị cáo từ 3 năm trở xuống.

Đặc biệt, công tác giáo dục, chữa trị, dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; xây dựng mô hình, xã phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm cũng ngày càng được quan tâm. Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (được Quốc hội thông qua năm 2012), trong đó không quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Đây là một trong các thay đổi lớn về quan điểm trong việc xử lý vấn đề phòng, chống tệ nạn mại dâm. Sự thay đổi về mặt pháp lý này đã tạo điều kiện cho việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại,  đối với nhóm người bán dâm; đồng thời giúp họ có điều kiện được tiếp cận với các dịch vụ xã hội ở cộng đồng.

Năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng các mô hình về phòng ngừa và hỗ trợ trực tiếp cho người bán dâm tại cộng đồng. Đồng thời thực hiện các chương trình hỗ trợ lồng ghép với công tác phòng, chống HIV/AIDS, xóa đói giảm nghèo, việc làm…, đặc biệt là vai trò của các cơ quan đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ bán dâm có nhu cầu hoàn lương được tiếp cận các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống.

Việc thí điểm về phòng ngừa tệ nạn mại dâm lồng ghép với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng đã triển khai thực hiện tại 44/63 tỉnh, thành phố, tập trung vào 04 loại hình mô hình: Mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm tại cộng đồng (Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Long An, Trà Vinh….); Mô hình phòng, chống mại dâm kết hợp với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS (Hòa Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Đà Nắng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bạc Liêu…..); Mô hình cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa…).

Tính đến ngày 30/6/2012 đã có 6.387 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn ma túy mại dâm, chiếm khoảng 64% tổng số xã phường và đăng ký chỉ tiêu xây dựng mới 3.892 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm. Hiện có 33 tỉnh, thành phố thành lập đội tình nguyện nâng số đội tình nguyện lên 2.165 với hơn 14.824 tình nguyện viên tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tệ nạn mại dâm hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, phương thức hoạt động rất kín đáo, tinh vi. Mại dâm đã có ở hầu như tất cả các tỉnh, thành phố. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, ước tính trên cả nước có khoảng 30.000 người  bán dâm. Công tác phòng chống tệ nạn mại dâm còn nhiều khó khăn, vướng mắc như dội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp cơ sở thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc; lực lượng cộng tác viên và tình nguyện viên còn mỏng, ít người tham gia vì phụ cấp công việc quá thấp; trang thiết bị và cơ sở vật chất hỗ trợ cán bộ trong công tác thanh, kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ, truy quét tội phạm và giáo dục, chữa trị cho người bán dâm thiếu hoặc đơn sơ đã hạn chế hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống. Chính sách, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm thiếu và ở mức thấp, không có dịch vụ hỗ trợ đặc thù, đặc biệt đối với trẻ em là nạn nhân bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại; cộng đồng xã hội còn kỳ thị, không chấp nhận, xa lánh đối với người bán dâm. - Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và kiểm soát việc sản xuất, lưu hành văn hóa phẩm, băng đĩa hình và trang web có nội dung khiêu dâm, kích dục chưa thường xuyên. Cơ quan chuyên trách phòng, chống mại dâm ở các tỉnh, thành phố có chức năng thanh tra, kiểm tra công tác này nhưng không được quyền xử lý vi phạm cũng là một bất cập.

Năm 2013, để tiếp tục thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 có hiệu quả, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:

- Đề nghị Quốc hội, Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội  nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm theo hướng: bổ sung biện pháp xử lý đối với hình thức mại dâm đồng giới và một số hành vi liên quan đến mại dâm như: kích dục, lưu trữ văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em trên mạng...; bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm của Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm.. Bên cạnh đó cần bổ sung tội danh "Tổ chức hoạt động mại dâm"; "Bảo kê cho hoạt động mại dâm" vào Bộ luật Hình sự cũng như nghiên cứu xây dựng các chính sách, dịch vụ nhằm hỗ trợ người bán dâm trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, các dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng.

- Đề nghị Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đề xuất giải pháp hỗ trợ giúp đỡ, giáo dục người bán dâm khi Luật xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực, không đưa người bán dâm vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục và Lao động xã hội. Cùng với đó,  tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan có liên quan và địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống mại dâm.

-  Đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các cấp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê định kỳ về phòng, chống tệ nạn mại dâm gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Chính phủ./.

TS. Lê Thị Hà

Phó Cục trưởng Cục phòng chống Tệ nạn Xã hội

 

 

Xem