Tính đến nay, Bình Thuận đã triển khai được hơn 28 lớp dạy nghề trồng thanh long cho 842 lao động nông thôn. Học viên được học nghề trong thời gian 2 tháng (lý thuyết 72 giờ, thực hành 168 giờ). Nội dung đào tạo kết hợp vừa học lý thuyết, vừa hướng dẫn thực hành theo từng thao tác, qui trình cụ thể nhằm giúp học viên vừa hiểu được lý thuyết vừa nắm được quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng với đó, Trung tâm đã triển khai các mô hình thực hành, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên học tập, qua đó giúp họ nắm vững quy trình kỹ thuật, góp phần nâng cao nhận thức về việc sản xuất thanh long sạch, an toàn, nâng cao uy tín và giá trị kinh tế của thanh long Bình Thuận nói chung và thanh long Hàm Trí – huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng....
1. Lợi ích từ việc học nghề trồng Thanh long ở Bình Thuận
Diện tích cây thanh long – sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận hiện có trên 16 nghìn ha, trong đó diện tích thanh long cho sản phẩm khoảng 12,5 nghìn ha, sản lượng thu hoạch năm 2012 hơn 340 nghìn tấn. Với sự phát triển mạnh mẽ, sản phẩm thanh long Bình Thuận đã được tiêu thụ tại thị trường một số nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là Trung Quốc.

Nhờ được đào tạo nghề, thu nhập từ trồng thanh long của nhiều hộ gia đình ở Bình Thuận
đã tăng lên rõ rệt
Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi có ưu thế về khí hậu, thổ nhưỡng cho cây thanh long phát triển. Dân số của huyện trên 180.000 người, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Đến nay diện tích thanh long của huyện đã đạt 6,4 nghìn ha, chiếm khoảng 40% diện tích thanh long toàn tỉnh, với hơn 12.000 lao động trực tiếp sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hầu hết số lao động này trồng trọt, chăm bón theo kiểu truyền thống, làm theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đối với loại cây này. Chính vì vậy, tỉnh đã chọn Thôn Phú Thái, thuộc xã Hàm Trí của huyện để thực hiện mô hình điểm về dạy nghề trồng và chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGap nhằm đạt các yêu cầu: An toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm thanh long của huyện đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tính đến nay, Bình Thuận đã triển khai được hơn 28 lớp dạy nghề trồng thanh long cho 842 lao động nông thôn. Học viên được học nghề trong thời gian 2 tháng (lý thuyết 72 giờ, thực hành 168 giờ). Nội dung đào tạo kết hợp vừa học lý thuyết, vừa hướng dẫn thực hành theo từng thao tác, qui trình cụ thể nhằm giúp học viên vừa hiểu được lý thuyết vừa nắm được quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng với đó, Trung tâm đã triển khai các mô hình thực hành, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên học tập, qua đó giúp họ nắm vững quy trình kỹ thuật, góp phần nâng cao nhận thức về việc sản xuất thanh long sạch, an toàn, nâng cao uy tín và giá trị kinh tế của thanh long Bình Thuận nói chung và thanh long Hàm Trí – huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng.
Sau khi học nghề, mỗi học viên tự xây dựng vườn thanh long của gia đình theo đúng yêu cầu kỹ thuật đã được học. Tự tạo mô hình thực tập nhóm hoặc thực tập tại chính vườn cây của mình nhằm rút kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất. Qua học tập, hầu hết các học viên đều hiểu được và có khả năng thực hiện qui trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch thanh long theo tiêu chuẩn VietGap, GAP (thực hành nông nghiệp tốt), qui trình sử dụng điện an toàn và tiết kiệm cho thanh long ra hoa trái vụ, biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, cách ghi sổ nhật ký sản xuất... 100% học viên sau khóa học đều nắm vững được kỹ thuật và có việc làm ổn định tại chỗ, được Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thanh long Bình Thuận cấp giấy chứng nhận VietGap, Công ty Rau quả Bình Thuận, Công ty Phương Giảng bao tiêu sản phẩm xuất khẩu. Trên cùng một diện tích trồng trọt, thu nhập của bà con tăng cao hơn hẳn so với lúc chưa học nghề. Sản lượng thu hoạch tăng từ 40-60% so với trước đây. Sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đạt từ 70-85%, giá cả cạnh tranh, đặc biệt, kỹ thuật sản xuất thanh long trái vụ bằng biện pháp chong đèn đã đem lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng. Tính bình quân, lợi nhuận trên 1ha thanh long là 200 -300 trăm triệu/năm sau khi trừ chi phí.
Mô hình dạy nghề trồng và chăm sóc cây thanh long tại Thôn Phú Thái, xã Hàm Trí đã tạo được ấn tượng tốt cho bà con nông dân trong vùng. Nhận thấy hiệu quả từ việc được đào tạo nghề, nhiều hộ nông dân ở các xã lân cận cũng hăng hái tham gia đăng ký học nghề.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thanh Minh, thôn Phú Thái, xã Hàm Trí cho biết: "Trong thời gian học, tôi được các giảng viên của Trung tâm dạy nghề huyện Hàm Thuận Bắc hướng dẫn từ cách chọn hom giống, cách chăm sóc cây đến thu hoạch đúng qui trình kỹ thuật. Trong quá trình học tập, bản thân tôi và các bạn học viên của lớp học được tham quan, trao đổi những kiến thức về lý thuyết và thực hành trên vườn thanh long. Tôi rất tâm đắc khi được giảng viên hướng dẫn khâu ủ phân chuồng (hữu cơ) để trở thành phân hữu cơ vi sinh (ủ men Trichoderma). Qua lớp học bản thân tôi và các học viên khác đã nắm được kiến thức chăm sóc, đặc biệt là chăm sóc trái thanh long từ khi bắt đầu chong đèn cho ra trái nghịch vụ đến khi thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau hơn một năm kết thúc khóa học, tôi đã cải tạo lại vườn cây của gia đình mình dựa trên kiến thức đã được các giảng viên truyền đạt và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, cụ thể: năng suất cho một pha chong đèn (500 trụ) trước khi học đạt 3 tấn, nay đã tăng lên 5 tấn. Tỷ lệ trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu loại lớn (hơn 500g) chiếm đến 70-80%.
Có được lợi nhuận như hiện nay, tôi nhận thấy chương trình đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây thanh long rất bổ ích đối với nông dân chúng tôi. Tôi và các học viên biết ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho chúng tôi biết cách làm ăn và thu nhập cao bằng sức lao động của mình trên chính quê hương mình. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới tỉnh sẽ mở thêm nhiều lớp dạy nghề hơn nữa cho bà con nông dân, để mọi người cũng được trang bị những kiến thức hữu ích giống như tôi và qua đó có thể nâng cao tay nghề, năng suất lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống" ./.
2. 3 năm Bình Thuận đào tạo nghề cho gần 29,4 nghìn lao động nông thôn
Sau 3 năm triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Đề án được tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện một các đầy đủ, nghiêm túc, tích cực như: công tác chỉ đạo, triển khai; công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn; điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề; thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập…

Đào tạo nghề may cho lao động nông thôn (ảnh minh họa)
Các chỉ tiêu, nhiệm vụ hầu hết đạt yêu cầu đề ra, nhờ có cơ chế giao kế hoạch, kinh phí, hình thức gắn kết doanh nghiệp, mô hình dạy nghề, việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tập trung hơn, phát huy được hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường.
Bên cạnh ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ từ ngân sách địa phương, trong 3 năm (2010-2012) hỗ trợ 25,54/37,44 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 68,2%. Kết quả là trong 3 năm tỉnh đã đào tạo nghề 29.392/29.615 người, đạt 99,25% kế hoạch, trong đó: dạy nghề nông nghiệp là 13.554 người, chiếm 46,11%, dạy nghề phi nông nghiệp là 15.838 người, chiếm 53,89% (năm 2010 6.500/6.815 không đạt chỉ tiêu do năm đầu tiên thực hiện theo chính sách 1956/QĐ-TTg). Đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 6.364/2.160 lượt cán bộ công chức xã đạt 294,6% so với kế hoạch.
Tỉnh đã chọn 02 mô hình: Trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (mô hình nông nghiệp) và May công nghiệp (mô hình phi nông nghiệp) triển khai trên địa bàn tỉnh. Kết quả thí điểm 02 mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn: Trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGap và May công nghiệp bước đầu đã mang lai hiệu quả là 100% lao động sau khi học nghề đều có việc làm ổn định. Mô hình Nông nghiệp: Trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap, đến nay số người được học nghề là 28 lớp (842 người), tỷ lệ có việc làm trên 95%, mức thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Mô hình Phi Nông nghiệp: May công nghiệp, đến nay số người được học nghề là 38 lớp (1.194 người), tỷ lệ có việc làm trên 98%, mức thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Sau khi thực hiện thí điểm thành công các mô hình trên, kết quả nhân rộng các mô hình trên địa bàn tỉnh gắn với việc làm, tăng thu nhập như: mô hình nông nghiệp trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su ở huyện Đức Linh, Tánh Linh, mô hình trồng cây lương thực ở huyện Bắc Bình …nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đã được doanh nghiệp sơ chế mủ tuyển dụng hoặc tự tạo việc làm bằng những kiến thức, kỹ năng đã được học áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập; mô hình phi nông nghiệp Xây dựng dân dụng ở TTDN huyện Hàm Tân, TTDN Bắc Tuy Phong đào tạo cho lao động nông thôn để làm việc tại các đơn vị xây lắp, mô hình đào tạo các nghề du lịch phục vụ các khu Resort, các doanh nghiệp du lịch tại thành phố Phan Thiết.
Số hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ khá năm 2012 là: 293 lao động và 3 năm (2010-2012) là: 548 lao động. Số lao động nông thôn sau khi học nghề, đã chuyển sang làm các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp năm 2012 là: 2.650 lao động và trong 3 năm (2010-2012) là: 8.337 người. Tỷ lệ lao động sau học nghề làm việc trong từng lĩnh vực (nông nghiệp: 51,8% - công nghiệp, xây dựng: 17.25% - dịch vụ: 30,95%) trong năm 2012 và tỷ lệ lao động sau học nghề làm việc trong từng lĩnh vực (nông nghiệp: 50,42% - công nghiệp, xây dựng: 20.84% - dịch vụ: 28,74%) trong 3 năm (2010-2012).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Bình Thuận chưa đáp ứng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, giai đoạn 2011-2012, đào tạo 22.892/29.040 người, đạt 78,8%. Một số nhiệm vụ, nội dung của Đề án thực hiện hiệu quả chưa cao như: công tác tư vấn học nghề, chỉ đạo đều hành cấp huyện, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm chưa cao. Chất lượng, hiệu quả một số nghề chưa cao, dạy nghề dưới 3 tháng chiếm tỉ trọng lớn, tỉ lệ lao động có việc làm một số nghề còn thấp. Việc nghiên cứu, đúc kết các mô hình chưa kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động của Đề án của cấp huyện, xã theo Quyết định số 1582/QĐ-LĐTBXH ngày 02/12/2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa được thường xuyên.