Năm 2004, tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu đi xuất khẩu 300- 350 lao động nhưng đến thời điểm này, tỉnh mới đưa được 29 người đi làm việc ở nước ngoài. Được biết, khi đề án xuất khẩu lao động được triển khai, đã có 590 người đăng ký đi xuất khẩu lao động, nhưng sau khi tìm hiểu từ các công ty môi giới, chỉ còn 295 người đủ điều kiện và kết qủa thực tế hiện nay số người đã xuất cảnh chỉ đạt tỷ lệ rất nhỏ.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là tỉnh cũng như các huyện chưa có kinh nghiệm trong công tác tổ chức. Trong khi đó, người đi xuất khẩu lao động hầu hết không có tay nghề, mức lương thoả thuận được thấp. Bản thân người lao động cũng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện ăn, ở; số tiền có thể tích luỹ được sau khi kết thúc hợp đồng làm việc… Bên cạnh đó, một số Chi nhánh ngân hàng nông nghiệp các huyện chưa tích cực cho người lao động vay vốn.
Tuy nhiên, trên thực tế một số lao động biết cần kiệm và chăm chỉ cũng có thu nhập khá. Trong số 3 lao động xuất cảnh sang Malaixia đợt đầu (tháng 2/2004) đến nay đã dành dụm gửi về cho gia đình từ 13 đến 27 triệu đồng. ở xã An Cư (huyện Tuy An), anh Nguyễn Ngọc Đua làm công nhân may kéo dây đồng đã gửi về cho gia đình 27 triệu đồng.
Nguồn lao động ở Phú Yên tương đối dồi dào nhưng để đạt mục tiêu đề ra, cần có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp. Người dân cần được cung cấp đầy đủ thông tin hơn về thị trường lao động, người lao động cần được tăng cường đào tạo nghề trước khi xuất cảnh. Các ngân hàng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được vay vốn.
Thế Lập (TTXVN)