Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ

14/12/2004

Đêm mùng 6 rạng ngày 7/5/1954, một tấn bộc phá rung chuyển hầm chỉ huy của địch ở đồi A1 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ – cũng là hiệu lệnh mở màn đợt tấn công cuối cùng vào cánh đồng Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát ngày 7/5. Người thu gom thuốc nổ, điểm hoả tấn bộc phá này đã được thưởng Huân chương chiến công, được ghi tên vào bia đá tại địa điểm này. Đó là cụ Nguyễn Văn Bạch – một cựu chiến binh xuất sắc ở xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều đóng góp cho địa phương. Năm nay, cụ Bạch 84 tuổi nhưng còn khoẻ mạnh, tráng kiện.

Mặc dù là người có công nhưng mãi tới dăm năm 2004 cụ mới được biết tới do một sự tình cờ. Có nhà báo hỏi cụ tại sao không chủ động khai báo, cụ Bạch cười: “Việc ấy nhỏ, khi được giao nhiệm vụ thì ai cũng phải tìm cách hoàn thành thôi.” Năm 70 tuổi, cụ Bạch là người đầu tiên trong xã dám mua chiếc máy kéo vừa để làm đất canh tác cho nhà mình vừa làm dịch vụ. Những gia đình thương binh, liệt sỹ khó khăn, cụ Bạch giúp đỡ mà không lấy tiền công. Cụ còn mở một khu đóng gạch ngói, giải quyết việc làm ổn định cho trên 10 lao động. Sản phẩm làm ra chất lượng tốt, luôn tạo được uy tín cho khách hàng và tiêu thụ mạnh, nên cuộc sống gia đình khá giả dần. Thế rồi hàng chục lò gạch đua nhau mọc ở Thanh Trù. Một số người vì lợi ích trước mắt đào cả đất ruộng lúa làm gạch và bán cho các chủ lò. Ô nhiễm môi trường do khói, bụi ở đây ngày càng trầm trọng. Ban đầu, cụ Bạch nghĩ ra cách dùng tôn thùng phuy gò thành ống khói dẫn khói bụi lên cao để tản đi xa, giảm bớt ô nhiễm môi trường. Sau này, nhiều người làm theo cụ Bạch, ở đây mỗi ngày có cả trăm lượt xe ô tô, công nông chở đất, chở gạch ngói ra vào làm cho đường sá hư hỏng, bụi mù mịt. Cụ Bạch gương mẫu sửa sang đường đi, đào rãnh thoát nước, vận động các hộ gia đình góp công, góp của làm đường giao thông. Cụ còn tham mưu với chính quyền địa phương ra quy định cho xe ra vào. Cụ thấy nghề ngày càng phát triển thì ô nhiễm càng nặng. Cụ Bạch quyết định bỏ nghề gạch ngói, vận động 13 hộ gần nhà làm theo và chuyển sang nghề làm ruộng để giữ đất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Khi chuyển sang sản xuất nông nghiệp, cụ Bạch cho con trai lên tận trung tâm khuyến nông học cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Gia đình cụ đi đầu áp dụng mô hình trồng một vụ lúa, một vụ rau, đồng thời đưa các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao vào sản xuất. Đất trồng rau cụ trồng ớt, hành tây. Cụ dành riêng 2 sào chuyên trồng rau thơm quay vòng 4 vụ/ năm, thu nhập gấp đôi bình thường. Cụ còn “phụ trách” cặp bò lai sind, mỗi năm đẻ 2 con, nếu toàn bê đực được 6 – 7 triệu đồng, nếu bê cái được giá gấp đôi. Tại thôn 4, xã Thanh Trù có 19 hộ làm theo cụ Bạch đều đã thoát nghèo. Cứ vào các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn đất nước, cụ Bạch lại được mời đi nói chuyện truyền thống và báo cáo thành tích trên “trận địa mới”. Cụ vẫn tâm đắc: “Đời người đã một lần bước vào quân đội thì mãi mãi vẫn là “anh bộ đội Cụ Hồ”. Dù ở đâu, mặt trận nào cũng phải tiến công.
Xem