Hội thảo triển khai chính sách bồi thường bệnh bụi phổi silic

11/29/2004 4:37:00 AM

Ngày 29/11/2004, tại Hà Nội, Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo triển khai chính sách bồi thường bệnh bụi phổi silic với sự tham dự của đại diện Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp, Bộ GTVT, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, Tổng Công ty Than Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và một số Vụ, cục có liên quan thuộc Bộ Lao động-TBXH. Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Đoàn Minh Hoà, Cục trưởng Cục An toàn Lao động nêu rõ: Thời gian qua, bệnh bụi phổi là một trong 21 bệnh nghề nghiệp nguy hiểm nhất, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động. Liên Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách bồi thường đối với người lao động mắc bệnh nghề nghiệp nói chung và bệnh bụi phổi nói riêng nhưng việc thực hiện trong thực tế còn một số vướng mắc. Chính vì vậy mục đích của cuộc Hội thảo là nhằm đánh giá lại việc thực hiện các chính sách này và đề ra phương hướng giải quyết những vướng mắc và kiến nghị đặt ra.


Trong 1 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã được nghe và thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến chính sách bồi thường bệnh bụi phổi si líc nói riêng và công tác an toàn lao động nói chung như: Chính sách bồi thường liên quan đến bệnh bụi phổi; những quy định của Nhà nước có liên quan đến chăm sóc, quản lý sức khoẻ người lao động mắc bệnh bụi phổi silic; hiện trạng môi trường lao động và vấn đề chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong ngành công nghiệp; trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống bụi và bệnh bụi phổi silic của ngành Than và ngành sản xuất xi măng; phương pháp chữa trị và chăm sóc sức khoẻ người lao động bị mắc bệnh và các giải pháp kỹ thuật phòng chống bệnh bụi phổi… Cũng tại Hội thảo, Cục An toàn Lao động đã giới thiệu Chương trình Mục tiêu quốc gia về An toàn-VSLĐ giai đoạn 2006-2010 đang trình Chính phủ phê duyệt, trong đó có các chính sách liên quan đến việc bồi thường cho người lao động mắc bệnh bụi phổi. Đức Tùng (Tạp chí Lao động và Xã hội)