Trong kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS năm 2017, Bộ LĐ-TBXH đã thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn quốc dành 800 chỉ tiêu ngành nông nghiệp cho người lao động cư trú dài hạn tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo không thuộc các huyện tạm dừng tuyển chọn năm 2017.
Người lao động được hỗ trợ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 -2020” và số 1722/QĐ-TTg về “Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020” đều phải hoàn thành tối thiểu chương trình giáo dục tiểu học, đã đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn ngành nông nghiệp và có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn trước khi tham gia kỳ thi; Không mắc các bệnh theo danh mục phía Hàn Quốc yêu cầu như: viêm gan B, HIV, giang mai... Ưu tiên đối tượng lao động là thanh niên chưa có việc làm, đặc biệt là thanh niên thuộc hộ dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Mức hỗ trợ cao nhất cho đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số tối đa là 4,5 triệu đồng/khóa học đào tạo tiếng Hàn cơ bản cho một người lao động; các đối tượng khác mức hỗ trợ tối đa 2,25 triệu đồng/khóa học. Ngoài ra, các đối tượng còn được hỗ trợ chi phí xét nghiệm một số bệnh Viêm gan B, Giang mai, HIV. Mức tối đa là 140.000 đồng/1 lao động.
Để tham dự, người lao động cần có đơn đề nghị hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết có xác nhận của chính quyền địa phương; đồng thời, người lao động cũng cần thực hiện khám sức khỏe theo yêu cầu. Thời gian tiếp nhận đăng ký tham gia của lao động từ ngày 10 - 15/4/2017.
Người lao động có thể đăng ký học tại địa phương, trường hợp địa phương không tổ chức thì gửi danh sách ra Bộ LĐ-TBXH trước ngày 17/4 để các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp và thực hiện đào tạo tại Hà Nội.
Bộ LĐ-TBXH đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai việc hỗ trợ người lao động tham gia học tiếng Hàn và các chính sách theo quy định; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để người lao động đáp ứng điều kiện, có nhu cầu được tham gia.
Các địa phương có thể tự tổ chức đào tạo tiếng Hàn hoặc tổng hợp danh sách gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức lớp học tại Hà Nội.
Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương trực tiếp là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Các địa phương thuộc địa bàn triển khai chủ động bố trí ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp khác để đảm bảo chi phí đào tạo ôn luyện đề thi