Đây là nội dung khái quát được Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) trình bày trong cuộc họp báo ngày 26/10/2010, về tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam để giới thiệu ấn phẩm mới “Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam: Bằng chứng từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009”. Ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện UNFPA đã chủ trì chương trình.
Báo cáo chỉ ra, số lượng bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái không đồng đều trên các vùng lãnh thổ và giữa các nhóm dân cư. Trong khi tỷ lệ giới tính khi sinh (SRB) – số bé trai sinh ra so với 100 bé gái tương đối cân bằng ở khu vực Tây Nguyên (105,6) thì ở các khu vực khác lại cao hơn, thậm chí trên 115, khiến cho tỷ số trung bình của cả nước là 110,5.
Trên phạm vi cả nước, số liệu của cuộc tổng điều tra cho thấy, không có sự khác biệt rõ ràng về sự chênh lệch giới tính khi sinh ở khu vực nông thôn (110,6) và thành thị (110,7). Tuy nhiên phân tích số liệu cấp độ vùng lại cho thấy một kết quả ngạc nhiên về sự mất cân bằng ở các tỉnh phía Bắc, trừ khu vực miền núi và trung du Bắc bộ, đó là tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao hơn nhiều so với khu vực thành thị. Ở khu vực phía Nam thì ngược lại, cụ thể là tỷ số giới tính khi sinh ở đô thị cao hơn ở nông thôn, rõ rệt nhất là tại một số điểm nóng quanh khu vực Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh rõ nét nhất là ở vùng đồng bằng Bắc bộ, là 115 và cao nhất ở vùng nông thôn thuộc các tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên.
Ông Bruce Campbell, cho biết, tính phức tạp của tỷ số giới tính khi sinh không chỉ theo vùng địa lý mà còn theo các đặc điểm về kinh tế xã hội. Hiện tượng mất cân bằng lớn ở tỷ số giới tính khi sinh có quan hệ chặt chẽ đến một loạt các yếu tố như đặc điểm của cha mẹ, dân tộc, trình độ học vấn hay công ăn việc làm và tình trạng nhà ở của hộ gia đình.Trên thực tế, trình độ học vấn của người mẹ quan hệ tương hỗ chặt chẽ với tỷ số giới tính khi sinh, cụ thể là ở nhóm các bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn thì tỷ số giới tính khi sinh là 107,1, ở nhóm trung học phổ thông và học nghề lên đến 111,4, ở nhóm có trình độ cao đẳng trở lên là 113,9. Phụ nữ đã học hơn 10 năm phổ thông thường có tỷ lệ sinh con trai cao nhất. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa khẳng định được mối quan hệ giữa trình độ của người mẹ đối với tỷ lệ giới tính khi sinh, song, theo TS. Phạm Nguyên Bằng, cán bộ chương trình UNFPA, có thể là do khả năng tiếp cận thông tin cao và khả năng kinh tế ổn định. Mặt khác, sự mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tùy thuộc nhiều vào vị thế kinh tế xã hội của hộ gia đình và lần sinh con thứ mấy trong gia đình. Nghiên cứu của UNFPA cho thấy nhóm dân số nghèo nhất thường có tỷ số giới tính khi sinh rất gần với mức bình thường là 105, trong khi đó với nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112.
Số liệu cũng cho thấy mối quan hệ tương hỗ giữa tỷ số giới tính khi sinh với thứ tự sinh con. Tiến sĩ Christophe Guilmoto, tác giả của công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, “Hình thái gia tăng giới tính khi sinh ở Việt Nam không giống như những gì được quan sát ở một số quốc gia khác. Ở các quốc gia này,tỷ số giới tính khi sinh tăng đều đặn từ lần sinh thứ nhất đến lần sinh thứ ba. Nhưng ở Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh con đầu tiên là 110,2, đến lần sinh thứ hai, tỷ số thấp hơn một chút là ở mức 109, nhưng đến lần sinh thứ ba và sau đó lên đến mức 115”.
Dựa trên phân tích những số liệu từ cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, nghiên cứu của UNFPA đã cho thấy ảnh hưởng nhân khẩu học của tỷ số giới tính khi sinh trong tương lai với những kịch bản khác nhau có thể xảy ra. Với kịch bản thứ nhất “Không can thiệp”, tỷ số giới tính khi sinh toàn quốc sẽ lên đến 115 vào năm 2015 và chắc chắn không dừng lại ở đó. Theo kịch bản này, tỷ số giới tính với nhóm dân số ở độ tuổi trưởng thành (15-49 tuổi) hiện đang cân bằng ở mức 100 – 100 thì đến năm 2049 sẽ là 113 nam trên 100 nữ, dẫn tới dư thừa 12% nam giới trong giai đoạn 2009 – 2049. Kịch bản thứ hai giả định có các chương trình và chính sách can thiệp mạnh mẽ để giải quyết sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, làm sao lùi thời điểm tỷ số giới tính khi sinh là 115 từ năm 2015 đến tận năm 2020, sau đó quay lại tỷ số cân bằng sinh học vào năm 2030. Theo kịch bản này, tỷ số giới tính với nhóm dân số ở tuổi trưởng thành vào năm 2044 sẽ là 110 nam trên 100 nữ, rồi dần dần quay lại mức cân bằng sinh học. Kịch bản thứ ba giả định giữ được tỷ số giới tính khi sinh ở mức ổn định là 105 trong suốt giai đoạn 1999 – 2049. Giả định này hàm ý rằng nhóm dân số dưới 10 tuổi của năm 2009 không bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng giới tính như hiện nay. Kết quả là nửa đầu thế kỷ, tỷ lệ dân số nam giới sẽ không tăng.
Tiến sĩ Guilmoto cho biết: “Kịch bản nào cũng cho thấy năm 2050, đối tượng bị tác động nhiều nhất cũng vẫn là thanh niên. Họ sẽ chịu tác động về cơ cấu xã hội và những thay đổi về chuẩn mực văn hóa cũng như lề lối xã hội, đặc biệt là cơ hội tìm bạn đời của nam giới sẽ bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến phụ nữ sẽ kết hôn sớm, ảnh hưởng đến học hành. Ngoài ra, có thể sẽ gia tăng mại dâm, buôn bán phụ nữ và các ảnh hưởng tiêu cực khác”.
Ông Bruce Campbell giải thích thêm: “Có nhiều hướng chính sách và can thiệp có thể giải quyết sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam. Tuy nhiên, phân tích định lượng cho thấy, ở Việt Nam, vấn đề này có tính phức tạp, nhiều phát sinh mới, và không thể giải quyết một sớm một chiều, vì vậy phải sử dụng kết hợp nhiều biện pháp can thiệp. Hơn nữa, biện pháp nào thì cũng phải mất thời gian để có thể thay đổi hành vi của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng dân cư. Công việc này đòi hỏi phải có thêm số liệu thống kê và phân tích thông tin thống kê về xu hướng tỷ số giới tính khi sinh thì mới giám sát được việc triển khai các chính sách và chương trình can thiệp.”
Nhân họp báo, UNFPA cũng đã giới thiệu tổng quan tài liệu nhằm hướng dẫn nghiên cứu về chính sách tỷ số giới tính khi sinh ở châu Á và Việt Nam. Tài liệu này tóm tắt một số công trình nghiên cứu chọn lọc, khơi gợi các ý tưởng nghiên cứu tiếp theo và cách thức để giải quyết có hiệu quả thực trạng mất cân bằng giới ở Việt Nam./.