Trong các ngày từ 1 đến 12/3/2010, tại Niu Oóc – Hoa Kỳ đã diễn ra Khóa họp lần thứ 54 của Ủy ban địa vị phụ nữ của Liên hiệp quốc kiểm điểm 15 năm toàn cầu thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh với 12 mục tiêu chiến lược nhằm tăng quyền năng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng chí Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khóa họp này.
Tại phiên họp toàn thể cấp cao của Khóa họp ngày 2/3/2010, đồng chí Nguyễn Thanh Hòa đã phát biểu nêu bật những thành tựu, bài học kinh nghiệm cũng như khó khăn và thách thức đang gặp phải trong thực hiện các mục tiêu việc bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ của Việt Nam. Việc ban hành Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều đạo luật quan trọng khác đã tạo hành lang pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới được hình thành và đi vào hoạt động; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ… là những thành tựu nổi bật trong việc thực hiện Cương lĩnh Bắc Kinh tại Việt Nam. Với những cố gắng đó, vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng được cải thiện. Việt Nam tiếp tục là một trong những nước đứng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội; Tỷ lệ biết đọc, biết viết và tiếp cận với dịch vụ y tế của phụ nữ tăng mạnh qua các năm... Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn như: Tư tưởng “trọng nam, coi thường phụ nữ”, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng nông thôn; Bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới mới được thành lập, nhân lực và vật lực còn hạn chế; và những vấn đề xã hội liên quan trực tiếp tới phụ nữ đã nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa.. . Để thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược của Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, Nhà nước Việt Nam quyết tâm thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện Luật Bình đẳng giới; xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; phấn đấu đảm bảo các quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái… Bài phát biểu của Đoàn đại biểu Việt Nam được Đoàn Chủ tịch Khóa họp và đông đảo đại diện các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tham dự Khóa họp đồng tình và đánh giá cao.
Đoàn đại biểu Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động bên lề Khóa họp, tiếp xúc và làm việc song phương với nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa cơ hội hợp tác về bình đẳng giới trong thời gian tới như tham gia thảo luận khả năng hợp tác về bình đẳng giới với Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới của Hàn Quốc; tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thực hiện thí điểm cải cách “ Một Liên hiệp quốc” tại Hội thảo về tiến tới hình thành một cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới của UNIFEM, Hội nghị Bộ trưởng Bình đẳng giới của Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp.... Tại các buổi tiếp xúc và làm việc, các cơ quan, tổ chức đều đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian tới.