Hội thảo nói trên diễn ra ngày 23/12/2009 tại Hà Nội, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ Phát triển phụ nữ của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNIFEM) phối hợp tổ chức. Tham dự, có ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Thanh Hoà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bà Suzette Michel, Trưởng đại diện UNIFEM Việt Nam; đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học có nghiên cứu về giới; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ một số tỉnh, thành phố.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Lương Phan Cừ, trình bày về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015 và TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày đề xuất khung Chương trình nói trên. Cũng tại cuộc thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề then chốt nhất cần phải giải quyết trong giai đoạn 5 năm tới, tìm ra những giải pháp đột phá cần ưu tiên giải quyết trong thời gian trước mắt. Xác định rõ phạm vi, đối tượng, cụ thể và chi tiết hoá các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp; làm rõ cơ chế, chính sách, dự án hoặc hoạt động; đảm bảo nguồn lực và tổ chức bộ máy để thực hiện. Đề xuất các dự án hoặc hoạt động trọng tâm cần được triển khai sớm nhằm khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà, bất bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ luôn được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của mỗi đất nước. Vì vậy, từ nhiều thập kỷ qua, các quốc gia trên thế giới đã coi đây là mục tiêu đặc biệt và quan tâm triển khai thực hiện.
Ở Việt Nam, trong hơn 10 năm qua, với những nỗ lực của các cấp, các ngành, bình đẳng giới đã đạt được những tiến bộ tích cực. Việt Nam được xếp vào hàng những nước có sự phát triển trung bình về giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới và tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ đã và đang diễn ra ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo năm 2009 của Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã chỉ ra rằng: Chỉ số giới của Việt Nam tuy đã được cải thiện nhưng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại và phần lớn nghiêng về phía phụ nữ; hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới được coi là khá hoàn hảo nhưng chưa được thực hiện trên thực tế; bộ máy các cấp về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ đã được hình thành nhưng chưa ổn định và hoạt động còn thiếu hiệu quả… Vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức trong thực hiện bình đẳng giới. Cụ thể là: Tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ còn thấp so với sự tăng lên cả về số lượng và chất lượng của lực lượng lao động nữ và so với cán bộ quản lý, lãnh đạo nói chung; lao động nữ chủ yếu vẫn chiếm số đông ở những lĩnh vực không đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao, có thu nhập thấp và việc làm bếp bênh, độ rủi ro cao. Trong tất cả các ngành nghề và lĩnh vực, thu nhập của nữ chỉ bằng 74,5% so với thu nhập của nam giới; công tác xoá mù chữ cho phụ nữ ở lứa tuổi từ 15 đến dưới 40 hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở bậc học càng cao, càng có sự chênh lệch đáng kể…
Vì những lý do nêu trên, để triển khai Luật Bình đẳng giới và nhất là để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Chương trình này sẽ cụ thể hoá cho giai đoạn 5 năm của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, tập trung vào giải quyết vấn đề bình đẳng giới trong một số lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội như: Chính trị, kinh tế, lao động và việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá, gia đình./.