Với mục đích nhằm chia sẻ những đánh giá về việc thực thi Luật Phòng chống bạo lực trong gia đình, sáng ngày 2/12/2009, tại Hà Nội, Mạng lưới các Tổ chức phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam (Dovipnet) đã phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức (DED), tổ chức hội thảo trên. Tới dự, có đại diện nhóm nghiên cứu và các chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên; Viện Sức khoẻ sinh sản và gia đình… và đại diện cán bộ phụ nữ của 5 tỉnh được chọn làm địa điểm nghiên cứu.
Được triển khai từ tháng 8/2009, với phương pháp nghiên cứu chủ yếu là định tính, DOVIPNET đã thực hiện đánh giá việc thực thi Luật Phòng chống bạo lực gia đình tại 5 tỉnh Hoà Bình, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Hưng Yên. Sau 4 tháng triển khai, những phát hiện chính được đưa ra là:
- Nhận thức chung về Luật Phòng chống bạo lực gia đình: Về cơ bản, người dân và các cán bộ chính quyền, ban ngành, đoàn thể đã ít nhiều có cách nhìn đúng đắn về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều người chưa nhận thức được đầy đủ về vấn đền này cũng như những quy định trong luật. Xu hướng quan niệm bạo lực là chuyện riêng của mỗi gia đình và đàn ông, người chồng có quyền “dạy dỗ” phụ nữ còn khá phổ biến. Điều đó đã dẫn tới thái độ coi thường những hành vi liên quan đến bạo lực gia đình và làm tổn thương phụ nữ nói riêng và nhóm yếu thế nói chung. Mặc dù Luật Phòng chống bạo lực ra đời và có hiệu lực được hơn một năm nhưng phần lớn người dân vẫn chưa coi bạo lực trong gia đình là vấn đề xã hội và nguyên nhân sâu xa của nó là sự bất bình đẳng giới.
- Công tác truyền thông về luật: Đã bước đầu có hiệu quả khi khá nhiều người được hỏi biết về luật. Các hình thức tuyên truyền chủ yếu là thông qua loa truyền thanh và lồng ghép vào một số chương trình truyền thông khác. Một số địa phương đã có sáng tạo khi đưa các hình thức dễ thu hút, hấp dẫn người dân như truyền thông qua tiểu phẩm, qua các phiên toà xét xử lưu động. Tuy nhiên, phần lớn người dân và cán bộ được hỏi chưa hiểu đúng và rõ về luật này. Cùng với đó, việc truyền thông ở các địa phương hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, do năng lực của cán bộ thực hiện còn yếu, trang thiết bị và kinh phí ở cơ sở còn hạn chế.
- Công tác hỗ trợ những nạn nhân của bạo lực gia đình: Chủ yếu được thực hiện thông qua việc hoà giải, tư vấn. Song cũng vẫn chỉ bó buộc theo lối mòn là khuyên giải người phụ nữ cam chịu và trở về nhà, nơi bạo lực vẫn rình rập. Những địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cho nạn nhân còn khá xa lạ. Hơn nưa, biện pháp cấm tiếp xúc với người gây bạo lực để bảo vệ nạn nhân còn rất mới và chưa có một trường hợp nào được tìm thấy trong nghiên cứu. Chính vì vậy, nhiều nạn nhân vẫn đang phải chịu những hình thức bạo lực nghiêm trọng và dai dẳng cho dù luật đã chính thức có hiệu lực.
- Việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan: Việc phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể đã được ghi rất rõ trong luật. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp tại các địa phương hiện nay còn khá mờ nhạt và không có hiệu quả, chưa có sự tham gia đầy đủ của các ban ngành, đoàn thể và mọi thành phần dân cư.
Trên cơ sở những phát hiện chính sau nghiên cứu đánh giá, báo cáo cũng đưa ra những định hướng chung cho công tác tuyên truyền về Luật Phòng chống bạo lực gia đình trong thời gian tới như sau: Cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hiểu biết về luật, làm thay đổi những quan niệm mang tính định kiến về giới và coi bạo lực gia đình chỉ là mẫu thuẫn gia đình của người dân, đây là điều kiện rất quan trọng trong hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. Huy động sự tham gia tích cực của nam giới trong công tác phòng chống, nam giới không thể đứng ngoài cuộc vì đây là đối tượng có thể làm thay đổi vấn đề bạo lực gia đình. Nâng cao hiệu quả của công tác hoà giải bằng cách trang bị thêm những kỹ năng và kiến thức khi làm việc với nhóm người bị bạo lực. Nâng cao nhận thức về tác động và hậu quả của bạo lực gia đình đối với cuộc sống và phát triển của trẻ em trong gia đình có bạo lực.
Cùng với đó, báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị cụ thể đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chính quyền và các cơ quan đoàn thể có liên quan từ trung ương tới cơ sở để Luật Phòng chống bạo lực gia đình được triển khai thực hiện có hiệu quả.