Tối ngày 24/11/2009, tại Hà Nội, đã diễn ra Toạ đàm CEDAW và Pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam do Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam và cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức
Dự buổi tọa đàm có Phó Chủ tịch Quốc hội, Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Thị Doan; Trưởng ban Dân vận Trung ương, Hà Thị Khiết; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nguyễn Thị Thanh Hòa; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội, Nguyễn Thị Kim Ngân; Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Jesper Morch; đại diện một số tổ chức quốc tế; đại sứ các nước Canada, Phần Lan và đông đảo đại biểu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, đây là dịp để nhìn lại chặng đường thực hiện Công ước CEDAW, để đánh giá những thành quả to lớn do công ước mang lại trong việc xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước khẳng định, sau khi có Luật bình đẳng giới (2006), việc lồng ghép giới đã trở thành một quy trình, thủ tục pháp lý bắt buộc khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn ở Việt Nam. Hiện nay, tại Việt Nam mọi hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ đều bị cấm, Nhà nước và xã hội đã tạo mọi điều kiện để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, nhiều chuẩn mực, nguyên tắc của CEDAW đã được thể hiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, những thành quả mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp phát triển, bảo vệ con người, thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ là rất đáng tự hào, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.Trong quá trình đổi mới tại Việt Nam, vị thế, vai trò của phụ nữ đã được cải thiện và ngày càng được nâng cao .Tuy nhiên, con đường để đạt được bình đẳng giới vẫn còn ở phía trước, Việt Nam cùng với cộng đồng thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để những tư tưởng tiến bộ và các giá trị, chuẩn mực pháp lý do Công ước CEDAW mang lại trở thành nguyên tắc xử sự chung cho tất cả các quốc gia trên thế giới.
Ông Jesper Morch, Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam cho biết, trong 30 năm qua, Công ước CEDAW đã có ảnh hưởng sâu sắc và tích cực đến công cuộc phát triển luật pháp, chính trị- xã hội ở các nước, những điều khoản của công ước đã được sử dụng làm công cụ mạnh mẽ để tạo cơ sở thiết lập pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người của phụ nữ. Hiện nay, tại một số nước tham gia công ước, đã xây dựng pháp luật tuân theo các nguyên tác và nghĩa vụ của công ước. Tuy nhiên, tại nhiều nơi trên thế giới phụ nữ vẫn phải đối mặt với những vi phạm quyền con người về một số mặt như, người phụ nữ không được tham gia vào việc ra quyết định ảnh hưởng đến chính trị; bị phân biệt đối xử trong công việc; không được công nhận quyền sở hữu đất đai, bạo lực trong gia đình... Vì thế ông hy vọng rằng tại toạ đàm này sẽ chia sẻ những cách thức công ước được sử dụng để thực hiện quyền con người của phụ nữ và đạt bình đẳng giới, đặc biệt là trong các quá trình xây dựng luật pháp.
Được biết, Công ước CEDAW là Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979. Ngày 3/9/1981, sau khi nước thứ 20 thông qua, công ước này bắt đầu có hiệu lực với tư cách một văn kiện quốc tế tổng hợp nhất về quyền con người của phụ nữ. Theo Uỷ ban CEDAW, đã có 186 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia công ước vào 29/7/1980 phê chuẩn vào 27/11/1981. Sự ra đời của Công ước CEDAW là kết quả hơn 30 năm đấu tranh của Uỷ ban về địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW). Uỷ ban được thành lập năm 1946 nhằm giám sát địa vị và nâng cao quyền lợi của phụ nữ. Hoạt động của Uỷ ban đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở những nơi mà phụ nữ chưa được bình quyền như nam giới. Kết quả của những nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ là sự ra đời một số tuyên bố và điều ước quốc tế, trong đó CEDAW là văn kiện quan trọng và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ. Công ước là công cụ quốc tế duy nhất có thể giải quyết một cách toàn diện quyền của phụ nữ trong khuôn khổ đời sống chính trị, dân sự, văn hóa, kinh tế và xã hội. Tham gia công ước, các quốc gia không những phải cam kết bảo đảm pháp luật hiện hành không trực tiếp phân biệt đối xử với phụ nữ mà còn phải có những hành động cần thiết để phụ nữ được hưởng sự bình đẳng./.