Hội thảo nói trên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung tâm Bình đẳng giới KUN của Bộ Trẻ em và Bình đẳng Na Uy phối hợp tổ chức diễn ra trong hai ngày 19 - 20/11/2009, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của lãnh đạo Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện Đại sứ quán Na Uy; Cố vấn cao cấp, Phòng các vấn đề gia đình và bình đẳng Nauy, Quỹ Dân số Liên hợp quốc; Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc và các đại biểu đại diện một số Bộ, ngành, đoàn thể.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các diễn giả giới thiệu về bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới của hai nước Việt Nam và Na Uy; Chương trình hợp tác chung về bình đẳng giới giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc; Kinh nghiệm thực hiện các dự án bình đẳng giới ở Na Uy; Đánh giá năng lực của cơ quan có trách nhiệm triển khai, giám sát, đánh giá và báo cáo về việc thực hiện các hoạt động bình đẳng giới; giới thiệu Dự án nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới giữa Việt Nam và Na Uy. Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đặt câu hỏi và trao đổi với các chuyên gia, cố vấn của Na Uy về kinh nghiệm của nước này trong lĩnh vực bình đẳng giới như: Ngân sách về hoạt động bình đẳng giới nói chung được sử dụng vào các nội dung gì? Luật pháp Na Uy có qui định cụ thể nào về tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan, tổ chức chính trị không? Vấn đề xử lý vi phạm về bình đẳng giới?... Với những nội dung nêu trên, hội thảo được coi là một diễn đàn để các nhà hoạch định, thực thi chính sách, những người trực tiếp tham gia quản lý và thực hiện dự án được tiếp cận các thông tin và kiến thức cần thiết nhằm phục vụ tốt cho công tác chuyên môn.
Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, vấn đề bình đẳng giới từ lâu đã được Nhà nước Việt Nam quan tâm thực hiện và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (nhiệm kỳ 2007 – 2011 là 25,76%, tăng gần 8% so với nhiệm kỳ 1992 – 1997). Tỷ lệ lao động nữ tham gia hoạt động kinh tế chiếm 83% so với nam giới là 85%. Phụ nữ ngày càng được bình đẳng với nam giới trong thụ hưởng các dịch vụ công về y tế, văn hóa, xã hội. Lần đầu tiên Việt Nam có tên trong danh sách các nước xây dựng được số đo về sự trao quyền cho giới (GEM) với vị trí thứ 52 trong số 93 nước. Với chỉ số phát triển giới (GDI) là 0,732 (bằng 99,9% giá trị của HDI), Việt Nam cũng được đánh giá là nước có nhiều tiến bộ trong cải thiện công bằng về giới. Hệ thống pháp luật và thể chế về bình đẳng giới không ngừng được hoàn thiện. Lần đầu tiên, chức năng quản lý Nhà nước về bình đẳng giới trên phạm vi cả nước được giao cho một Bộ đảm nhiệm. Tuy nhiên, do bộ máy quản lý Nhà nước còn mới mẻ nên hiện tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế và đây được xem là trở ngại lớn trên con đường đi tới mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam. Chính vì vậy, một trong những mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam là học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã có bề dày thành tích trong lĩnh vực này.
Theo bà Đỗ Thị Minh Châu, cán bộ chương trình quốc gia, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA Việt Nam), tổng ngân sách cho Chương trình hợp tác chung về bình đẳng giới giữa Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam là hơn 4,68 triệu USD nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2011 tăng cường năng lực của các nhà lãnh đạo cấp quốc gia và cấp tỉnh, các đơn vị và các cơ quan có trách nhiệm nhằm thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo về việc thực thi Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Các chiến lược cơ bản của dự án là: Đánh giá năng lực của các bên liên quan chủ chốt trong việc thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng như xây dựng kế hoạch hành động khung giám sát và đánh giá; Nâng cao năng lực cho các cơ quan có trách nhiệm thông qua việc biên soạn tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn; Lồng ghép giới nhằm bảo đảm việc thực thi Luật Bình đẳng giới; Cung cấp thông tin để phục vụ đối thoại chính sách và xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật nhằm thực hiện hai luật nói trên; Tăng cường mối quan hệ đối tác và mạng lưới giữa các Bộ, ngành và giữa các chính phủ với các tổ chức quần chúng và các tổ chức khác; Hỗ trợ nghiên cứu và tập huấn về giới, thu thập số liệu có tách biệt giới và phân tích giới; Đưa các chỉ số có tách biệt giới tính vào quá trình thu thập dữ liệu quốc gia hiện hành và báo cáo các chỉ số này; Thành lập trung tâm thông tin để có thể tiếp cận được các dữ liệu tách biệt giới tính có chất lượng về các vấn đề giới./.