Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

"Nora" và quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình

17/09/2009

Trong 2 ngày 14- 15/9 tại thành phố Huế, Bộ LĐ-TB&XH, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Nauy đã tổ chức hội thảo tập huấn mang tên "Các chị em của Nora" với chủ đề "Quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình". Tới dự có Thứ trưởng Thường trực Đàm Hữu Đắc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên- Huế Ngô Hoà, bà Zenia Chrysostomidis- Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam và trên 100 đại biểu đến từ các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế cùng một số tỉnh bạn.

Nora đi Huế

Huế là địa phương thứ 2 được Ban tổ chức lựa chọn để làm hội thảo. Chuỗi hội thảo "Các chị em của Nora" với chủ đề "Quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình" sẽ diễn ra tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước. Trước đó, vào tháng 3 năm nay, hội thảo đã được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội với sự tham gia đông đảo và tích cực của hàng trăm đại biểu thuộc các Bộ, ban ngành và các tổ chức phi chính phủ trong, ngoài nước.

Không khô khan, thuần tuý như các hội thảo, tập huấn khác, các đại biểu được xem một vở kịch mang tên "Nhà búp bê" của nhà soạn kịch Nauy Henrik Ibsen. Nora - nhân vật chính của vở kịch là một người vợ, người mẹ, một "bà nội trợ" thuần tuý, hết lòng vì chồng con. Cô âm thầm làm việc để trả nợ, sẵn sàng ca hát, nhảy múa để làm vui cho chồng. Để có tiền cứu chồng mang trọng bệnh, cô đã giấu chồng, giả chữ ký bảo lãnh của chính cha đẻ mình, vay một khoản tiền lớn đưa chồng ra nước ngoài chữa bệnh. Khi sự việc có nguy cơ bại lộ, Nora vẫn không dám cho chồng biết vì nghĩ rằng anh ta sẽ hy sinh vì mình, sẽ nhận tội cho mình. Nhưng sự thật phũ phàng lại không phải như vậy. Người chồng đã không tiếc lời mạt sát vợ, dùng những lời lẽ cay độc, thô tục nhất để mắng chửi "con búp bê", "con sơn ca đáng yêu" của mình. Cay đắng nhận ra bộ mặt độc đoán, ích kỉ, gia trưởng của người chồng và sự hy sinh của mình cho chồng không hề có ý nghĩa, nhận ra thân phận búp bê trong chính ngôi nhà của mình, cô đã quyết định rời bỏ ngôi nhà thân yêu ra đi để tìm lại chính mình - ngay khi tai hoạ đã qua đi, ngay khi người chồng đã sẵn sàng "tha thứ cho em"!...

Ra đời từ cách đây trên 100 năm, "Nhà búp bê" từng làm rung chuyển châu Âu và được coi là phát đại bác cho công cuộc giải phóng phụ nữ và quan niệm về vai trò người phụ nữ trong gia đình. Vở kịch đã được dàn dựng ở nhiều quốc gia và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Với diễn xuất tài năng của dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, nhân vật chính Nora do NSND Lê Khanh thủ vai, dù xem kịch qua đĩa video, song tác phẩm đã chinh phục được khán giả Huế và trở thành cảm hứng cho việc tranh luận về quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình tại hội thảo.

"Nora Huế" sẽ có nhiều sự trợ giúp

"Các chị em của Nora" được hiểu theo nghĩa bóng. Cô Nora trong vở kịch Nhà búp bê không có chị em, nhưng khi vở kịch được công diễn ở đâu, ở quốc gia nào cũng có rất nhiều phụ nữ nhận ra thân phận búp bê của mình, nhận thấy mình không có quyền gì trong chính ngôi nhà của mình như Nora, và họ tự thấy mình cũng là Nora, hay là chị em của Nora vậy.

Trả lời câu hỏi của bà Phạm Nguyên Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TBamp;XH) kiêm MC của toạ đàm, ông Nguyễn Quang Chính- Phó giám đốc Sở LĐ-TBamp;XH Thừa Thiên Huế cho biết: Tại Huế có nhiều trung tâm đang triển khai các dự án trợ giúp phụ nữ có khó khăn. Chị em sẽ được đào tạo nghề để có nghề nghiệp trong tay, mỗi khoá học nghề trong 3-6 tháng, sau đó còn được giới thiệu việc làm. Vì vậy, các "Nora Huế" nếu tìm đến các trung tâm này sẽ không sợ thất nghiệp. Hơn nữa, trong những năm gần đây, vấn đề bình đẳng giới và các chương trình hành động được triển khai khá mạnh và đã đạt được một số kết quả như sự tham gia của phụ nữ vào các chương trình ngày càng đông đảo, phụ nữ tham gia vào Hội đồng nhân dân các cấp đã tăng 25% so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, một thách thức lớn với công tác bình đẳng giới là với đặc trưng của một cố đô, Huế còn nhiều phong tục rất phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề, biểu hiện rõ nhất ở việc sinh đẻ kế hoạch, phụ nữ phải sinh được con trai... vì vậy, Huế còn phải có nhiều nỗ lực thúc đẩy quá trình bình đẳng giới.

Bà Lê Thuỳ Chi, Sở Văn hoá, Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Nora được sống trong ngôi nhà búp bê, được chồng nuôi, còn đối với phụ nữ VN nói chung và phụ nữ Huế nói riêng nhiều người còn phải lao động rất vất vả, còn phải theo "tam tòng tứ đức", phụ thuộc rất nhiều vào những người đàn ông gia trưởng. Những người phụ nữ đi làm, đi công tác thì được giải phóng, nhưng những người làm nội trợ thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Huế đã huy động các ban ngành, các cơ quan truyền thông vào cuộc, tỉnh đã xây dựng mô hình chống bạo lực gia đình tại xã Hồng Vân, huyện A Lưới, sau 2 năm đạt kết quả tốt, bạo lực gia đình đã giảm hẳn. Mô hình này đang được triển khai rộng rãi tại nhiều huyện khác của tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc khẳng định: Buổi toạ đàm này được tổ chức theo một cách thức hoàn toàn mới mẻ, nhưng đó là cách tác động mạnh mẽ nhất, các đại biểu đã tham gia chia sẻ một cách hết sức cởi mở trong khi thảo luận vấn đề và sau đó đưa những kiến thức thu nhận được để phục vụ thiết thực cho công tác, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu được tập huấn các kiến thức về Luật Bình đẳng giới và các Nghị định hướng dẫn thi hành, các văn bản liên quan đến hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và đi thăm một số mô hình hoạt động có hiệu quả tại địa phương...

Trong thời gian tới, Hội thảo "Các chị em của Nora" với chủ đề "Quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình" sẽ được tiếp tục tổ chức tại các tỉnh Lào Cai, Đắc Lắc và Tiền Giang.

Thu Hằng

Xem