Trong hai ngày 22-23/9/2009, tại thành phố Hải Dương, Chính phủ Việt Nam, đại diện là các Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các tổ chức phi Chính phủ khác tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch Hành động Quốc gia Vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg ngày 4/6/2009 nhằm cùng nhau thể hiện cam kết hỗ trợ của mình dành cho trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Việt Nam. Tới dự, có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện các ban, ngành liên quan của 21 tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đại dịch HIV/AIDS không chỉ tác động đến quá trình phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội của mỗi quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triện toàn diện của trẻ em. Trẻ em là đối tượng phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS gây ra. Những nhóm quyền cơ bản của các em đều bị đại dịch tác động làm hạn chế, thậm chí làm mất đi mà đáng lẽ ra các em phải được hưởng. Theo thống kê, Việt Nam hiện có 143.000 trẻ em bị mất cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ do AIDS. HIV/AIDS thường được nhìn nhận là vấn đề của người lớn, vì vậy trẻ em và các nhu cầu của trẻ dễ bị bỏ qua. Khi cha mẹ bị bệnh hay qua đời, trẻ em là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả, không được đến trường, bị cộng đồng xa lánh. Cá biệt có em bị bỏ rơi, bị đưa vào các trung tâm sống tập trung hay buộc phải sống trên đường phố. Điều này đã khiến cho các en có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm HIV.
Kế hoạch Hành động Quốc gia này ra đời sẽ góp phần tăng cường khung pháp lý về phòng, chống HIV/AIDS và bảo đảm cho trẻ em bị ảnh hưởng được chăm sóc tốt hơn, được hoà nhập với cộng đồng, không bị phân biệt đối xử, tạo sự tiếp cận công bằng trong dự phòng và điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh việc tập trung chăm sóc và điều trị trẻ bị nhiễm, chúng ta còn phải đặc biệt quan tâm đến các đối tượng trẻ em có nguy cơ cao. Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo đến năm 2020, các nhu cầu của phần lớn trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sẽ được đáp ứng. Kế hoạch cũng đưa ra một lộ trình hướng dẫn các cơ quan có liên quan, các nhà tài trợ, các tổ chức phi Chính phủ và cộng đồng xã hội về việc cung cấp và cải thiện công tác chăm sóc trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Kế hoạch Hành động Quốc gia cũng chính thức hoá cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ các quyền của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đây là cách tiếp cận toàn diện và đầu tiên của Việt Nam trong việc xem xét, giải quyết nhu cầu của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV trên toàn quốc. Do vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị tại hội nghị này, các đại biểu hãy cùng nhau thảo luận, tìm các giải pháp phù hợp, lựa chọn những hoạt động ưu tiên cần làm trước và lộ trình cho những hoạt động tiếp theo, áp dụng kinh nghiệm và sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng Bộ nhưng mang tính phối hợp liên ngành để thực hiện.
Ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao tính khả thi, tầm quan trọng của bản kế hoạch và cam kết cùng chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương bởi HIV.
Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe đại diện 3 bộ đồng tổ chức trình bày định hướng kế hoạch của ngành; đại diện lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ninh và Khánh Hoà chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và cam kết thực hiện kế hoạch.
Sau đó, các đại biểu đã tiến hành thảo luận xung quanh các vấn đề: Việc xây dựng các hệ thống quản lý, dịch vụ; hoạt động can thiệp, điều phối; sự tham gia của xã hội.
Hồng Phượng