Bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ, Cục An toàn lao động đã chủ động kịp thời tham mưu, chỉ đạo công tác an toàn, vệ sinh lao động trên toàn quốc.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu... Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết, trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trước những khó khăn chung đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực; tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ, Cục An toàn lao động đã chủ động kịp thời tham mưu, chỉ đạo công tác an toàn, vệ sinh lao động trên toàn quốc. Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động; hướng dẫn thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, phòng ngừa các nguy cơ gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATVSLĐ và huấn luyện ATVSLĐ; duy trì tốt sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp tháo gỡ những khó khăn, có những hình thức tổ chức mới, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm. Nhờ đó đã tạo sự đồng thuận, lan tỏa, huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động tham gia các hoạt động bảo đảm ATVSLĐ.
Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, tham mưu chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, năm 2022, Cục đã chủ động tham mưu trình Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành đúng tiến độ các văn bản theo kế hoạch và các văn bản phát sinh ngoài kế hoạch. Tổng hợp, trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 thay đổi theo hướng do lạm phát các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc... tăng cao, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm, nhu cầu sử dụng lao động không còn căng thẳng do thiếu theo đó sau 6 tháng thực hiện thời giờ làm thêm đã góp phần tích cực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh, thì đến cuối năm do tình hình ổn định và có nhiều kiến nghị không đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 17, doanh nghiệp sẽ thực hiện các quy định về làm thêm theo quy định của Bộ Luật Lao động từ ngày 01/01/2023.
Cục đã phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Nghị định đã có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hiện nay Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành; Trình Bộ để trình Thủ Tướng về phương án nghỉ lễ, tết năm 2023 và Bộ đã ban hành Thông báo số 5034/TB-LĐTBXH ngày 7/12/2022 về việc nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Năm 2022, sau khi Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 ban hành, Cục đã tham mưu trình Bộ ban hành văn bản hướng dẫn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty hạng đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để phối hợp triển khai, thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của Cục An toàn Lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết tại 11 tỉnh, thành phố để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện để có giải pháp tháo gỡ nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đảm bảo phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Việc tham mưu xây dựng và thực hiện Nghị quyết số 68/2021/NĐ-CP của Chính phủ đúng quy định, hiệu quả, hỗ trợ kịp thời và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Đây là chính sách giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống còn 0% trong 1 năm được triển khai cho hơn 370 nghìn doanh nghiệp với gần 4300 tỷ đạt 100% kế hoạch, không có sai sót. Với kết quả đó chính là sự nỗ lực cố gắng rất lớn trong công tác tham mưu đúng quy định pháp luật và có hiệu quả của Cục An toàn lao động. Cục trưởng Cục An toàn lao động được Bộ trưởng ủy quyền làm trưởng đoàn đi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 68 tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Đoàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ, và có báo cáo với Bộ trưởng kịp thời.
Công tác quản lý nhà nước về huấn luyện được chú trọng; công tác thông tin ATVSLĐ đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 diễn ra từ ngày 01 đến ngày 31 tháng 5 năm 2022 được phát động vào ngày 28 tháng 4 năm 2022 với chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ quan tâm tới dự và phát động. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Thực hiện kế hoạch Tháng Hành động của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 như: tự kiểm tra, rà soát, phát hiện và khắc phục những nguy cơ mất an toàn; xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các doanh nghiệp, công trình, phân xưởng, tổ đội sản xuất; tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo nhiều hình thức (huấn luyện trực tiếp và huấn luyện trực tuyến).
Các cơ quan báo, đài phát thanh và truyền hình ở trung ương và địa phương đã liên tục phát hơn 9.000 tin, bài, toạ đàm, phỏng vấn, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tuyên truyền trên các đài quận, huyện, xã, phường; gần 700.000 tờ rơi, tranh áp phích và các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động được in, phát miễn phí tới doanh nghiệp, người lao động. Trong quý II năm 2022 đã có gần 600.000 lượt người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, trong đó huấn luyện cho đối tượng người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động là gần 19.000 lượt người. Hơn 6.000 cuộc tuyên truyền, tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động với chuyên đề về an toàn điện, an toàn máy và an toàn trong sử dụng hóa chất trong nông nghiệp cho cán bộ, hội viên hội nông dân; 450 cuộc thi an toàn, vệ sinh lao động, thi an toàn - vệ sinh viên giỏi, thu hút gần 45.000 lượt người lao động và quần chúng nhân dân tham gia. Nhiều cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, điển hình như: Thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thi an toàn vệ sinh viên giỏi. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên hơn 7.000 nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong Quý II năm 2022 có hơn 4.600 doanh nghiệp được thanh, kiểm tra (tăng gấp đôi số doanh nghiệp được thanh tra so với cùng kỳ năm 2021); gần 16.500 cuộc tự kiểm tra trong đó có hơn 48.000 nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động được phát hiện và có hơn 37.600 nội quy, quy trình làm việc an toàn đã được các doanh nghiệp xây dựng, ban hành (tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021). Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; việc huấn luyện ATVSLĐ, việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Trong Tháng hành động về ATVSLĐ, phong trào thi đua sáng kiến cải thiện điều kiện lao động thu hút gần 34.000 người tham gia với 16.000 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Do triển khai tốt phong trào thi đua đã phát động trong Tháng Hành động về ATVSLĐ nên tình hình tai nạn lao động trong năm 2022 đã giảm hơn so với năm trước, đặc biệt trong Tháng hành động năm nay không có vụ tai nạn lao động chết nhiều người. Theo số liệu báo cáo từ cơ quan Bảo hiểm xã hội, trong 02 năm 2021, 2022, bình quân mỗi năm giảm khoảng gần 7% tần suất tai nạn lao động so với giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2022, Cục đã phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng và phát sóng hơn 30 phóng sự về an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; duy trì và cập nhật thông tin trên trang website antoanlaodong.gov.vn; thực hiện biên tập Bản tin ATVSLĐ tiếng Việt số số 1 và 2; tổ chức Hội nghị Mạng thông tin quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và Hội thảo báo chí về an toàn, vệ sinh lao động.
Công tác quản lý nhà nước về huấn luyện ATVSLĐ: Việc đào tạo, huấn luyện người làm công tác ATVSLĐ được tăng cường; việc hướng dẫn các tổ chức huấn luyện được triển khai thường xuyên; công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức làm dịch vụ huấn luyện được tăng cường kịp thời chẩn chỉnh các sai phạm trong hoạt động tổ chức huấn luyện. Trong năm 2022, Cục đã thực hiện quy trình thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động (kể cả cấp bổ sung, cấp đổi tên) cho 59 tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; tham gia 13 lượt hội đồng sát hạch người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; triển khai tổng rà soát các đơn vị huấn luyện để đề xuất các đơn vị đi thẩm định trực tuyến đi hậu kiểm theo chỉ đạo của lãnh đạo.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ tiếp tục được quan tâm và chú trọng, góp phần kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động các tổ chức dịch vụ kiểm định và các sản phẩm hàng hóa đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; thực hiện tốt các thủ tục hành chính và các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định và cấp chứng chỉ kiểm định viên.
Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được quan tâm, tập trung vào các địa bàn có nhiều nguy cơ tai nạn và các tổ chức dịch vụ huấn luyện và kiểm định huấn luyện ATVSLĐ nhằm kiểm soát chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Công tác tổng hợp báo cáo tai nạn lao động trên phạm vi cả nước được thực theo đúng quy định. Công tác quản lý chi phí Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo phân công của Bộ được triển khai thực hiện hiệu quả và hoàn thành kế hoạch hoạt động của Bộ phê duyệt. Các hoạt động hợp tác quốc tế được tiếp tục duy trì tốt với các đối tác truyền thống và triển khai đề xuất các nước hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý về ATVSLĐ trong sử dụng thang máy tại Việt Nam.
Về Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025, bước đầu triển khai trong năm 2022 đạt được những kế quả nhất định, tập trung vào công tác xây dựng kế hoạch kinh phí và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Bên cạnh các kết quả nổi bật nêu trên, Cục còn triển khai nhiều nhiệm vụ phát sinh và các nhiệm vụ khác đảm bảo theo đúng yêu cầu, tiến độ của Bộ…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ, công tác an toàn, vệ sinh lao động được đặc biệt quan tâm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ đã được ban hành tương đối đầy đủ cả ở các lĩnh vực chuyên ngành. Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ cơ bản đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa Luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước và thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn. Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp linh hoạt thời giờ làm việc cho doanh nghiệp; việc triển khai chính sách giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về 0% cho hơn 370 nghìn doanh nghiệp với gần 4300 tỷ đồng được triển khai thuận lợi, đạt 100% Kế hoạch không để xảy ra sai sót.
Công tác cải cách hành chính, được rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện đã đẩy nhanh tiến độ công việc, tiết kiệm được thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp.
Công tác tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, kiểm định kỹ thuật ATLĐ tiếp tục được triển khai đồng bộ nhằm giúp cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ được các cấp quan tâm hơn, tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người lao động và cộng đồng về ATVSLĐ; hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật ngày càng đa dạng, đổi mới. Hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông ở cả trung ương và địa phương tham gia tích cực công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ, chú trọng phản ánh các mô hình tốt, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có sáng kiến trong lĩnh vực ATVSLĐ qua đó chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phong trào thi đua về ATVSLĐ, đồng thời đưa tin, phản ánh kịp thời, công khai các vụ việc vi phạm, xảy ra TNLĐ. Một số địa phương còn thu hút được sự tham gia, vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện thông tin, tuyên truyền đến nhóm lao động không có hợp đồng lao động và ở khu vực phi chính thức.
Việc tổ chức phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 đã tạo ra đợt cao điểm tuyên truyền về ATVSLĐ, lan tỏa rộng rãi trong cả nước, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, góp phần giảm tai nạn lao động, đặt biệt là tai nạn lao động chết người trong năm.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, thông tin kịp thời các vụ tai nạn lao động xảy ra tại các tỉnh, thành phố để có văn bản gửi lời thăm hỏi, động viên tới thân nhân các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động, đồng thời chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, cũng như các doanh nghiệp chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn lao động cũng như tiến hành điều tra nguyên nhân tai nạn lao động theo quy định.
Năm 2023, mục tiêu đặt ra là tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng liên quan đến công tác ATVSLĐ, Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Thường xuyên nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhất là chính sách về bảo hiểm TNLĐ, BNN và tổ chức thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATVSLĐ và huấn luyện ATVSLĐ. Giảm tần suất tai nạn lao động chết người bình quân 4%/năm mà Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.
Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo kế hoạch Bộ giao: trong đó có chính sách về bảo hiểm TNLĐ, BNN, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Nghiên cứu xây dựng trình Lãnh đạo Bộ Đề án đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an toàn và chất lượng thang máy hiện nay tại Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng Đề án xây dựng phòng thử nghiệm phương tiện bảo vệ cá nhân. Xây dựng Thông tư ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hạ, nguy hiểm (dự phòng). Tiếp tục tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện hiệu quả Chương trình Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 và nguồn kinh phí chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi được Bộ phê duyệt. Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã được phê duyệt về đo lường, xác định, phân loại nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm trong tình hình mới.
Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023 với chủ đề ”Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong một số ngành, lĩnh vực để xảy ra nhiều tai nạn lao động như xây dựng, làm việc trong không gian hạn chế, sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; các tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ huấn luyện và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ tới doanh nghiệp và người lao động. Chú trọng tuyên truyền các sáng kiến, các mô hình cải thiện điều kiện làm việc, phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các gương điển hình trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, doanh nghiệp để tạo tính lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Tổ chức hiệu quả đối thoại của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ năm 2023. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về ATVSLĐ và đề xuất thỏa thuận hợp tác giai đoạn mới về nâng cao năng lực công tác ATVSLĐ. Hoàn thành các nhiệm vụ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi đổi số tại đơn vị. Hoàn thiện và trình Bộ quy định chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Cục sau khi có quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục An toàn lao động.