Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Sign In

Phiên họp lần thứ nhất Tổ Biên tập tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI

06/05/2022

Sáng ngày 06/5, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Tổ Biên tập Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất. Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Thành viên Ban chỉ đạo, Tổ phó Tổ Biên tập chủ trì phiên họp.

IMG-9670_1.JPGThứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Thành viên Ban chỉ đạo, Tổ phó Tổ Biên tập chủ trì phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, công tác xây dựng, tổng kết đánh giá Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội và xây dựng nghị quyết mới cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một nhiệm vụ lớn và rất quan trọng. “Phiên họp nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm, trong đó tập trung rà soát kế hoạch, tiến độ về tổng kết đánh giá; Xác định những vấn đề lớn mà các lĩnh vực cần thiết phải tham mưu với Trung ương về các chính sách xã hội cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Đồng chí Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Thành viên Tổ Biên tập trình bày Kế hoạch tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, đồng thời báo cáo tóm tắt tình hình triển khai tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.
Theo đó, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng kết, đề cương sơ bộ báo cáo tổng kết trình xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đề nghị các Bộ ngành có liên quan cử thành viên tham gia Ban Chỉ đạo và trình Ban Bí thư ban hành Quyết định số 42-QĐ/TW ngày 15/11/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.IMG-9681.JPG
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Bùi Tôn Hiến, Thành viên Tổ Biên tập trình bày tại phiên họp
Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan xây dựng dự thảo các tài liệu trình Ban Chỉ đạo, xin ý kiến góp ý của các thành viên Ban chỉ đạo; tổ chức Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo; hoàn thiện các tài liệu theo Kết luận tại Thông báo số 69/TB-VPCP và trình Ban Chỉ đạo ban hành.
Bên cạnh đó, triển khai các văn bản đến Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, Thường trực các Tỉnh ủy, thành ủy; các ban Đảng Trung ương, Ban cán sự Đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Đến nay, các tổ chức và cá nhân đã nhận được văn bản; Bộ LĐTBXH cũng thành lập Bộ phận thường trực để hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị xây dựng báo cáo, giải đáp các thắc mắc; đăng Công văn số 154-CV/BCSĐ, nội dung hướng dẫn báo cáo và phụ lục lên các nhóm zalo của Chánh Văn phòng, trợ giúp xã hội thuộc Sở LĐTBXH các tỉnh/thành phố.
Tại phiên họp, các thành viên Tổ Biên tập, đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tích cực thảo luận, tham gia ý kiến đóng góp vào công tác chuẩn bị tổng kết đánh giá tại các Bộ, ngành, địa phương.IMG-9693.JPG
TS.Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đóng góp ý kiến tại phiên họp
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi ghi nhận ý kiến tham luận của thành viên Tổ Biên tập, đại diện các Bộ, ngành, ý kiến của các chuyên gia. “Đây là tư liệu quý phục vụ cho Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực, các cơ quan liên quan trong việc tổng kết10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và nghiên cứu xây dựng nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn tới”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đạt được nhiều thành tựu; hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; cải thiện chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Hệ thống chính sách cơ bản đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân. Chính sách người có công được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng cao. Thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững, là điểm sáng được quốc tế đánh giá cao. Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế được Nhà nước và xã hội trợ giúp thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của nhân dân.IMG-9714.JPG
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - Chuyên gia cao cấp, thành viên Tổ Biên tập phát biểu tại phiên họp
Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp người có công với cách mạng và hiện cả nước có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 - 1,6 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 2% đến 2,2%. Số người tham gia BHXH tăng từ 10,2 triệu người năm 2011 lên gần 16,6 triệu người vào năm 2021.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 được thực hiện hiệu quả. Thu nhập bình quân của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng 3,5 lần so với năm 2010. Việt Nam đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo…
Bên cạnh các kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Một số chính sách ASXH chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng thiếu bền vững, thực hiện thiếu đồng bộ, chưa đồng đều giữa các địa phương, chênh lệch về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng còn lớn. Mức trợ cấp xã hội còn thấp, chất lượng an sinh xã hội có mặt còn hạn chế, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. Hệ thống quản lý còn bất cập, trình độ quản lý chưa cao, vẫn còn hiện tượng lạm dụng, trục lợi chính sách.IMG-9676.JPG
Toàn cảnh phiên họp lần thứ nhất Tổ Biên tập
Qua tổng kết, đánh giá tại một số Bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, trong đó tập trung hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực lao động - việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới, y tế, giáo dục, nhà ở và bảo vệ môi trường.
Nhằm triển khai có hiệu quả công tác tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi yêu cầu thành viên Tổ Biên tập tổ chức tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan.
Bên cạnh đó, cần làm rõ những thiếu sót, tồn tại, khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ ra nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Đồng thời phát hiện các vấn đề xã hội nảy sinh mới do quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, môi trường, tác động của các vấn đề xã hội toàn cầu,… dẫn đến sự thay đổi về công ăn việc làm, sản xuất hàng hóa, cán cân cung cầu.
Từ đó, đề xuất các quan điểm, lý luận và giải pháp có tính chất đột phá, đổi mới đối với các lĩnh vực chính sách xã hội một cách toàn diện, bảo đảm xây dựng nền an sinh xã hội hiện đại, tiên tiến, phát triển bền vững.
Xem