Chiều ngày 28/4, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2022. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng; ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH); bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện Luật an toàn, vệ sinh lao động trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, việc đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu hiết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó góp phần xây dựng cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị
Sau 05 lần tổ chức đối thoại từ năm 2017 đến năm 2021, ở cấp quốc gia nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ở cấp tỉnh đã có nhiều thông tin được chia sẻ, giải đáp. Sau đối thoại năm 2021, các thành viên Hội đồng tích cực tư vấn cho Chính phủ, Bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Nghị quyết, 02 Quyết định về chính sách nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, 07 Thông tư; Bộ Y tế: 01 Thông tư; Bộ Xây dựng: 02 Nghị định, 01 Thông tư; Bộ Công Thương: 07 Thông tư…). Qua đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động.
“Đây cũng là một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới về an toàn, vệ sinh lao động (ngày 28 tháng 4) và là một trong những điểm nhấn trong Tháng hành động quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động”, Thứ trưởng thông tin.
Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam Ingrid Christensen phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam Ingrid Christensen nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động. Theo Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, đối thoại xã hội đề cập đến tất cả loại hình thương thuyết, tham vấn và trao đổi thông tin giữa đại diện người lao động, giới chủ và chính phủ cũng như các chủ thể liên quan về các vấn đề quan ngại chung.
“Đối thoại xã hội từ lâu đã là một công cụ rất đắc lực và được ghi nhận rõ ràng trong lĩnh vực an toàn và sức khoẻ nơi làm việc” - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho biết.
Báo cáo những nội dung đã triển khai sau kỳ đối thoại năm 2020, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Bùi Đức Nhưỡng cho biết, ngay sau đối thoại năm 2020, về phía Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong đó có chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN bằng 0%, áp dụng từ 01/7/2021 đến hết 30/6/2022.
Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành 07 thông tư quy định về tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đào tạo chuyên gia đánh giá việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động làm cơ sở đánh giá giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, Hội đồng đã trao đổi, đối thoại về nhiều nhóm ý kiến: Quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động; nhóm ý kiến về quản lý công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; nhóm ý kiến về chế độ, chính sách an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; lĩnh vực khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động; lĩnh vực quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động…
Liên quan đến nội dung đề xuất quy định doanh nghiệp báo cáo khi sử dụng máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động thuộc thủ tục hành chính cấp tỉnh như hiện nay là chưa phù hợp với thực tế. Nên quy định thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội) thực hiện xác nhận khai báo, đại diện Phòng Quy chuẩn và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động - Cục An toàn lao động cho biết, nội dung này Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổng hợp, báo cáo Văn phòng Chính phủ điều chỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc phân cấp cho UBND cấp huyện (Phòng Lao động – Thương binh xã hội) thực hiện xác nhận khai báo cần sửa Luật An toàn lao động, Nghị định 44/2016/NĐ-CP và Thông tư số 16. Như vậy, việc sửa đổi sẽ khá phức tạp bởi liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời phải xây dựng cả hệ thống báo cáo từ cấp huyện để các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện.
Đối với vướng mắc chưa có quy định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn lao động trong ngành nông nghiệp, đại diện Cục An toàn lao động nhấn mạnh, tại khoản 3 Điều 33 Luật An toàn lao động quy đinh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng chi tiết Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các bộ ngành liên quan và trong quá trình xây dựng danh mục Bộ cũng đã gửi văn bản để các bộ ngành đề xuất máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn lao động. Tuy nhiên, đối với danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có đề xuất. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời có ý kiến làm rõ.
Liên quan đến việc xác định công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đại biểu chia sẻ, hiện tại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được tích hợp thành một quy định thống nhất (Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH). Tuy nhiên, Thông tư chưa quy định rõ, việc tra cứu tại các mục khác, ví dụ các đơn vị xây dựng khi thi công xây lắp chỉ cần tra cứu trong mục XIX nêu trên (tương ứng với ngành mình) hay vẫn cần tra cứu ở các ngành khác như: thợ sắt, thợ cơ khí, thợ hàn trong xây dựng phải tra cứu ở mục cơ khí… Việc này sẽ gây ra các cách hiểu khác nhau, đồng thời gây khó cho đơn vị khi phân loại các đối tượng trên trong việc thực hiện đúng, đủ chế độ chính sách cho người lao động theo quy định. Chưa phân biệt rõ loại nào là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, loại nào đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo Cục An toàn lao động, Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định nghề, lĩnh vực áp dụng đối với một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Đối với lĩnh vực, ngành nghề khác sẽ được đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động được quy định tại Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH. Kết quả đánh giá sẽ quyết định điều kiện lao động của nghề, công việc đó.