Đây là phát biểu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành thanh tra (23/11/1945-23/11/2020) diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 16/11. Tham dự buổi Lễ còn có các đồng chí: Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH; đại diện Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH; đại diện các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, cùng các thế hệ cán bộ, công chức Thanh tra Bộ qua các thời kỳ, các thanh tra viên, cán bộ thanh tra và người lao động đang công tác tại Thanh tra Bộ, công chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng cho biết, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ thường xuyên nghiên cứu và giải quyết các đơn, thư khiếu nại và phản ánh của các tầng lớp nhân dân từ khắp các địa phương gửi lên Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ đó, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.

Các đại biểu tham dự buổi Lễ
Từ năm 2015, hàng năm, được sự đồng ý của Bộ trưởng và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Thanh tra Bộ cùng Thanh tra các Sở đã triển khai phương pháp thanh tra theo Chiến dịch trong những lĩnh vực khác nhau, đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và yêu cầu về đảm bảo tuân thủ pháp luật tại các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành, ngay lập tức mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như thúc đẩy an sinh xã hội.
Kết quả, trong 05 năm gần đây, toàn ngành LĐ-TBXH đã thực hiện 36.031 cuộc thanh tra, ban hành 211.781 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện, 5.896 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 172 tỷ đồng, yêu cầu thu hồi, nộp ngân sách nhà nước 492,8 tỷ đồng; tiếp 66.916 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 79.560 đơn thư, thời gian xử lý đơn thư giảm từ 10 ngày xuống còn 05 ngày; giải quyết 2.824 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng phát biểu tại buổi Lễ
Công tác thanh tra việc thực hiện chính sách người có công có nhiều chuyển biến, đây cũng là một trong các lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu của Ngành, hai nội dung được tập trung thanh tra, xử lý dứt điểm: (1) rà soát toàn bộ hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội xác lập và (2) thanh tra toàn bộ các hồ sơ đối tượng hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH). Kiểm tra 66.014 hồ sơ thương binh (bản gốc) đang lưu giữ tại 07 Quân khu; qua xác minh, đã xác định 2.895 trường hợp không đủ điều kiện tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi phải đình chỉ trợ cấp và yêu cầu đối tượng nộp trả ngân sách nhà nước số tiền trên 287,9 tỷ đồng. 145.908 hồ sơ đối tượng hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH đã được thanh tra, kiểm tra, phát hiện 6.258 trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ, đình chỉ trợ cấp hoặc điều chỉnh giảm mức trợ cấp do Hội đồng giám định y khoa kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể, không đúng bệnh thuộc danh mục quy định, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 293,189 tỷ đồng.
Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các thế hệ công chức, người lao động, tập thể Thanh tra Bộ đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (6 lần), Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua (2 lần), Huân chương Lao động hạng Ba (hai lần, vào năm 1980 và năm 2003), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2009) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015). Về cá nhân, có 14 lượt cán bộ, công chức được tặng thưởng Huân chương Lao động các loại, 14 lượt cán bộ, công chức được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Thanh tra Bộ đã từng bước khẳng định vị trí quan trọng, không thể thiếu trong quản lý nhà nước về lao động, thương binh và xã hội. Qua nhiều lần tách, nhập, thay đổi, với sự đoàn kết, gắn bó, tin tưởng nhau, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và từng cán bộ, thanh tra viên Thanh tra Bộ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, hoạt động ngày càng đi vào nề nếp và thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, xử lý vi phạm, phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu chúc mừng tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, chặng đường 75 năm qua, Thanh tra ngành LĐ-TBXH đã trải qua 12 lần chia tách, sát nhập tất cả đều thực hiện một nguyên tắc, phương châm Đảng, Nhà nước giao cho Ngành, đó là thực hiện lời dạy của Bác “Thanh tra là tai, là mắt của trên, là bạn của dưới”. Thanh tra Ngành LĐ-TBXH trong suốt chặng đường vừa qua đã có bước tiến bộ, xây dựng và trưởng thành vượt bậc. Từ chỗ mới thành lập, chưa xác định được cơ chế hoạt động, cho đến nay đã tương đối đồng bộ và hoàn thiện.
Bộ trưởng nhận định, “Chúng ta đã đi những bước rất dài trong việc đóng góp cho Ngành để thực thi nhiệm vụ. Với lĩnh vực rất đa dạng, phong phú và rất phức tạp. chúng ta chăm lo cho người dân từ những em bé còn trong bụng mẹ cho đến người nằm trong lòng đất. Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng chính sách cho nhưng con người ấy. Rất khó có thể tìm được sự hài lòng cho tất cả mọi người, để xây dựng các chính sách hợp lòng dân. Những lĩnh vực của chúng ta phần đa là các lĩnh vực gắn liền với người yếu thế, những người khó khăn, người thiệt thòi, những lĩnh vực đi liền với phát triển kinh tế và xã hội…”
Bộ trưởng tự hào, Ngành luôn giữ được truyền thống đoàn kết, tiên phong và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cả chặng đường vừa qua từ khi thành lập đến nay. Nhất là những năm gần đây trong sự nghiệp đổi mới, Ngành thực sự có sự lột xác, có sự thay đổi một cách cơ bản về định hướng, về chiến lược, tổ chức thực hiện công việc.
“Năm năm gần đây chúng ta đột phá mạnh về xây dựng thể chế làm thay đổi căn bản các hệ thống pháp luật để tạo ra cho toàn ngành, nhất là thị trường lao động vận hành hướng tới thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ và hiện đại. Từ việc chúng ta tham mưu cho Trung ương ban hành Nghị quyết 27,28 về cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách BHXH; Lần đầu tiên chúng ta sửa bộ Luật lao động với những nội hàm hoàn toàn mới với nhiều vấn đề kéo dài vài chục năm: về tổ chức đại diện người lao động; vấn đề đổi mới cơ chế chính sách tiền lương; tuổi nghỉ hưu..” Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2015-2020
Thứ trưởng Lê Văn Thanh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2015-2020
Bộ trưởng nhận định, Thanh tra Bộ đóng góp rất tích cực, rất chủ động và hiệu quả trong việc tham mưu cho Bộ giải quyết các tồn tại, vướng mắc kéo dài trong thời gian vừa qua. Những kết quả đạt được trong việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng là công sức của toàn Ngành với sự đóng góp một phần quan trọng của Thanh tra Bộ.
Bộ đã giải quyết được 7222 hồ sơ người có công tồn đọng, công nhận 2542 hồ sơ liệt sỹ, 2200 trường hợp là thương binh, còn lại trả lời không đủ điều kiện, tạm thời dừng lại không xem xét nữa. 2700 đơn thư với nhiều vụ việc kéo dài và phức tạp được xử lý. Trong những lúc vướng mắc khó khăn, Thanh tra Bộ góp phần rất quan trọng, góp được tiếng nói có trọng lượng, niềm tin trong lãnh đạo Bộ. Thanh tra Bộ đã xử lý, góp phần ngăn chặn nhiều tiêu cực trong chính sách người có công, thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững,các chính sách người lao động trong các tập đoàn doanh nghiệp; dự báo ngăn chặn tham nhũng lãng phí trong Ngành.
Bên cạnh đó, Thanh tra hoạt động tương đối nề nếp, có kỷ cương, kỷ luật. Đội ngũ cán bộ thanh tra được rèn luyện thực tiễn. Đội ngũ lãnh đạo Thanh tra có chính kiến, biết can gián. Các thế hệ thanh tra trong cả chặng đường 75 năm qua có bước tiến bộ, trưởng thành rõ rệt, hoàn toàn xứng đáng các phần thưởng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.
Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2015-2020
Phó Chánh Thanh tra Bộ Đàm Thị Minh Thu trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2015-2020
Chúc mừng các kết quả đạt được của Thanh tra trong chặng đường qua, thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn Thanh tra Bộ thực hiện tốt hai điều.
Điều thứ nhất, Thanh tra cố gắng thực hiện tốt điều Bác Hồ dạy. Thanh tra phải “Là tai, là mắt của trên”: mắt nhìn xa, sâu rộng vào các vấn đề cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ; mở đường cho các công việc của Ngành đi lên, phát triển.
Điều thứ hai, Thanh tra là “Bạn của dưới”. Bộ trưởng cho biết, trong dân còn rất nhiều điều ấm ức, thanh tra phải lăn lộn, các thanh tra Sở, Cục, Vụ phải gắn bó mật thiết với dân, để dân tin tưởng và xử lý đơn thư một cách thấu tình, đạt lý.
Để thực hiện tốt hai điều trên, Bộ trưởng đề nghị Thanh tra Bộ chú ý một số vấn đề:
Một là tập trung rà soát toàn bộ 320 ngàn hồ sơ về chất độc hóa học, hoàn thiện trong năm 2021. Đây là lĩnh vực nhức nhối và tiêu cực, bức xúc nhất của Ngành hiện nay
Hai là vấn đề bảo hiểm xã hội nhức nhối với 270 ngàn doanh nghiệp, trốn đóng, nợ đóng và trục lợi bảo hiểm xã hội, các vấn đề hưu trí, tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp…
Ba là vấn đề Thanh tra trong lĩnh vực Trẻ em. Trong năm 2019, toàn Ngành không có bất cứ thanh tra nào về lĩnh vực trẻ em trong khi tình trạng bạo lực tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, nhất là xâm hại tình dục trẻ em tại gia đình, nhà trường tại nơi được xem là an toàn nhất. Đây là mảng tối trong ngành, thanh tra cần mạnh dạn tấn công vào lĩnh vực này.
Ghi nhận những thành tích đạt được, Thanh tra Bộ LĐ-TBXH đã vinh dự nhận được Bằng khen Tổng thanh tra Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ngành Thanh tra giai đoạn 2015-2020.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đã trao, tặng Bằng khen cho 22 tập thế và 31 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra lao động người có công và xã hội giai đoạn 2015-2020.