Theo quy định của pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Quan trọng thế nhưng trên thực tế ở nước ta, thoả ước lao động chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thi hành có hiệu quả. Tại Bắc Ninh, việc thương lượng và ký kết TƯLĐTT ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước, đạt tỷ lệ thấp và chất lượng hạn chế.
Theo thống kê của Công đoàn các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh: Từ năm 2008 đến hết năm 2012, tại các doanh nghiệp trong KCN, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn ngoài nhà nước đã xảy ra hàng chục cuộc đình công của công nhân. Điển hình, tại KCN Quế Võ có 64 cuộc, KCN Tiên Sơn có 10 cuộc, KCN Yên Phong có 9 cuộc, KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn có 4 cuộc. Tuy nhiên, 100% các cuộc đình công đều bất hợp pháp, không tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật.
Nguyên nhân của những cuộc đình công tự phát này đều do công nhân lao động yêu cầu chủ sử dụng lao động tăng lương, tăng phụ cấp, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, giảm giờ làm… Đặc biệt là giữa người sử dụng lao động và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung, chưa ký được TƯLĐTT đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên.
Công đoàn các KCN tỉnh đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn các Công đoàn cơ sở làm tốt vai trò cầu nối giữa công nhân lao động với chủ doanh nghiệp, chủ động đề xuất với người sử dụng lao động để thương lượng, ký kết và sửa đổi bổ sung TƯLĐTT với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động và phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp. Đó là các vấn đề về việc làm, mức lương cơ bản, chế độ bồi dưỡng sức khoẻ, trợ cấp thêm khi chấm dứt hợp đồng lao động, cải thiện bữa ăn ca, cải thiện phương tiện, điều kiện, môi trường làm việc, tăng cường bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất... Việc làm này là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Công đoàn các KCN tỉnh, nhiều Công đoàn cơ sở đã làm khá tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Điển hình là Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Ngân Sơn, Công ty Cổ phần SX & TM Đức Việt, Công ty Cổ phần Vigracera Tiên Sơn, Công ty TNHH Trendsetters Fashions, Công ty TNHH điện tử Foster, Công ty TNHH Mitax, Tập đoàn Hồng Hải...
Trên cơ sở pháp luật quy định và khả năng của mỗi đơn vị, văn bản TƯLĐTT của các công ty luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động từ chế độ phúc lợi đến môi trường làm việc cũng như các chế độ khác. Vì vậy đã tạo được niềm tin cho người lao động và tạo được sự đồng thuận cao trong đơn vị. Song thực tế hiện nay, các KCN có 292 doanh nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 116.253 lao động, thì có 177 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức Công đoàn với 43.298 đoàn viên (đạt tỷ lệ trên 90% các doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập được tổ chức Công đoàn). Số doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thực hiện TƯLĐTT chỉ có 95 đơn vị (đạt tỷ lệ 53,7%). Các doanh nghiệp đầu tàu, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả luôn duy trì việc ký kết TƯLĐTT với Công đoàn cơ sở, thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và kết quả kinh doanh.
TƯLĐTT đã có tác dụng khuyến khích, phát huy dân chủ. BCH Công đoàn cơ sở thể hiện rõ nét là người đại diện cho tập thể người lao động để thương lượng và ký kết TƯLĐTT nhằm đạt được những thỏa thuận với người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mặc dù đã xây dựng TƯLĐTT, nhưng chất lượng chưa cao, chủ yếu còn sao chép luật; một số đơn vị chưa sửa đổi cho phù hợp với chính sách mới; một số chủ sử dụng lao động né tránh thương lượng, ký kết TƯLĐTT nội dung ít có lợi cho người lao động và không thể hiện nhiều trách nhiệm phía người sử dụng lao động…
Để công nhân lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, việc ký kết thỏa lước lao động tập thể là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là thỏa ước đó phải thực sự là tiếng nói của công nhân lao động và trở thành chỗ dựa cho người lao động. Để đạt được điều đó, cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành và quan trọng là của người sử dụng lao động và người lao động.