Tại hội thảo “Kết quả cải thiện sau tập huấn ATVSLĐ trong nông nghiệp” vừa được tổ chức tại Cần Thơ (tháng 4-2005), Ban Điều hành dự án T.Ư và Ban Hỗ trợ dự án TP Cần Thơ đánh giá cao những kết quả của dự án khi được triển khai tại địa phương. Qua khảo sát, có 65 cải tiến cách sắp xếp nơi ăn, ở ngăn nắp, vệ sinh, bảo đảm tính khoa học, không buông tuồng, tự tiện như trước đây. Nhiều nông dân đã biết tự lập kế hoạch hành động, đăng ký những cải tiến trong gia đình từ đơn giản đến qui mô, từ thấp đến cao, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình.
Chẳng hạn, tận dụng gỗ phế thải đóng nơi giắt dao, kéo, để nồi, chảo hay đồ dùng cá nhân; cưa thân cây dừa làm ghế ngồi, vừa đẹp mắt, thoải mái, không phải mua sắm tốn kém; gắn bánh xe vào các loại máy móc, nông cụ để đẩy từ trong nhà ra vườn; đào hố xa ngoài vườn để chôn cất, tiêu hủy chai lọ thuốc trừ sâu sau khi sử dụng…
Sắp tới, các lớp tập huấn kiến thức ATVSLĐ trong nông nghiệp sẽ được triển khai đến nông dân các huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh. Đồng chí Lâm Nhật Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban Hỗ trợ Dự án TP Cần Thơ, nhận định: Để phát huy và nhân rộng các cải tiến ATVSLĐ trong nông nghiệp, dự án tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nông dân là những cán bộ, hội viên đoàn thể, với ngôn ngữ, cách diễn đạt “nông dân nói cho nông dân nghe”, thuyết phục nông dân thực hiện cải tiến. Ban Điều hành Dự án cần hỗ trợ kinh phí hoạt động ban đầu cho Ban Hỗ trợ dự án cấp xã, tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với nông dân các tỉnh, thành được triển khai dự án.
Tuấn Cường ( Tạp chí LDXH)